Với hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kinh ngạc, vải là loại trái cây hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Loại quả được Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ giá đội lên gấp 10: Ở Việt Nam nửa triệu đồng/kg cũng có người mua
- Loại quả được ví như 'nhân sâm xanh', giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg nhưng nhiều người chê không ăn
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, trong Đông y, quả vải có vị ngọt, chua, tính bình hay ôn, có tác dụng nuôi huyết, làm hết phiền khát, tiêu thũng, chữa những bệnh mụn nhọt. Hạt vải nghiền thành bột có thể chữa được tiêu chảy ở trẻ em.
Còn theo y học hiện đại, thịt quả vải có nhiều nước, glucose, protein, chất béo, vitamin C, A, B, acid citric, đồng, sắt, kali… Vitamin A và B chỉ thấy trong thịt quả tươi. Quả vải giúp cho cơ thể đủ nước và no trong mùa hè nóng bức.
Cụ thể, bác sĩ Vũ cho rằng, quả vải có nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Giàu vitamin C (40mg vitamin C trong 100g dịch thịt quả), giúp ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa, cải thiện làn da, tốt cho tóc, tăng cường miễn dịch.
- Chứa nhiều hợp chất chống oxy bao gồm cả epicatechin và rutin, giúp chống lại stress, oxy hóa, đục thủy tinh thể, bệnh tim, ung thư...
- Giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, ổn định huyết áp, tốt cho xương, ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho tiêu hóa.
- Thành phần chính của quả vải là nước và carbohydrate, giàu chất xơ và ít calo nên phù hợp cho chế độ ăn kiêng, giảm cân.
Tuy nhiên, vị bác sĩ cũng lưu ý một số đều khi ăn vải:
- Không ăn quá nhiều cùng một lúc vì dễ dẫn đến sinh nhiệt, khô miệng, đau họng, buồn nôn.
- Không ăn khi đói.
- Người bình thường không ăn quá 5 - 10 quả/lần. Phụ nữ mang thai, trẻ em chỉ nên ăn 3 - 4 quả/lần. Phụ nữ trước và trong kỳ hành kinh nên hạn chế ăn vải.
- Vải có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Một số trường hợp có cảm giác nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội,… sau khi ăn loại quả này.
“Nguyên nhân không phải là bản thân quả vải mà do một loại nấm độc tên Candida tropicalis. Loại nấm này thường thấy ở núm những quả vải chín quá, dập nát, úng thối. Vì vậy, không nên ăn vải quá nhiều, nhất là khi thấy quả biến đổi khác thường”, vị bác sĩ giải thích.
- Những người bị thủy đậu, có đờm, bị cảm không nên ăn vải.
- Vải tươi có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 5 đến 10 ngày hoặc được đông lạnh. Vải thiều sấy khô lưu trữ được trong 1 năm ở nhiệt độ phòng, hoặc đóng hộp dùng lâu dài.