Một loại trái cây hiện đang vào mùa, có vị rất ngon nhưng nhiều người lại không biết hạt của loại trái này rất bổ ích cho cơ thể.
- Một món ăn được người Việt yêu thích nhưng lại bị cấm tuyệt đối tại Singapore
- Những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng từ trứng gà giúp cho người bệnh tăng huyết áp
Theo 'Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam' của GS. Đỗ Tất Lợi, hạt vải (lệ chi hạch) là một vị thuốc được sử dụng từ lâu đời.
Lệ chi hạch có vị ngọt, chát, tính ôn, không có độc, có tác dụng tán hàn, thấp kết khí, là thuốc chữa âm nang sưng đau (thoát vị), chữa tiêu chảy cho trẻ em.
Ngoài ra, hạt vải còn có nhiều tác dụng với sức khỏe, bao gồm:
Chống oxy hóa mạnh
Chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul tại Ấn Độ cho biết, chiết xuất từ hạt vải rất giàu polyphenol, flavonoid và proanthocyanidin, hoạt động như những chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể.
Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc vô hiệu hóa các gốc tự do có hại, do đó làm giảm căng thẳng oxy hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nghiên cứu cũng cho thấy chiết xuất hạt vải có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch. Kaul cho biết, những chất chiết xuất này có tác dụng điều chỉnh mức cholesterol, giảm viêm và tăng cường lưu lượng máu.
Bạn có thể kết hợp chiết xuất hạt vải vào chế độ ăn uống để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim và duy trì hệ thống tim mạch khỏe mạnh.
Tiềm năng chống bệnh đái tháo đường
Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chiết xuất hạt vải có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng cường độ nhạy insulin và giảm các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Đối với những người đang điều trị hoặc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, việc kết hợp chiết xuất hạt vải với chế độ ăn uống lành mạnh giúp quản lý tốt lượng đường trong máu.
Cách sử dụng hạt vải ?
Bác sĩ Hoàng Sầm, Viện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam, cho biết hạt vải sau ăn bạn có thể rửa sạch, thái mỏng, tẩm nước muối sao hoặc đốt tồn tính, đồ chín rồi phơi hoặc sấy khô dùng dần. Hạt vải có chứa saponin, tanine, a-glycin. Theo kinh nghiệm của bác sĩ Sầm, hạt vải được dùng trong các bài thuốc sau:
- Trị đau do khí huyết: Dùng hạt vải đốt tồn tính khoảng 20g, hương phụ 40g tán bột mỗi lần uống 8g với nước muối và rượu.
- Trị cảm phong răng đau nhức: Một quả vải to bổ ra và cho muối vào đầy vỏ, sấy khô, tán bột, bôi vào vùng răng đau.
-Trị sưng đau tinh hoàn: Hạt vải, hạt quýt, tiểu hồi, thanh bì lượng bằng nhau sao vàng và tán bột uống. Mỗi ngày bạn có thể uống 3 lần với nước hoặc pha rượu.
- Trị đau ngực bụng, đau dạ dày lâu ngày: Hạt vải khoảng 4g, mộc hương 3,2g, tán bột và mỗi lần dùng 4g pha với nước uống.
Tuy nhiên, khi dùng hạt vải người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự chế bài thuốc từ hạt vải. Các vị thuốc cần phải có liều lượng đúng và cách sử dụng theo từng người.