Việt Nam có rất nhiều loại rau củ quả thơm ngon, bổ dưỡng mà dễ kiếm, dễ trồng. Những loại rau được ví là “bổ hơn thịt, rẻ hơn thuốc, quý như nhân sâm” nhưng lại được bán đầy ngoài chợ với giá thành cực rẻ.
- Làm món này uống vào mỗi buổi sáng thì vòng eo sẽ thon gọn, làn da căng bóng và đàn hồi
- Sữa chua thơm ngon, mát lạnh, chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ mẹo chọn sữa chua tốt cho sức khỏe nhất
Rau lang
Rau lang (hay còn gọi là rau khoai lang) là một loại rau quen thuộc và phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình. Ngoài việc là một nguồn thực phẩm, rau lang còn chứa nhiều dưỡng chất và là nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin.
Theo các nghiên cứu, trong 100g rau lang chứa các thành phần dinh dưỡng sau: năng lượng: 22kcal, nước: 91,8g, protein: 2,6g, tinh bột: 2,8g. Ngoài ra, rau khoai lang còn cung cấp các loại vitamin B, C, E, beta caroten, biotin và cả các khoáng chất như magiê, phospho, canxi, kali, mangan, kẽm, đồng...
Rau dền
Rau dền là loại rau khá phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Đây là loại rau có hàm lượng chất sắt cao nhất trong các loại rau tươi. Rau có vị ngọt, mát đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thành phần sắt trong rau dền chiếm hàm lượng khá cao. Hàm lượng sắt lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Chính vì thế đây là thực phẩm rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Rau dền còn có công dụng giúp giảm viêm, tốt cho xương, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường…Rau dền phù hợp sử dụng mùa hè giúp giải nhiệt, giải độc cực tốt.
Ngoài ra, rau dền có chứa các chất có lợi như chất chống oxy hóa. Người ta quan tâm đến việc sử dụng rau dền chữa bệnh mỡ máu cao vì một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng khi chúng ăn rau dền thì có thể làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL , đồng thời tăng cholesterol HDL. Nhưng ăn rau dền dường như không có những lợi ích này ở người.
Ngải cứu
Ngải cứu là cây trồng khá quen thuộc với người dân Việt Nam, nó xuất hiện trong nhiều bài thuốc cũng như món ăn hằng ngày. Ngải cứu có tên gọi khác ngải diệp, thuốc cứu tuy nhiên tên gọi này phổ biến ở miền Nam hơn.
Cây ngải cứu có nhiều tác dụng như an thần, lợi mật, có thể kháng khuẩn, cầm máu... Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rau ngải cứu có tác dụng trong điều trị kinh nguyệt không đều, đại tiểu tiện ra máu, chống đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón...
Ngoài công dụng làm thuốc, ngải cứu còn để chế biến các món ăn như trứng ngải cứu, gà tần, hấp chung với cá. Cây có thể trồng bằng cành hoặc hạt. Cây mọc rất nhanh, có thể um tùm cả thùng xốp sau 1-2 tháng.
Lá hẹ
Lá hẹ không chỉ được sử dụng rộng rãi trong các món ăn mà còn là một cây thuốc có khả năng chữa trị nhiều bệnh. Cây này có tính dược mạnh và mang một mùi hương đặc trưng.
Lá hẹ được gọi là "rau của thận" vì nó giúp nuôi dưỡng và kích thích tiêu hóa. Loại rau này cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ thô, có tác dụng chống táo bón và ngăn ngừa ung thư đại tràng. Ngoài ra, lá hẹ còn có khả năng tan huyết ứ, kích thích tuần hoàn máu và giải độc. Mọi người thường chế biến lá hẹ bằng cách nấu canh với tôm, thịt hoặc xào trứng.
Lá lốt
Ở Việt Nam, lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Các bà nội trợ thường dùng lá lốt chế biến thành các món ăn hàng ngày bởi lá lốt có vị thơm nên rất dễ ăn.
Loại lá này xuất hiện trong nhiều món ăn như chả cuốn, ếch, ốc om chuối đậu, cuốn tôm. Lá còn có thể dùng nấu nước ngâm chân cho người lớn tuổi. Lá lốt là loại cây ưa bóng mát, độ ẩm nên vào dịp mưa nhiều, cây lên xanh mơn mởn. Trong khi đó, vào mùa nắng gắt, cây dễ bị cháy lá nếu tiếp xúc với nắng gắt kéo dài.