Nếu muốn giữ cho lá gan khỏe mạnh, bạn cần tránh những thói quen ăn uống có hại này.
- Trà hoa cúc vừa thơm ngon lại có tới 10 tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe
- 5 sai lầm trong ăn uống khiến bạn ăn kiêng vẫn béo, không giảm được cân
Gan đại diện cho hệ thống lọc chủ chốt của cơ thể con người, chuyển đổi chất độc thành chất thải, làm sạch máu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng và thuốc men để cung cấp cho cơ thể một số protein quan trọng.
Đó mới chỉ là một số chức năng chính của gan, và nếu gan không khỏe mạnh thì mọi chức năng trên cơ thể đều sẽ bị ảnh hưởng.
So với các cơ quan khác, gan có khả năng tự tái tạo sau tổn thương rất lớn. Tuy nhiên, thay vì trông chờ vào khả năng đặc biệt này của gan, bạn vẫn nên chăm sóc và bảo vệ nó ngay từ ban đầu.
Thói quen ăn uống của bạn có thể tác động mạnh mẽ đến chức năng gan - cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Do đó việc lựa chọn thực phẩm tốt cho gan và cơ thể là điều rất quan trọng.
Dưới đây là 4 thói quen ăn uống có hại nhất cho gan mà bạn nên tránh.
1. Ăn quá nhiều đường
Chắc hẳn bạn đã biết đường tinh luyện được thêm vào đồ ăn, thức uống có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Theo Harvard Health, đường bổ sung có thể làm tăng huyết áp, tăng viêm mãn tính và dẫn đến tăng cân, tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ, dẫn tới tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Lượng đường bổ sung mà bạn tiêu thụ cũng có thể làm tăng sản xuất chất béo trong gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Không phải tất cả các loại đường đều được tạo ra như nhau. Bạn phải phân biệt đường tự nhiên có trong trái cây, rau quả - không làm suy giảm sức khỏe gan - với đường bổ sung được sử dụng trong nhiều thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn.
Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy những người tham gia uống đồ uống có đường fructose sản sinh chất béo cao gấp đôi so với những người uống đồ uống có đường glucose.
Một phát hiện khác trong nghiên cứu kết luận rằng sucrose, dạng đường mà con người tiêu thụ phổ biến nhất, làm tăng tổng hợp chất béo nhiều hơn một chút so với cùng một lượng fructose.
Lời khuyên: Để giảm bớt gánh nặng cho gan cũng như các cơ quan và mô khác trong cơ thể, hãy cố gắng hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể ở mức 25 gam mỗi ngày đối với phụ nữ và 36 gam mỗi ngày đối với nam giới, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
2. Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn là một danh mục rất rộng, bao gồm các mặt hàng đóng gói, có hạn sử dụng, thực phẩm bảo quản trong tủ đông và tủ lạnh.
Nhiều đồ uống và thực phẩm có chứa đường bổ sung, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe gan của bạn.
Các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, pepperoni, thịt nguội và các loại thực phẩm thông thường khác như bánh mì, bánh ngọt, ngũ cốc và món tráng miệng cũng chứa các thành phần có thể gây hại.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Một nghiên cứu khác cũng cho thấy lượng natri cao - một chất thường thấy trong thực phẩm chế biến - cũng có liên quan đến tăng nguy cơ NAFLD và xơ hóa gan tiến triển.
Lời khuyên: Mặc dù chế độ ăn lành mạnh vẫn có thể bao gồm một lượng nhỏ thực phẩm chế biến sẵn, nhưng tốt nhất hãy chọn những thực phẩm không thêm đường, nitrat và nitrit, đồng thời chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp và ít chế biến.
Ví dụ, bánh mì nguyên cám có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu hơn bánh mì trắng.
Hãy ăn chủ yếu thực phẩm toàn phần và sử dụng các loại thảo mộc, giấm, nước rốt, gia vị ít natri và ít đường để tăng thêm hương vị cho món ăn.
3. Ăn đồ chiên rán quá thường xuyên
Thực phẩm chiên rán thường có hàm lượng chất béo cao, khiến gan phải làm việc thêm giờ. Thực phẩm chiên rán thường được chế biến với các nguồn chất béo chất lượng thấp như dầu ngô, chứa nhiều chất béo omega-6, được cho là làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể khi tiêu thụ quá nhiều và mất cân bằng với lượng omega-3 nạp vào.
Thực phẩm chiên cũng thường chứa nhiều natri, một yếu tố nguy cơ khác gây rối loạn chức năng gan, và thường được ăn kèm với nước sốt, nước chấm có chứa thêm đường.
Lời khuyên: Tốt nhất bạn nên hạn chế ăn đồ chiên rán, và dùng dầu ăn chất lượng tốt nếu tự chế biến tại nhà. Dầu đậu phộng và dầu bơ là tốt nhất để chiên rán vì có điểm khói cao hơn các loại dầu thông thường khác như dầu ô liu, và chứa chất béo chất lượng tốt hơn so với các loại dầu ăn khác.
* Theo Wikipedia, điểm khói hay điểm bốc khói của dầu ăn là thuật ngữ trong ẩm thực để chỉ nhiệt độ (dưới điều kiện quy định) đủ làm bay hơi các hợp chất như nước, các axit béo tự do, và các sản phẩm phân hủy ngắn chuỗi của quá trình oxy hóa bốc lên từ dầu ở dạng làn khói xanh nhạt có thể thấy rõ.
Khi chế biến ở nhiệt độ thấp hơn, dầu ô liu là một lựa chọn tuyệt vời vì chứa nhiều chất béo lành mạnh.
4. Không ăn rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá như chất chống oxy hóa và chất xơ - thường không thể tìm thấy nhiều trong các nguồn thực phẩm khác.
Bên cạnh đó, một số loại trái cây, rau củ còn chứa các hợp chất bảo vệ gan và thậm chí có thể tăng cường chức năng giải độc của gan.
Ví dụ, các loại rau thuộc họ cải như bắp cải mini (cải brussels) được phát hiện có tác dụng làm tăng hoạt động của các enzyme giải độc trong gan.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa được tìm thấy trong quả mọng, nho, bưởi và quả xương rồng lê gai được chứng minh có khả năng bảo vệ gan.
Lời khuyên: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người lớn nên ăn ít nhất 1,5 - 2 khẩu phần trái cây và 2 - 3 khẩu phần rau mỗi ngày.
Lượng khuyến nghị cụ thể có thể thay đổi một chút tùy thuộc độ tuổi và giới tính, nhưng đây là mục tiêu tốt nhất cho phần lớn người trưởng thành.