Độc tố botulinum hình thành trong môi trường 'yếm khí': 7 nguyên tắc nên nhớ để 'né' độc tố chết người

Dinh dưỡng 29/05/2023 11:53

Để đề phòng rủi ro do độc tố botulinum gây nên, chuyên gia chia sẻ một số nguyên tắc cần thiết.

Như chúng ta cũng đã biết, thời gian gần đây, các bệnh viện ghi nhận nhiều ca ngộ độc, được chỉ ra do độc tố botulinum gây nên.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BV Chợ Rẫy) chia sẻ trên PLO, đánh giá nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc botulinum ông cho hay, loại vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì loại vi khuẩn này mới hoạt động được.

Ngoài ra, ông cho biết thêm, ở môi trường bên ngoài, do chúng không thể phát triển, do đó, chúng ta có hít phải cũng không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đặt chúng trong môi trường không có không khí thì nó sẽ tái hoạt trở lại. Việc tái hoạt trở lại sẽ phá vỏ bao bào tử của nó để sản sinh ra chất độc gọi là chất độc botulinum.

Độc tố botulinum hình thành trong môi trường 'yếm khí': 7 nguyên tắc nên nhớ để 'né' độc tố chết người - Ảnh 1
Ngộ độc botulinum gây thương tổn nặng. Ảnh: Internet

TS Nguyễn Văn Chung, giảng viên khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cùng thông tin trên PLO cho biết thêm: những loại đồ hộp thanh trùng chưa tốt và chưa đảm bảo, vỏ hộp bị hư hỏng hoặc đồ hộp đã mở không sử dụng và bảo quản đúng cách cũng có khả năng chứa loại vi khuẩn botulinum.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, nếu thực phẩm chế biến không đảm bảo an toàn có nhiễm bào tử vi khuẩn và được đóng gói kín trong chai, hộp, túi… sẽ tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum trong sản phẩm.

Cà muối, dưa muối hay bất kỳ loại thực phẩm muối chua nào nếu không được chế biến cẩn thận, trong môi trường kín khí đều có thể gây ra độc tố.

Độc tố botulinum hình thành trong môi trường 'yếm khí': 7 nguyên tắc nên nhớ để 'né' độc tố chết người - Ảnh 2
 

 

Độc tố botulinum hình thành trong môi trường 'yếm khí': 7 nguyên tắc nên nhớ để 'né' độc tố chết người - Ảnh 3
Cẩn trọng với các sản phẩm kỵ khí. Ảnh: Internet

Ngoài ra, các loại thực phẩm đóng bao bì hút chân không nhưng không được tiệt trùng đúng quy cách cũng có thể nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, sử dụng thực phẩm đóng gói thủ công, để lâu ngày trước khi sử dụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc. 

Triệu chứng của ngộ độc botulinum là gì?

Theo thông tin từ Báo Thanh Niên, tất cả các triệu chứng của ngộ độc botulinum đều do tê liệt cơ gây ra bởi độc tố. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu dẫn đến tê liệt hoàn toàn một số cơ như cơ hô hấp, các cơ ở cánh tay, chân và thân. Trong bệnh ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng thường bắt đầu từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc botulinum có thể bao gồm khó nuốt, yếu cơ, nhìn đôi, sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó thở, khó cử động mắt. Bên cạnh đó, các dấu hiệu và triệu chứng trong ngộ độc thực phẩm cũng có thể có bao gồm nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm táo bón, bú kém, sụp mí mắt, chậm phản ứng với ánh sáng, khuôn mặt ít biểu cảm hơn bình thường, tiếng khóc yếu nghe khác với bình thường, khó thở.

Tuy nhiên, người bị ngộ độc botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Nếu có các triệu chứng ngộ độc botulinum, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

7 nguyên tắc 'né' độc tố nên biết

Theo ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông tin trên Báo Phụ Nữ Việt Nam thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước.

Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15-20 loại và thuốc điều trị ngộ độc Botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục này.

Cục Quản lý Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực và các kho của WHO.

Ông Dũng cũng khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc Botulinum cầu lưu ý:

- Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

- Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

- Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.

- Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải độ chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

- Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Tác dụng chữa bệnh ít người biết của quả trứng gà lê ki ma

Là loại trái được nhiều người yêu thích, trứng gà lê ki ma còn có nhiều tác dụng mà chưa nhiều người biết đến.

TIN MỚI NHẤT