Một vài thói quen xấu bạn thường làm khi bị cháy nắng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới làn da.
- Trộn gel nha đam với thành phần này, có ngay lọ kem chống nắng vừa bảo vệ vừa nuôi dưỡng da cực kỳ hiệu quả
- Nắm chắc những bí kíp này làn da sẽ không còn 'đen nhẻm' vì nắng hè nữa
Cháy nắng là nỗi ám ảnh của hội con gái vào mỗi dịp hè về. Chúng ta thường quan tâm tới những biện pháp phòng ngừa và cải thiện làn da bị cháy nắng hơn là những việc tuyệt đối không nên làm khi da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Chính vì thế mà đôi khi, bạn không hiểu vì sao dù mình đã chuẩn bị phòng ngừa kỹ càng đến đâu mà da dẻ vẫn cứ xấu đi từng ngày. Tuy nhiên, nếu ghi nhớ những điều cấm kỵ không nên làm dưới đây thì bạn sẽ bảo vệ làn da sau cháy nắng tốt hơn.
Mặc quần áo quá bó
Sau khi bị cháy nắng, da cần được "thở". Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta chặn đứng cơ hội được "thở" đó của da do vội mặc quần áo quá bó. Sau khi bị cháy nắng, da rất yếu ớt, dễ bị phồng rộp, sưng đau và nhiễm vi khuẩn. Lớp vải từ quần áo có thể cọ xát khiến tình trạng đau rát, sưng đỏ ở những vùng da chịu tổn thương do ánh nắng mặt trời trước đó trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, bạn chỉ nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để làn da được nghỉ ngơi và phục hồi sau khi bị cháy nắng.
Gãi vùng da bị cháy nắng
Ở những người bị cháy nắng, bạn sẽ thấy xuất hiện tình trạng da bong tróc kèm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Đây là dấu hiệu cho thấy da đang dần lành lại. Tuy nhiên, một vài người không hiểu được điều đó và thường xuyên có thói quen gãi, lột lớp da bị bong ra. Như vậy, bạn đã vô tình khiến quá trình tự điều trị tổn thương của da bị ngưng trệ. Thêm vào đó, hành động này còn khiến các vệt cháy nắng trở nên loang lổ, mất thẩm mỹ.
Nặn mụn nước hoặc các vết phồng rộp trên da
Mụn nước và các vết phồng rộp có thể xuất hiện trên da khi bạn bị cháy nắng. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn dùng tay, nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất trên cơ thể, để động chạm tới chúng. Trên thực tế, các vết phồng rộp và mụn nước đó có tác dụng bảo vệ các vết thương hở và chỗ tổn thương nặng nhất do bị cháy nắng trên da của bạn. Nếu chúng bị vỡ do bạn cố tình nặn, vết thương đó có thể sẽ bị loét và viêm do vi khuẩn, vi trùng tấn công.
Sử dụng hóa, mỹ phẩm lên da
Một sai lầm khác nữa mà nhiều người mắc phải cũng nguy hiểm không kém, đó là sử dụng hóa mỹ phẩm lên da khi da bị cháy nắng. Đây là lúc da cực kỳ nhạy cảm, dễ bị dị ứng và xuất hiện phản ứng bài xích các sản phẩm chăm sóc. Các chất hóa học có trong hóa, mỹ phẩm có thể bào mòn các vết cháy nắng trên da khiến chúng mỏng đi, sức đề kháng kém đi và dễ bị tấn công bởi bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng gây viêm nhiễm hơn.
Không uống đủ nước
Khi da bị cháy nắng, cơ thể sẽ có xu hướng dồn nước trong các tế bào lại vùng da bị cháy nắng và dẫn tới tình trạng khô da. Nếu da bị khô, cảm giác đau rát sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, bạn nên bổ sung đủ nước cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước sau khi da bị cháy nắng. Uống nước cũng có tác dụng làm dịu các cơn đau nhức, bỏng rát trên da do cháy nắng gây ra.