Cua, ghẹ là một trong những món hải sản được ưa chuộng nhất mỗi lần đi du lịch biển. Tuy nhiên mới đây, trước những thông tin cua ghẹ chết được bơm hóa chất làm tươi ngon, căng mẩy...
Cua gạch là một trong những món hải sản được ưa chuộng nhất, với đủ cách chế biến: Cua gạch hấp, cua gạch rang me, cua gạch xào miến, cua sốt ớt... So với cua thịt, cua gạch luôn đắt hơn từ 30 - 50 nghìn đồng/kg bởi vì hàm lượng đạm từ gạch cua cao và màu sắc trình bày cho món ăn cũng hấp dẫn hơn hẳn.
Tuy vậy, hiện nay trên thị trường có rất nhiều nguồn cua gạch không đảm bảo chất lượng. Hầu hết những con cua này đều được tiêm phoócmôn - một chất độc hại, có thể gây ra các bệnh ung thư vòm họng, ung thư thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.
Ngày càng có những thủ đoạn, mánh khóe để lừa người tiêu dùng của gian thương. Đừng vì thấy đồ rẻ mà ham lợi trước mắt. Có thể hiểm họa còn hơn thế nhiều. Người tiêu dùng nên thông thái trước những chiêu thức của người bán. Đừng thấy cua biển, ghẹ bày bán tràn lan có vài chục nghìn 1 kg thì mua lấy mua để. Có thể đó là những con thải loại, chết hoặc cua nước, sau đó tiêm hóa chất để tạo gạch làm tươi đánh lừa người tiêu dùng.
Thủ đoạn tinh vi
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một clip với tiêu đề thu hút sự chú ý của nhiều người: “Hết tôm giờ đến cua cũng được bơm hóa chất tạo gạch, tăng cân thế này đây”.
Clip ghi lại cảnh một người phụ nữ dùng một chiếc xi lanh to, bơm một chất lỏng màu nâu vàng vào trong những con cua đã chết. Được biết clip này có nguồn gốc từ Trung Quốc và hành vi của người phụ nữ này là “chiêu trò” khá quen thuộc của những người buôn bán hải sản.
Theo đó, những con cua biển sẽ được bơm gạch giả vào mai cua. Chất liệu làm giả gạch cua giả gồm lòng đỏ trứng vịt, pha bột mì, trộn với chất bảo quản có thành phần phoóc môn có thể giữ được một số ngày trong mai mà không chảy, không phân hủy, không biến màu.
Sau khi qua nhiều công đoạn, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm, nhìn khác một trời một vực so với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước.
Cách nhận biết cua bơm gạch
Theo những người có kinh nghiệm thì để phân biệt cua không bị “làm hàng” khi chọn nên cầm con cua lên, khẽ nạy diềm mai phía cuối, nếu là gạch thật màu son tươi, còn gạch giả thì màu đỏ nhạt hơi thiên xanh. Gạch thật khi chế biến có màu đỏ như son, càng nhai càng thơm mùi đặc hữu của gạch cua bể, có vị bùi khé cổ.
Ba loại cua gạch thường thấy nhất trong các chợ hiện nay gồm cua phía Nam, cua phía Bắc và cua Trung Quốc. Theo những người bán hàng có kinh nghiệm, cua phía Nam màu đồng hun, trong khi cua phía Bắc và cua Trung Quốc màu xanh xám. Muốn biết gạch cua là thật hay giả, chỉ cần khẽ nạy diềm mai phía cuối con cua lên sẽ rõ. Gạch thật màu son tươi, còn gạch giả thì màu đỏ nhạt hơi xanh. Nhưng tốt nhất, nếu không giỏi chọn cua, thì nên mua cua thịt, đừng tham cua gạch.
Không chỉ có những người nội trợ, khách ăn nhà hàng nếu không sành sỏi cũng thường gặp phải những cú lừa tương tự. Thứ cua được bơm hóa chất này, nếu nấu miến nước thì gạch vàng nhợt nhạt, vón cục và sùi hạt kiểu súp lơ, nhai bã và không có vị.
Nếu là cua gạch rang me, với loại cua dởm kia, gạch cua thường đỏ tím, hơi lẫn xanh, cũng sùi hạt gạo, bết cứng và bã. Ngược lại hoàn toàn với thứ gạch thật, màu đỏ như son, càng nhai càng thơm mùi đặc trưng của gạch cua bể, có vị bùi bùi. Trong đám cỗ vùng biển trước kia, chủ nhà thường đưa món cua gạch (hàng thật) ra sau cùng để tránh cho người ăn có cảm giác đầy và ngán.
Hải sản vốn là mặt hàng được người tiêu dùng ưa thích nhưng sự việc tôm bị tiêm gel hóa chất, tiêm tạp chất biến cá ươn thành cá tươi và giờ là tạo gạch cua giả đã khiến người mua ngày càng mất niềm tin. Thiết nghĩ người tiêu dùng hiện nay cần phải tỉnh táo hơn và nên trang bị kinh nghiệm nhận biết những sản phẩm đạt chất lượng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.