Giáo sư nổi tiếng của Trường Y Harvard tiết lộ 7 loại thực phẩm nếu ăn quá nhiều có thể gây hại cho tim. Loại cuối cùng rất ít người ngờ tới.
- Nóng: Ngày 10/5, ca mắc COVID-19 mới tăng lên 2.507, 132 ca thở máy
- Điện Biên bác bỏ 2 ca tử vong vì COVID-19, ghi nhận 149 ca mắc trong tỉnh
Giáo sư Deepak Bhatt là giám đốc điều hành các chương trình tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Brigham and Women's (Mỹ). Ông cũng là chuyên gia hàng đầu về tim mạch của Trường Y, Đại học Harvard. Vị giáo sư này cho biết, ông có 1 danh sách gồm 7 thực phẩm mà ông hạn chế ăn để giúp trái tim luôn khỏe mạnh. Ngoài những thực phẩm thường được biết tới có thể gây hại cho tim, như đồ ăn nhanh, đồ uống có cồn và thịt đỏ, cũng có những thực phẩm có thể khiến cho bạn ngạc nhiên vì nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch.
Giáo sư Bhatt cho biết: “Lời khuyên tốt nhất về chế độ ăn uống lành mạnh đối với sức khỏe của trái tim đó là một chế độ ăn ít calo”.
1. Thực phẩm nhiều đạm
Theo tiến sĩ Andrew Freeman, giám đốc Trung tâm dự phòng và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện National Jewish Health: “Tiêu thụ quá nhiều protein có thể gây áp lực cho thận và nhiều vấn đề sức khỏe sau này”.
Nhiều người muốn tăng cơ bắp thường tiêu thụ rất nhiều protein. Để tối ưu lượng protein nạp vào, mọi người thường ăn các loại thịt chứa nhiều chất béo bão hòa. Điều này có thể làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL), từ đó có thể gây ra các bệnh về tim hoặc đột quỵ.
2. Các loại đồ uống tăng lực
Người ta đã nói rất nhiều về ảnh hưởng của nước tăng lực đối với sức khỏe tâm thần và giấc ngủ. Tuy nhiên, giáo sư Bhatt cho biết loại đồ uống này cũng rất có hại cho tim.
Nước tăng lực có hàm lượng đường cao. Các thành phần có trong nước tăng lực cũng có thể làm tăng huyết áp hoặc gây rối loạn nhịp tim.
Giáo sư Bhatt cảnh báo: “Hãy cẩn trọng với nước tăng lực hoặc các loại thảo dược, chất bổ sung có tác dụng tương tự. Chúng có thể chứa những chất gây rối loạn nhịp tim hoặc các vấn đề sức khỏe khác”.
“Nước tăng lực đôi khi cũng chứa lượng caffeine khá cao hoặc các chất khác có thể gây ra nhịp tim bất thường.”
3. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Giáo sư Bhatt nói: “Loại thực phẩm tồi tệ nhất đối với sức khỏe tim mạch là thịt đỏ. Thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và cả ung thư.”
Các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói đều chứa nhiều calo, chất béo bão hòa và muối. Hơn một nửa lượng calo có trong thịt xông khói đến từ chất béo bão hòa. Do đó, thực phẩm này có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, khiến nguy cơ đau tim, đột quỵ cao hơn.
Hàm lượng muối cao cũng có thể làm tăng huyết áp, đồng nghĩa với việc tim phải làm việc nhiều hơn.
Tuy nhiên, mọi người không nên loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn vì đây cũng là nguồn cung cấp dồi dào sắt, kẽm và các chất dinh dưỡng khác. Rất nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc cắt bỏ hoàn toàn thịt đỏ có thể gây bất lợi vì nó có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng.
4. Đồ uống có cồn
Giáo sư Bhatt nói rằng tốt nhất mọi người nên tránh tiêu thụ đồ uống có cồn để bảo vệ sức khỏe của trái tim.
“Đồ uống có cồn về cơ bản là calo rỗng, không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào. Bằng chứng cho thấy uống rượu, thậm chí chỉ uống một ly mỗi ngày, có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về nhịp tim.”
“Các bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng đồ uống có cồn có thể gây ra các rủi ro về tim mạch. Một người nếu tiêu thụ nhiều rượu vang, rượu whisky hoặc bia đều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như huyết áp cao và thậm chí là suy tim”, giáo sư Bhatt cho biết thêm.
Đồ uống có cồn còn làm tăng nồng độ hormone renin trong máu, khiến các mạch máu co lại, cuối cùng làm tăng huyết áp.
5. Đồ ăn nhanh
Giáo sư Bhatt cho biết: “Hầu hết các loại thức ăn nhanh đều chứa nhiều muối hoặc đường. Lượng muối dư thừa đó có thể góp phần làm tăng huyết áp”.
Các loại thực phẩm chiên rán cũng không tốt cho sức khỏe và cũng có xu hướng chứa nhiều calo. “Mọi người nên tránh tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh.”
6. Đồ ngọt
Giáo sư Bhatt nói thêm đường là một loại thực phẩm khác mà mọi người nên hạn chế tiêu thụ nếu muốn giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.
Một số loại thực phẩm như bánh ngọt, bánh quy và nhiều loại bánh mì không chỉ có nhiều đường mà còn nhiều muối và bột mì trắng. “Những loại carbohydrate đơn giản, như từ bột mì trắng, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và béo phì. Cả 2 tình trạng này đều có thể dẫn tới bệnh tim”, giáo sư Bhatt cho biết.
7. Dầu dừa
Lượng chất béo bão hòa có trong dầu dừa có thể gây hại cho tim. Ảnh minh họa: Internet
Theo giáo sư Bhatt, khoảng những năm 2010, dầu dừa được ca ngợi là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dầu dừa không tốt cho sức khỏe tim mạch.
Lượng chất béo bão trong dầu dừa cao hơn trong mỡ lợn. Do đó, nó có thể gây tích tụ cholesterol trong mạch máu.
Trong các nghiên cứu trên động vật, người ta thường dùng dầu dừa để mô phỏng sự tắc nghẽn cholesterol trong động mạch, hay còn gọi là chứng xơ vữa động mạch.
Giáo sư Bhatt cho biết ông không bao giờ lạm dụng dầu dừa trong khi nấu ăn. “Dừa có thể có những lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì tốt nhưng dùng quá nhiều đều có thể gây ra những tác động ngược lại”.