Lỗ hổng trong quản lý và thiếu kiểm tra nghiêm ngặt đã tạo cơ hội cho sữa giả xâm nhập, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
- Dùng kem trị mụn 'thuần tự nhiên' trên TikTok, cô gái trẻ da mặt sưng đỏ, dị ứng nặng
- MC Quyền Linh lên tiếng sau khi bị tố bội tín, đối mặt nguy cơ bị kiện: 'Tôi thành thật xin lỗi...'
Theo thông tin từ báo Lao Động, vụ sữa giả bị Bộ Công an triệt phá liên quan đến Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, với quy mô lớn và doanh thu gần 500 tỉ đồng. Các sản phẩm sữa giả này chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh không chính thức, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý.
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết về vụ triệt phá đường dây sản xuất sữa giả, Bộ Công Thương không quản lý trực tiếp sản phẩm của các công ty này mà chỉ kiểm tra khi phát hiện vi phạm trong phạm vi chức năng. Các sản phẩm này chủ yếu được phân phối qua các kênh không chính thức, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Để tăng cường quản lý, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các kênh bán nhỏ lẻ, sàn thương mại điện tử, và mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế và ngành nông nghiệp để ngăn chặn sữa giả và không đảm bảo chất lượng. Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát và đề xuất cải thiện cơ chế phối hợp liên ngành nhằm xử lý hiệu quả các hành vi gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm.

Theo thông tin từ báo Dân trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là 2 đối tượng bị cáo buộc là cầm đầu, chủ mưu.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
2 công ty trên đã sản xuất, bán ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai với doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.
Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma là ông Nguyễn Thành Luân (sinh năm 1987). Ông Luân hiện còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dược Nasaka Á Châu.
Công ty cổ phần Dược Nasaka Á Châu được thành lập vào tháng 1/2019, trụ sở tại khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Doanh nghiệp này kê khai thuế có 5 lao động. Công ty này có vốn điều lệ 3 tỷ đồng tuy nhiên không cung cấp thông tin về cơ cấu cổ đông góp vốn.

Hiện tại, trang web của công ty này và kênh mạng xã hội không thể truy cập. Thông tin trên một tạp chí cho thấy, đơn vị này từng đạt chứng nhận cho 2 nhãn hiệu sữa của một giải thưởng vào năm 2022. Thậm chí, công ty này còn tự giới thiệu các nhãn hiệu này có nguồn nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ New Zeland, có hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm được sản xuất đều đạt chứng nhận FDA và các tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định.
Ngoài ra, Nguyễn Thành Luân còn là Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Công ty cổ phần Dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang.
Bên cạnh Nguyễn Thành Luân, một nhân vật khác cũng trợ giúp cho 2 đối tượng Cường và Hà là Nguyễn Văn Tú. Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1981) là Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group từ tháng 10/2024.
Người này đồng thời là giám đốc doanh nghiệp. Ông Tú còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dược quốc tế Win CT. Vũ Mạnh Cường cũng từng là đại diện pháp luật của công ty này.
Công ty cổ phần Dược quốc tế Win CT được thành lập tháng 9/2019, với vốn điều lệ 3 tỷ đồng, trụ sở tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Cổ đông góp vốn gồm: Vũ Mạnh Cường góp 1,14 tỷ đồng, Lê Xuân Son góp 840 triệu đồng, Nguyễn Văn Tú góp 1,02 tỷ đồng. Tại thời điểm tháng 10/2022, công ty kê khai thuế với 5 lao động.