Những món ăn có nguy cơ khiến dạ dày gặp nguy hiểm, đồng thời, tăng khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Xét nghiệm máu có thể phát hiện sớm được bệnh ung thư không? Bác sĩ giải đáp sự thật phía sau
- Dấu hiệu cảnh báo bạn nên ngừng tập thể dục ngay lập tức
Bệnh lý về dạ dày thường được cảnh báo thông qua việc điều chỉnh các món ăn, gia vị. Hiện nay, có rất nhiều người ở độ tuổi trẻ gặp phải những bệnh lý khó chữa này. Đồng thời, họ phải ăn uống kiêng khem, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Biểu hiện của bệnh đau dạ dày
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, mỗi khi đau bụng nhiều người thường cho rằng chắc đau dạ dày và lầm tưởng rằng chỉ đau ở một vị trí là đau vùng thượng vị. Nhưng trên thực tế, ổ bụng có nhiều cơ quan, đau vùng bụng có thể xuất phát từ một trong những cơ quan ấy bao gồm: Cơ quan của hệ tiêu hóa - dạ dày, phần cuối thực quản (tâm vị), ruột non và ruột già (đại tràng), gan, túi mật, tuỵến tuỵ.
Ngoài đau bụng vùng thượng vị, nhiều người thi thoảng thấy đau bụng ở trên bên trái, đau khi bụng đói. Cơn đau thường là âm ỉ, kéo dài từng cơn và rất khó chịu. Nhưng cũng sẽ tùy vào từng tình trạng bệnh lý của mỗi người có khi còn đau bụng âm ỉ hoặc đau một cách dữ dội liên tục trong một khoảng thời gian. Đau bụng vị trị trên rốn ngày càng dày và nặng hơn hoặc đau khi quá no, đau bụng khi quá đói… là một trong những triệu chứng nhận biết của bệnh viêm loét dạ dày giai đoạn đầu.
Nguyên nhân đau dạ dày
Theo VietNamNet, có rất nhiều nguyên nhân đau dạ dày, và thậm chí phổ biến ở giới trẻ hiện nay:
- Lượng thức ăn nạp vào cơ thể không theo nhịp sinh học bình thường (sáng, trưa ăn nhiều, tối ăn ít). Vì vậy, dịch vị dạ dày (axit HCl) tiết ra quá mức sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Ăn trưa muộn, ăn thật nhanh, nhai không kỹ thức ăn xuống dạ dày vẫn ở dạng thô, chưa được trộn đều với men tiêu hóa trong nước bọt, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Dịch dạ dày phải tiết nhiều hơn để tiêu hóa. Đây là nguyên nhân của những cơn đau dạ dày cấp tính.
- Công việc bận rộn, giờ nghỉ ít, nhiều người vừa ăn tại bàn làm việc rồi ngủ luôn khiến lưu thông máu tới ruột kém. Thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ gây đầy hơi, chướng bụng, gây ra những bệnh dạ dày, bệnh đường ruột.
- Cà phê, trà… là thức uống được nhiều người ưa chuộng giúp làm giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung. Tuy nhiên trà có nhiều tanin, khiến cho niêm mạc dạ dày co lại, chất protein bị kết tủa, đồng thời làm loãng dịch vị, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ chất sắt cho cơ thể.
-Những cuộc nhậu kéo dài hàng giờ, sẽ khó tránh việc phải uống rượu bia, hút thuốc lá… Rượu sau khi vào dạ dày, tiếp xúc với các enzym sẽ chuyến hóa thành chất gây hại cho gan, dạ dày. Thậm chí, rượu còn là dung môi để đưa các chất độc hại từ thuốc lá thấm sâu vào cơ thể thông qua các cơ quan hô hấp, tiêu hoá, gan mật, tiết niệu…
3 kiểu ăn cần phòng tránh
Cũng theo Xe và Thể Thao, bạn nên chú ý những món ăn nạp vào người, đặc biệt những món ăn sau đây tránh nguy cơ bị hại dạ dày, đồng thời cả việc mắc bệnh ung thư.
Các món ăn quá cay
Gia vị cay khiến món ăn trở nên đặc sắc hơn. Có nhiều người thích ăn cay vì nó kích thích vị giác, giúp cho món ăn ngon và hấp dẫn hơn. Thế nhưng có không ít người lo ngại việc ăn cay sẽ bào mòn lớp niêm mạc, gây tổn thương cho dạ dày.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, nguyên Trưởng khoa Vi chất - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nhắc tới gia vị cay mọi thường thường nghĩ tới ớt, gừng, tiêu,…
Ở người khỏe mạnh, dạ dày không có bệnh lý thì ăn cay không ảnh hưởng. Theo bác sĩ Ninh: “Ăn cay gây hại cho dạ dày thì cần phải có điều kiện, ăn khi đang có bệnh lý về dạ dày, ăn quá nhiều. Hoặc khi ăn cay ăn kèm thêm mua, mặn, ăn không cân đối dẫn tới rối loạn tiêu hóa, thức ăn cay nhân dịp đó sẽ gây hại cho dạ dày”.
Ăn chua bào mòn dạ dày
Bác sĩ Ninh cũng cho biết ăn quá chua cũng gây hại cho dạ dày, đặc biệt ăn vào khi bụng đói. Nếu như ăn quá nhiều đồ chua sẽ kích thích niêm mạc dạ dày. Với những người bị viêm loét dạ dày thì sẽ bị tổn thương nặng hơn, gây ra các cơn đau dạ dày.
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các thực phẩm muối chua như củ, quả khi để lâu dễ bị chuyển hóa thành nitrit. Nitrit có tác dụng với một số axit amin trong dạ dày tạo thành nitrosamine (một chất gây ung thư).
Ăn mặn gây rối loạn tiết dịch trong dạ dày
Nhiều người sẽ thấy dễ ăn hơn khi món ăn được nêm đậm vị. Thế nhưng ăn mặn không hề tốt cho dạ dày. Bác sĩ Ninh khuyến cáo, ăn quá mặn khiến cho rối loạn tiết dịch, các chất độc dễ ngấm vào niêm mạc dạ dày gây hại cho cơ quan này.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/ngày. Năm 2015, một điều tra cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt là khoảng 9,4g mỗi ngày. Điều này có nghĩa là người Việt đang ăn lượng muối cao gấp gần 2 lần so với khuyến cáo của WHO.