Uống sai cách là một trong số các nguyên nhân dẫn tới các bệnh về thận, đặc biệt trong mùa hè.
- Điểm danh 4 loại thực phẩm chẳng khác gì 'máy bơm collagen', chị em muốn có làn da đẹp càng không nên bỏ qua
- Mách bạn 4 loại lá có sẵn ngay trong vườn nhà giúp giảm tình trạng mẩn ngứa, rôm sảy
Thận được coi là ‘nhà máy’ lọc máu, có vai trò lọc và loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Vào mùa hè, thận phải làm việc nhiều hơn để duy trì cân bằng chất lỏng và chất điện giải. Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể dễ xảy ra mất nước. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Trong khi đó, vào mùa hè, nhiều người có thói quen uống nhiều đồ uống có đường, cà phê hoặc trà để giải khát. Việc lạm dụng, uống quá nhiều những thứ đồ uống này sẽ gây hại nhiều hơn là lợi, đặc biệt đối với 2 quả thận.
Nắng nóng ảnh hưởng tới thận
Tiến sĩ Sanjeev Gulati, Chủ tịch Hiệp hội Thận học Ấn Độ, cho biết: “Ngoài việc loại bỏ độc tố, thận đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng muối và nước trong cơ thể. Để thực hiện các chức năng này, thận cần được cung cấp máu với số lượng 1 lít/phút. Khi cơ thể bị mất nước, nguồn máu tới thận bị giảm. Do đó, chức năng thận bị ảnh hưởng. Theo ước tính, 15% những người thường xuyên làm việc trong môi trường nóng nực mắc bệnh thận mạn tính và/hoặc tổn thương thận cấp tính. Nguy cơ này cao hơn ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường hoặc người có tiền sử bệnh thận”.
“Nhiệt độ cao dễ dẫn đến mất nước, ảnh hưởng tới chức năng thận. Khi cơ thể bị mất nước, thận phải làm việc nhiều hơn để duy trì sự cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể. Nếu mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thận”, vị tiến sĩ cho biết thêm. Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Thận học Ấn Độ cũng cho biết để bảo vệ sức khỏe của thận trong thời tiết nắng nóng, điều quan trọng cần làm là phải giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước. Tiến sĩ Sanjeev Gulati gợi ý các loại đồ uống khác như nước dừa, nước chanh, sữa cũng rất có lợi trong việc bù nước. Tuy nhiên, mọi người cần đặc biệt tránh tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường và caffeine bởi chúng có thể khiến cho tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn.
Đồ uống có đường và nguy cơ mắc bệnh thận
Đồ uống có đường nếu uống ở mức độ vừa phải sẽ không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu uống ở mức độ quá nhiều có thể làm suy giảm chức năng thận.
Đường gây hại cho thận bằng cách tăng lượng đường trong máu, từ đó dẫn tới bệnh đái tháo đường. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận.
Đồ uống chứa caffeine và nguy cơ mắc bệnh thận
Caffeine có trong cà phê, trà và một số loại nước tăng lực cũng có thể gây hại cho thận nếu tiêu thụ ở mức quá nhiều. Caffeine là một chất kích thích có tác dụng lợi tiểu. Nếu uống nhiều đồ uống có caffeine sẽ làm tăng lưu lượng máu, huyết áp, từ đó gây căng thẳng cho thận. Uống quá nhiều đồ uống có caffeine cũng liên quan đến nguy cơ hình thành sỏi thận.
Vậy làm gì để bảo vệ thận vào mùa hè?
Tiến sĩ Nipun AC, chuyên gia tư vấn cấp cao về tiết niệu tại Ấn Độ, cho biết những thay đổi trong lối sống rất quan trọng để giữ cho thận luôn khỏe mạnh vào mùa hè.
Cụ thể:
1. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh : Có một chế độ ăn uống cân bằng, ít muối, chất béo và đường có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, như trái cây và rau quả, cũng có thể bảo vệ thận không bị tổn thương.
2. Uống đủ nước: Mất nước có thể là một yếu tố nguy cơ hình thành sỏi thận.
3. Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện chức năng thận bằng cách giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
4. Hạn chế hút thuốc và uống rượu: Hút thuốc và uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận.
5. Theo dõi huyết áp và lượng đường trong máu: Huyết áp cao và đái tháo đường là hai nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận. Theo dõi 2 chỉ số này thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thận.
6. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Kiểm tra chức năng thận thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về thận, từ đó có cách điều trị và quản lý bệnh kịp thời.
Nguồn: The Kidney & Hypertension Center, Hindustan Times