Dầu dưỡng da được xem là bước đột phá trong quy trình làm đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và biết cách sử dụng dầu dưỡng da hiệu quả.
- Dầu dưỡng da có thực sự gây bí lỗ chân lông và nổi mụn?
- Lơ là bước này trong quy trình chăm sóc hàng ngày, làn da sẽ trở nên xỉn màu, bóng dầu và nổi đầy mụn
Một gương mặt rạng rỡ với lớp trang điểm chỉn chu sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm với người đối diện. Tuy nhiên, một lớp makeup đẹp hoàn hảo lại chỉ có thể thực hiện được trên một làn da khỏe, ít khuyết điểm.
Chính vì vậy, nhiều beauty blogger đã đưa dầu dưỡng da vào quy trình làm đẹp hoặc thậm chí là bước đánh nền để giúp da mặt khỏe và trong mịn hơn. Dầu dưỡng, bước dưỡng da nâng cao, được nhiều phụ nữ tin dùng vì khả năng cấp ẩm và đặc trị lành tính. Tuy nhiên, sử dụng loại dầu này thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Quy tắc chung khi sử dụng dầu dưỡng
Với các sản phẩm đặc trị như BHA hoặc retinoids, bạn phải áp dụng nghiêm ngặt thời gian và độ pH chuẩn để sản phẩm phát huy tối đa tác dụng. Nhưng với dầu dưỡng, điều cần làm là sử dụng chúng ở bước cuối cùng với vai trò khóa ẩm.
Bạn nên sử dụng các loại dầu dưỡng khác ở dạng mỏng nhẹ, thấm nhanh và không gây bí bách. Như đã đề cập ở kỳ trước, nhiều bạn nhầm lẫn dầu dưỡng da gây mụn. Trên thực tế, dầu trong các sản phẩm dầu dưỡng (dầu thiên nhiên giàu acid béo và chất chống oxy hóa) hoàn toàn khác với các loại dầu có trong mỹ phẩm (dầu khoáng - mineral oil).
Lớp dầu dưỡng này sẽ hoạt động với tư cách là chất làm lành, gắn kết các sợi collagen, giúp da đàn hồi và đẹp lên từng ngày. Quy tắc chung lớn nhất mà mọi người cần chú ý là phải sử dụng dầu dưỡng ở bước cuối cùng. Nếu sử dụng trước các bước khác, dưỡng chất sẽ không được hấp thụ do lớp dầu ngăn cản.
Sử dụng dầu trực tiếp lên da
Dầu dưỡng phát huy hiệu quả dưỡng ẩm và phục hồi da tốt nhất khi sử dụng trực tiếp trên da, không qua bất kỳ các bước pha trộn nào. Ở bước này, dầu đóng vai trò là sản phấm giúp dưỡng ẩm và đặc trị.
Quy tắc được nhiều chuyên gia áp dụng nhất là phải massage lòng bàn tay và các đầu ngón tay để làm nóng trước khi đổ dầu dưỡng. Sau đó, bạn nhỏ 2-3 giọt, thoa đều lên da theo chiều từ dưới lên, massage khuôn mặt khoảng 1 phút để dầu dưỡng thẩm thấu. Khi thoa dầu, bạn sẽ có cảm giác khuôn mặt bị dính và nhờn. Tuy nhiên, đừng quá lo, hiệu quả vào ngày hôm sau sẽ rất bất ngờ.
Kết hợp với serum hoặc kem dưỡng ẩm
Một cách sử dụng khác cũng được nhiều phụ nữ áp dụng là kết hợp dầu dưỡng với các sản phẩm dưỡng khác - serum và kem dưỡng ẩm.
Với da khô, việc sử dụng dầu dưỡng không quá khó khăn, cũng không phải để ý nhiều đến việc da bị bóng nhờn. Nhưng với da dầu hoặc da nhạy cảm, nếu bạn cùng lúc sử dụng quá nhiều lớp dưỡng, mụn sẽ hình thành do lỗ chân lông bị bí. Giải pháp lý tưởng cho trường hợp này là thay thế kem dưỡng ẩm bằng dầu dưỡng da hoặc kết hợp hai loại lại với nhau.
Khi trộn chúng lại với nhau, tùy vào độ nhạy cảm của da mà kết hợp theo công thức dầu nhiều hay kem dưỡng nhiều. Cách làm này sẽ giúp bạn bớt đi một bước dưỡng và da thông thoáng hơn.
Trộn dầu dưỡng với kem nền tạo 'glass skin'
Đa số các loại kem nền hiện nay đều có kết cấu khá đặc, do chúng phải đảm nhận vai trò che phủ khuyết điểm. Có nhiều giải pháp để lớp nền bớt dày hơn như xịt khoáng vào bông mút trước khi đánh nền hay sử dụng cọ thay vì bông mút...
Những cách trên chỉ giải quyết phần nào tình trạng kem nền vón cục. Với những bạn sở hữu làn da khô, việc sở hữu lớp nền mịn màng, không bám vân là điều khó xảy ra. Loại dưỡng chất có thể xử lý việc này là dầu dưỡng da.
Để sở hữu lớp nền mượt mà, bạn nên pha trộn dầu dưỡng và kem nền theo tỷ lệ 1:2. Dầu dưỡng sẽ đóng vai trò là chất trung gian làm ẩm mượt kem nền nhưng vẫn giữ nguyên độ che phủ sẵn có của sản phẩm. Ngoài ra, dầu dưỡng còn giúp kem nền bám chặt trên da.
Lớp nền glass skin rất được lòng các bạn gái vì trông làn da bạn căng bóng như em bé. Thông thường, làn da glass skin được hoàn thiện ở bước highlight (bắt sáng). Tuy nhiên, với việc trộn dầu dưỡng với kem nền, lớp nền sẽ bóng khỏe tự nhiên hơn.