Gạo nếp tốt cho sức khỏe, nấu được nhiều món nhưng không phải ai cũng có thể thưởng thức thường xuyên được, cần hạn chế để tránh gây thêm bệnh.
- Món ăn Việt Nam vang danh thế giới, tuy nhiên ăn quá nhiều sẽ gây thiếu chất xơ
- Mùa thi THPT Quốc gia sắp diễn ra, các sĩ tử cần ăn uống như thế nào để hỗ trợ giải tỏa lo âu
TS Nguyễn Đức Quang đã chỉ ra gạo nếp còn gọi nhu mễ, giang mễ, tên khoa học Oryza sativa L. var. glutinosa Tanaka, họ lúa (Poaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là hạt lúa và hạt gạo.
Gạo nếp rất giàu dinh dưỡng: Có protein, đường các loại, tinh bột, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ... Gạo nếp là lương thực chính hàng ngày cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, tác dụng băng niêm mạc chống loét. Người bệnh phát ban mụn nhọn kỳ đầu ăn gạo nếp có tác dụng thúc đẩy mọc ban, mưng mủ sớm để mau lành bệnh.
Theo nguồn tin ghi nhận từ VTC News, BSCK II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, do gạo nếp chứa nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp nhưng lại rất khó tiêu.
Vì vậy, những nhóm người sau cần lưu ý khi ăn: trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tì vị quá hư nhược không nên ăn nhiều nếp. Người có vết thương hở, đặc biệt khi bị viêm sẽ rất lâu lành nếu ăn thức ăn dẻo, khó tiêu, nóng như xôi.
Gạo nếp cũng có tính chất tương tự như các loại gạo khác nên người bị đái tháo đường, béo phì, bệnh dạ dày cần hạn chế, không nên ăn quá nhiều.
Với những người muốn giảm béo, không nên lựa chọn xôi vào thực đơn ăn sáng bởi xôi nấu từ gạo nếp, cộng thêm các loại đậu, dừa nạo, vừng… cung cấp cho bạn tới 600 calo/đĩa xôi (trong khi một bát phở chỉ chứa 400 calo). Đó là còn chưa kể bạn ăn các loại xôi gà, xôi thịt, xôi trứng.
Những món ăn được làm từ gạo nếp bổ dưỡng:
1. Bánh bao gạo nếp
Khác với bánh bao làm từ bột mì, bánh bao gạo nếp mang đến cảm giác dẻo bùi khi ăn.
Nhân bánh bao gạo nếp cũng giống nhân bánh bao thường, có thể là nhân thịt, nhân đỗ tùy thích hoặc bánh chay cũng rất ngon. Hương vị của gạo nếp luôn ngọt ngào nên dù là bánh chay bạn cũng sẽ cảm nhận được.
2. Xôi bọc chuối nướng
Xôi bọc chuối nướng là món ăn vặt và quà sáng rất được yêu thích. Đơn giản chỉ là cơm nếp khi đã nấu chín được dàn đều ra lá chuối đã được rửa sạch và phơi khô, sau đó lấy từng lát chuối tây mỏng đặt vào và cuộn tròn lại như làm nem rồi bỏ vào lò nướng.
Xôi bọc chuối nướng có lớp vỏ dai, thơm, chuối bên trong nóng hổi ngọt lịm, thêm nước cốt dừa với vài hạt lạc lên trên thật không thể nào chê.
3. Cơm nếp chiên giòn
Ai đã từng thử ăn cơm nếp chiên giòn sẽ không thể quên được hương vị giòn bên ngoài, dẻo bên trong lại còn thơm đậm đà của nhân thịt.
Phần vỏ được làm từ cơm nếp, nặn thành hình dẹt sau đó cho nhân tẩm ướp thịt xào với mộc nhĩ và hành nặn lại rồi cho lên chảo ngập dầu chiên.
Rắc chút chà bông và rưới thêm hành mỡ, ăn kèm với dưa góp và tương ớt thì càng tuyệt vời hơn.
4. Bánh ít nếp dứa
Thơm ngon từ hương vị, đẹp mắt từ màu sắc, bánh ít nếp dứa luôn khiến người ta cảm thấy thích thú khi ngắm nhìn và thưởng thức chỉ có xuýt xoa khen ngon.
Hương vị đặc trưng thơm mùi lá dứa, lớp vỏ dẻo dai, hương dừa đỗ ngọt bùi luôn hấp dẫn và là món ăn dân dã thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
5. Bánh khúc
Bánh khúc hay xôi khúc là món ăn đi cùng những tiếng rao hàng ngày quen thuộc của những ngõ phố Hà Nội.
Gọi là bánh khúc bởi người ta lấy nguyên liệu là lá khúc trộn với gạo nếp để làm vỏ bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh bỏ vỏ, trộn cùng thịt ba chỉ thái hạt lựu rắc thêm chút tiêu cho đậm đà. Bánh khúc nóng ăn với muối vừng là ngon nhất, vỏ bánh là nếp thơm dẻo, bên trong là nhân đỗ mềm mịn và mùi béo ngậy của thịt rất hợp khi thưởng thức vào mùa đông.
6. Xôi nếp cẩm
Màu tím của xôi nếp cẩm luôn có một sức hút kì lạ. Cũng là món xôi sáng dân dã hàng ngày, gạo nếp cẩm được trộn với lá nếp rồi cho vào chõ đồ lên nhưng chính màu sắc và hương thơm của lá nếp lẫn vào gạo ấy có lẽ khiến nhiều người ưa thích hơn cả.
Xôi nếp cẩm ăn cùng đỗ vò kèm nước cốt và cả dừa nạo sẽ rất ngon. Đây là món ăn không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng rất yêu thích.