Theo đầu bếp Cara Chigazola-Tobin ở Mỹ, rửa rau trực tiếp dưới vòi nước chảy dù sạch rau nhưng không phải là cách đúng lắm.
Từ trước đến nay, để rửa sạch bụi bẩn trên rau cũng như dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng trên rau, chúng ta thường chọn cách rửa rau trực tiếp dưới vòi nước chảy. Đây là cách thức được các bà nội trợ kháo nhau nhiều nhất vì họ cho rằng, chỉ có cách này mới giúp rau sạch hoàn toàn mà thôi.
Tuy nhiên, theo đầu bếp Cara Chigazola-Tobin ở Mỹ, rửa rau trực tiếp dưới vòi nước chảy dù sạch rau nhưng không phải là cách đúng lắm. Cô nói:“Rửa rau dưới vòi nước chảy sẽ làm hỏng rau bởi sức nặng của nước”. Do đó theo cô, phụ nữ nên hạn chế cách rửa rau này, trừ khi bạn rửa những thực phẩm có hình dáng cứng hoặc nếu vẫn chọn cách này, bạn nên mở nhỏ vòi nước để hạn chế lực chảy của nước làm rau bị dập.
Thay vào đó, cô khuyên người nội trợ nên ngâm rau trong nước lạnh, vừa giúp rau sạch hơn, lại tươi lâu hơn nữa. Tuy nhiên, theo cách chuyên gia, bạn cũng không được ngâm quá lâu trong nước bởi vì càng ngâm lâu, theo nguyên lý thẩm thấu, nước bên ngoài sẽ xâm nhập lại vào rau để đạt trạng thái dung dịch cân bằng. Từ đó, những chất bẩn trong nước cũng sẽ vào rau. Ngoài ra, cách này còn làm thất thoát một lượng chất dinh dưỡng của rau.
Tốt nhất, bạn chỉ nên ngâm trong thời gian ngắn. Trước khi ngâm nên tách rau khỏi búp (xà lách) và ngâm trong nước lạnh vài phút mà thôi. Sau vài phút, bạn dùng tay đảo đều rau để các chất bẩn được sạch. Tiếp theo đổ nước này đi, cho lượng nước khác vào, nhẹ nhàng cho rau vào, dùng tay đảo đều vài lần nữa. Bạn có thể lặp lại khoảng 3 lần như vậy.
Sau khi rửa xong, bạn nên dùng dụng cụ quay rau cho khô hoặc dùng khăn giấy ăn thấm sạch lượng nước thừa. Đó là cách mà các đầu bếp trên thế giới thường làm để rau không bị dập, úng.