Sự khác biệt duy nhất giữa gạo nếp và gạo tẻ là do cảm quan của chúng ta về độ dính và độ dẻo của chúng.
- 6 loại rau không nên luộc, vì bao nhiêu dinh dưỡng trôi hết một nửa
- Bộ Y tế khuyến cáo: Chế độ ăn hàng ngày cần áp dụng nguyên tắc "4-5-1" sau đây để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả
Nhiều người cho rằng ăn gạo nếp gây béo hơn ăn gạo tẻ, ăn đồ nếp nóng, dễ mọc mụn… Theo PGS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sự khác biệt duy nhất giữa gạo nếp và gạo tẻ là do cảm quan của chúng ta về độ dính và độ dẻo của chúng. Trong thực tế, hai loại gạo này gần như tương đồng về mặt giá trị dinh dưỡng.
Gạo nếp, gạo tẻ tương đồng về dinh dưỡng
Trong 100g gạo nếp có 344 kcal, trong khi cùng 100g gạo tẻ có 350 kcal. Nhưng khi ăn cùng một bát, với cơm nếp sẽ có lượng nhiều hơn do bản chất hạt dẻo, dính nên vô tình bị nén xuống còn bát cơm tẻ lại có độ rời rạc. Đó chính là lý do người ta ăn cơm nếp có cảm giác no hơn và béo hơn khi ăn cơm tẻ song nếu hiểu bản chất và ý thức được lượng cơm nạp vào chúng ta sẽ không thấy sự khác nhau này.
Sự khác biệt duy nhất giữa gạo nếp và gạo tẻ là do cảm quan của chúng ta về độ dính và độ dẻo của chúng. Trong thực tế, hai loại gạo này gần như tương đồng về mặt giá trị dinh dưỡng.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết, việc ăn nhiều hay ăn ít cơm nếp phụ thuộc vào thói quen, sở thích chứ ăn cơm nếp nhiều không ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí ngược lại, cơm nếp có lợi cho sức khoẻ. Nhiều người thậm chí ăn nếp thay cơm.
Sở dĩ có sự khác nhau về độ dẻo của hai loại gạo này là bởi hai thành phần amilozơ và amylopectin trong mỗi hạt tinh bột. Trong đó, amilopectin có vai trò quyết định đến tính dẻo của hạt. Trong gạo, ngô tẻ, lượng amilopectin chiếm 80%, còn trong gạo, ngô nếp, lượng amilopectin có tới 90% nên xôi thường rất dẻo, dính vào nhau.
Ăn nhiều cơm nếp có thể bị nóng
Về điều này, BS.CK I Đông Y Bùi Văn Phao cho hay, gạo nếp có tính ôn ấm nên khi ăn nhiều có thể bị nóng. Trong đông y khuyến cáo những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng… nên tránh dùng đồ nếp.
Còn về việc nhiều người quan niệm ăn đồ nếp sẽ khiến chỗ bị sưng viêm, vết thương mưng mủ, BS.CK I Đông Y Bùi Văn Phao giải thích: Người bệnh bị mưng mủ thường là người thể hàn, tích độc nhiều (béo, đờm dãi nhiều) do vậy thức ăn chứa nhiều đạm, có chất dẻo nhiều, khó tiêu như thịt trâu, gạo nếp, thịt chó càng làm tình trạng nặng thêm.
Bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp
Theo BS.CK I Đông Y Bùi Văn Phao, gạo nếp vị ngọt, tính ấm vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế, có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn, có thể dùng gạo nếp chữa bệnh theo các bài thuốc:
Bồi bổ cho người suy nhược: Gạo nếp 250g, rượu vang 500ml, trứng gà hai quả. Tất cả cho vào bát to, đem hấp cách thuỷ cho chín, chia ăn vài lần.
Người ăn kém, hay buồn nôn: Gạo nếp 30g tán ra bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, cho thêm 30 g mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
Người bị bệnh đường ruột, đại tiện lỏng nát kéo dài: Gạo nếp 500g ngâm nước một đêm, để ráo rồi sao thơm. Hoài sơn 50 g, sao vàng. Hai thứ tán thành bột mịn, mỗi sáng dùng 20 - 30g, khuấy đều với nước sôi, thêm chút đường đỏ và hạt tiêu để làm món điểm tâm.
Người viêm dạ dày mãn tính và loét dạ dày: Gạo nếp lượng vừa đủ, cho thêm táo tàu đun thành cháo loãng để ăn. Ngày ăn từ 1 – 2 lần.
Người nôn mửa không dứt: Gạo nếp sắc với gừng: gạo nếp 20g, sao vàng; gừng tươi ba lát giã nhỏ. Đem hai thứ sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày.
Trị thiếu máu: Gạo nếp 100g, đậu đen 30g, hồng táo 30g, đun thành cháo. Mỗi ngày ăn từ 1 – 2 lần.
Tăng tiết sữa: Gạo nếp, cho thêm nước vào nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò heo, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung sẽ giúp làm tăng tiết sữa.