Khoai lang dù rất ngon bổ nhưng chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên ăn vào buổi chiều, buổi tối và khi bụng rỗng.
- 4 siêu thực phẩm rất tốt nhưng ăn quá nhiều có thể gây hại sức khỏe
- Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn đậu phụ?
Thời điểm trong ngày không nên ăn khoai lang
Bên cạnh trứng, rau xanh và trái cây thì khoai lang cũng được coi là một trong những thực phẩm lành mạnh bậc nhất. Chúng thường xuyên xuất hiện trong danh sách các thực phẩm giảm cân, tăng cường tuổi thọ được chuyên gia khuyên dùng. Khoai lang dù bổ dưỡng xong không phải ăn lúc nào cũng tốt.
Theo bác sĩ dinh dưỡng Chen Jianzhen (Học viện giáo dục tự nhiên ở Đài Loan): Buổi chiều, buổi tối và khi bụng rỗng là những thời điểm không nên ăn khoai lang.
- Sau 12 giờ trưa khả năng trao đổi chất của cơ thể kém đi, do vậy hàm lượng đường trong khoai lang sẽ dễ tích tụ lại, làm tăng gánh nặng cho cơ thể.
- Ăn khoai lang vào buổi tối dễ gây trào ngược axit dạ dày. Đặc biệt là những người dạ dày yếu hoặc người cao tuổi sẽ đối mặt với tình trạng đầy bụng, khó tiêu, mất ngủ.
- Do củ khoai lang có chứa chất đường, nếu ăn nhiều khi bụng rỗng sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín kỹ.
Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên mọi người không nên ăn vỏ khoai lang vì không tốt cho tiêu hóa.
Vậy nên ăn khoai lang vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?
Ăn khoai lang đã nhiều nhưng rất ít người biết được nên chọn thời điểm nào để ăn mới đúng. Theo chuyên gia dinh dưỡng, "thời điểm vàng" để ăn khoai lang là khi khoai mới được đào lên, đây là lúc mà khoai giàu dưỡng chất nhất.
Ngược lại, khoai lang càng để lâu thì lượng nước càng giảm, lượng đường càng tăng, tinh bột trong khoai lang bị biến đổi, các khoáng chất cũng dần mất đi… Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn khoai lang vào buổi sáng để bổ sung năng lượng cho ngày mới, giúp làm đẹp da và ngăn ngừa ung thư, tim mạch, đột quỵ và giảm cân hiệu quả.
Những lợi ích khi chúng ta ăn 1 củ khoai lang mỗi ngày
- Ngừa bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu vào năm 2008 cho thấy chiết xuất từ khoai lang có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Hơn nữa, chất xơ trong khoai lang cũng rất quan trọng, giúp làm ổn định lượng đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
- Ổn định huyết áp
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến khích mọi người tránh ăn thực phẩm chứa nhiều muối, nên ăn các món giàu kali để duy trì một hệ thống tim mạch khỏe mạnh. Trong khi đó, khoai lang là thực phẩm rất giàu kali, một khẩu phần 124g khoai lang nghiền đã cung cấp 259 miligam (mg) kali, hoặc khoảng 5% nhu cầu hàng ngày cho một người lớn.
- Giảm nguy cơ ung thư
Khoai lang là một nguồn cung cấp beta-carotene tuyệt vời. Đây là một sắc tố thực vật hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh trong cơ thể. Chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc các loại ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Chất chống oxy hóa như beta-carotene có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào gây ra bởi các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do. Nếu mức độ gốc tự do trong cơ thể quá cao, tổn thương tế bào có thể xảy ra, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.
- Cải thiện tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ trong khoai lang có thể giúp ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy đường tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài ra, đã có nghiên cứu chứng minh mối liên quan của việc ăn nhiều chất xơ với việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Bảo vệ sức khỏe của mắt
Khoai lang là một nguồn cung cấp vitamin A dồi dào dưới dạng beta-carotene. Sau 18 tuổi, nên tiêu thụ 700mg vitamin A mỗi ngày cho phụ nữ và 900mg mỗi ngày cho nam giới. Theo nghiên cứu, một củ khoai lang nướng trong vỏ sẽ cung cấp khoảng 1.403mcg vitamin A, tương đương 561% nhu cầu hàng ngày của một người.
Vitamin A cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa. Cùng với các chất chống oxy hóa khác, nó có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiều tình trạng sức khỏe.
- Tăng cường khả năng miễn dịch
Cứ 124g khoai lang lại cung cấp 12,8mg vitamin C. Vitamin C cũng hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tăng cường hấp thụ sắt. Lượng vitamin C thấp có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở một người.