Bên cạnh những loại rau có vị ngọt không ít những loại rau có vị đắng khó nuốt. Tuy nhiên, các loại rau vị đắng này lại có những giá trị làm thuốc mà ít ai có thể ngờ tới.
- 2 nhóm thực phẩm là "vua nuôi dưỡng dạ dày", ngày Tết nên ăn nhiều một chút để phòng ngừa bệnh
- Nem vùi tro bếp, món ăn không thể thiếu trong ngày tết ở xứ Thanh
Theo bác sĩ BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), bên cạnh những loại rau có vị ngọt thì có những loại rau có vị đắng không phải ai cũng thưởng thức được. Trong đó rau đắng là một loại rau như vậy. Rau đắng đất hay còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá.
Đúng như tên gọi, loại rau này rất đắng, có tính bình, không độc. Trong Đông y quy vào hai kinh vị và bàng quang, do đó có tác dụng tiêu viêm (chống viêm), cố sáp (chống tiêu chảy) và thanh nhiệt trừ thấp (trị mụn nhọt, giải độc).
Những trường hợp có thể sử dụng để trị bệnh như: tiểu gắt buốt, sỏi thận, ăn uống kém tiêu, nóng trong người, hạ sốt, mát gan.
Bác sĩ Như Thuỷ cho hay, rau đắng có chứa 0.35% hoạt chất tanin, catotin, ancaloit đường, ngoài ra còn có vitamin C và một số dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn tốt hơn. Rau đắng có thể giúp cải thiện tình trạng về da (mề đay, ghẻ ngứa), giúp giảm stress, cải thiện sỏi thận, cải thiện tình trạng táo bón.
Trong dân gian người ta vẫn dùng rau đắng xào, nấu canh hoặc ăn sống tùy món. Tuy nhiên, khi dùng loại rau này cần lưu ý rằng đối với phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai, rau đắng có thể làm co thắt tử cung hoặc kích thích quá trình đông máu gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Ngoài ra, người có cơ địa dạ dày yếu cũng không nên ăn rau đắng nhiều vì đặc tính bình của rau sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Riêng với những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp tốt nhất là nên tránh ăn loại rau này.
Nếu nói đến loại quả có vị đắng hẳn mọi người sẽ nhớ ngay tới mướp đắng (khổ qua). Mướp đắng có tên gọi khác là cẩm lệ chi, lương qua.
Theo Đông y mướp đắng vị đắng, lạnh; quy vào kinh Tỳ, Vị, Tâm và Can, có tác dụng thanh nhiệt giải thử (làm mát hạ sốt), giải độc (kháng sinh sáng mắt).
Quả và hạt tươi hoặc khô đều có thể dùng làm thuốc. Điều trị các trường hợp bị sốt, nóng mất nước, viêm đường niệu, sỏi đường niệu, mụn nhọt, đau mắt, giúp hạ đường huyết, giảm cholesterol máu, làm sáng da, trị mụn nhọt vùng da, hỗ trợ trí các bệnh vẩy nến (dùng làm xà phòng), giúp hỗ trợ giảm cân do ít calo và nhiều chất xơ, tăng cường miễn dịch, bền chắc thành mạch và tốt cho xương do cung cấp nhiều vitamin C và K.
Bác sĩ Thuỷ chia sẻ: "Trong quả mướp đắng có chứa glycozit đắng: momordixin, charantin; hỗn hợp các chất thuộc nhóm stigmastadienol; protid, acid amin; lipid và các sắc tố chủ yếu: lycopen; một số vitamin và muối khoáng. Hạt chứa chất béo và chất đắng. Ngoài ra, mướp đắng còn chứa các chất alkaloid như quinin và morodicine, nhựa và saponin glycoside, có thể là nguyên nhân gây ra chứng khó dung nạp ở một số người".
Khi dùng mướp đắng cần phải lưu ý: người có huyết áp thấp, người đang sử dụng thuốc hạ đường huyết, người có bệnh về đường tiêu hoá, người có bệnh gan thận cần thận trọng khi sử dụng mướp đắng với lượng nhiều.
Cần lưu ý không nên xào khổ qua ở nhiệt độ quá cao, bởi sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của nó, tốt nhất bạn có thể bào mỏng, chần sơ với nước nóng để giảm bớt vị đắng, xào với trứng hoặc nấu canh thịt đều tốt.
Để tăng cường sức khoẻ mọi người nên sử dụng đa dạng các thức phẩm và có thể cho thêm các loại rau, quả có vị đắng vào bữa ăn để nâng cao sức khoẻ.