Theo một báo cáo đầu tiên về vấn đề tiêu thụ muối của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới dự kiến sẽ không đạt được mục tiêu giảm 30% lượng muối tiêu thụ vào năm 2025.
- 2 loại đồ uống rút ngắn tuổi thọ cực nhanh nhưng nhiều người Việt vẫn thích mê
- Uống nước ép rau sống có nhiễm ký sinh trùng không?
Trong báo cáo công bố ngày 9/3, chỉ có 5% trong số 194 quốc gia thành viên của WHO thực hiện các chính sách giảm tiêu thụ muối natri toàn diện theo mục tiêu đặt ra trong năm 2013.
Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng vì Sức khỏe và Phát triển của WHO, cho biết: "Tiến độ diễn ra chậm và chỉ một số quốc gia có chính sách toàn diện giảm lượng muối natri tiêu thụ trong người dân. Vì vậy, WHO đang xem xét gia hạn mục tiêu này đến năm 2030."
Cảnh báo nguy cơ từ tiêu thụ nhiều muối
Muối natri là một chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm. Theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, các ca bệnh này đã khiến gần 2 triệu người tử vong trên khắp thế giới mỗi năm.
Báo cáo mới của WHO cũng cho biết lượng muối tiêu thụ trung bình toàn cầu ước tính là 10,8 gam mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là dưới 5 gam mỗi ngày đối với người trưởng thành.
Dựa theo mức đánh giá 4 bậc (từ mức 1 thực hiện thấp nhất đến 4 thực hiện tốt nhất), WHO xác nhận chỉ 9 quốc gia đạt điểm 4 là Brazil, Chile, Cộng hòa Séc, Litva, Malaysia, Mexico, Saudi Arabia, Tây Ban Nha và Uruguay. Những nước này đã xây dựng được chính sách giảm muối natri toàn diện.
Mỹ đạt 3 trên 4 điểm vì có ít nhất một chính sách natri bắt buộc và yêu cầu ghi rõ lượng muối natri đối với thực phẩm đóng gói sẵn. Khoảng 22% các quốc gia thành viên có số điểm này.
Tiến sĩ Branca cho biết trong báo cáo: "Chúng ta có thể giảm lượng natri bằng cách nêm ít muối hơn khi nấu thức ăn và mua các sản phẩm chứa ít muối natri hơn. Tuy nhiên, cần có một số chính sách công để người dùng đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn."
Theo Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, báo cáo này cho thấy "các quốc gia phải khẩn trương thực hiện các chính sách giảm tiêu thụ muối natri, đưa ra mục tiêu lớn và mang tính bắt buộc để đáp ứng mục tiêu toàn cầu".
Thế giới cần hành động ngay bây giờ. Nếu không sẽ còn nhiều người nữa sẽ bị tàn tật hoặc tử vong vì đau tim và đột quỵ, trong khi chúng ta có thể phòng ngừa được", ông Frieden cho hay.
Kêu gọi các quốc gia tăng cường giảm lượng tiêu thụ muối natri
Tiến sĩ Laura Cobb, Giám đốc giám sát và chính sách dinh dưỡng tại Resolve to Save Lives – một tổ chức NGO hỗ trợ ngăn chặn các trường hợp tử vong do tim mạch, cũng thông tin rằng Mỹ đang nỗ lực giảm tiêu thụ muối natri trong cộng đồng, đặc biệt là đưa ra hướng dẫn bắt buộc đối với các ở trường học. Và bà cũng muốn thấy các chính sách này được mở rộng ở nhiều quốc gia.
Bà Cobb nói: "Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra các mục tiêu tự nguyện về việc giảm tiêu thụ natri". FDA đang hướng đến giảm khoảng 12% lượng natri tiêu thụ trung bình mỗi ngày, từ khoảng 3.400 miligam mỗi ngày xuống còn 3.000 miligam mỗi ngày.
Cũng theo chuyên gia này, "con số đó có khả năng cứu sống hàng trăm ngàn người. Giống như bất kỳ sáng kiến tự nguyện nào, nó có thực sự thành công hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ cam kết, thực hiện và chịu trách nhiệm của chính phủ Mỹ cùng nhiều tổ chức khác, chẳng hạn như các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức xã hội dân sự."
Vì sao sa mạc muối ở Thung lũng Chết lại có hình dạng “tổ ong”?
Bà Cobb cũng cho biết nước Mỹ còn rất nhiều việc phải làm khi nói đến việc dán nhãn và tiếp thị thực phẩm. "Chúng ta không có bất kỳ hạn chế thực sự nào đối với hoạt động tiếp thị, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe", theo bà Cobb. Nhãn hiệu bao bì của sản phẩm thường sẽ cho người tiêu dùng biết sản phẩm nào chứa quá nhiều natri, đường và chất béo.
Trong bối cảnh hiện tại, WHO đang kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp can thiệp để giảm lượng natri, bao gồm chế biến thực phẩm chứa ít muối hơn, thiết lập các chính sách hạn chế thực phẩm giàu muối natri tại các cơ sở công cộng và dán nhãn bao bì cung cấp đầy đủ thông tin để giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp hơn.
WHO cho biết những chính sách như vậy có thể cứu sống khoảng 7 triệu người trên toàn cầu vào năm 2030 và giảm hơn 20% lượng natri con người hấp thụ.
Bà Cobb nói: "Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các quốc gia phải có thêm các biện pháp mới. Chúng tôi hy vọng bản báo cáo này sẽ thúc giục các bên hành động và chúng ta sẽ có thể ngăn chặn bệnh tim trước khi nó phát triển."