Có phải lúc nào chúng ta cũng cần phải bôi kem chống nắng? Cần dùng kem chống nắng như thế nào để sản phẩm phát huy đúng tác dụng và không làm tổn thương da?
- Quy trình dưỡng da chuẩn gái Hàn hiệu quả, căng bóng, mịn màng
- 'Thư ký Kim' Park Min Young càng ngày càng đẹp nhờ 5 bí quyết sở hữu làn da trắng hồng
Kem chống nắng được không ít chị em sử dụng như một bước chăm sóc da vô cùng quan trọng trước khi ra khỏi nhà. Nó giống như một lớp "áo giáp" bảo vệ da của chúng ta khỏi tổn thương gây ra bởi các tia cực tím (UV), trong đó tia UVA và UVB từ ánh sáng mặt trời. Đặc biệt, trong những ngày hè oi bức, tia UV đặc biệt nguy hại nên việc sử dụng kem chống nắng mỗi ngày càng phải được đề cao.
Tuy nhiên, có phải lúc nào chúng ta cũng cần phải bôi kem chống nắng? Cần dùng kem chống nắng như thế nào để sản phẩm phát huy đúng tác dụng và không làm tổn thương da?
2 sai lầm khi sử dụng kem chống nắng gây giảm collagen, sạm đen
1. Bôi kem chống nắng khi da bị mụn viêm, có vết thương hở
Theo BSCKII da liễu Nguyễn Phương Thảo (giám đốc chuyên môn hệ thống phòng khám da liễu thẩm mỹ Pensilia): Khi bôi kem chống nắng cần cân nhắc giữa lợi và hại. Nếu da đang mụn viêm hay có vết thương hở, việc dùng kem chống nắng sẽ góp phần làm bít tắc lỗ chân lông nhiều hơn, chưa kể các hoạt chất trong kem chống nắng có thể gây kích ứng da. Vì vậy, nếu có thể che nắng được bằng khẩu trang thì đó vẫn là sự lựa chọn an toàn khi da đang có vết thương hở.
Nếu trong hoàn cảnh không thể che khẩu trang được thì khi bôi kem chống nắng phải rửa mặt lại sau 3-4 tiếng và nếu cần thì bôi lại lần 2, không được để kem chống nắng lưu trên da quá lâu.
2. Dùng kem chống nắng mà quên mất sử dụng khẩu trang chống nắng
Phụ nữ nếu ra đường trong những ngày nắng gắt, không chỉ nên bôi kem chống nắng mà còn cần sử dụng khẩu trang chống nắng. Nếu không làm đủ 2 bước này thì hiệu quả chưa cao, có thể tạo ra các gốc tự do trong da và làm phá vỡ collagen.
Trong ánh sáng mặt trời có rất nhiều phổ ánh sáng gây hại cho da như: UVA, UVB và đặc biệt là phổ ánh sáng nhìn thấy được hay còn gọi là ánh sáng khả kiến.
UVB sẽ khiến làn da chị em bị cháy nắng, còn UVA sẽ nguy hiểm hơn bởi nó có thể đi sâu vào lớp hạ bì của da và phá hủy collagen. Ánh sáng thấy được sẽ gây sạm da, đỏ da, lão hoá da.
Theo BS Thảo, khẩu trang chống nắng nên chọn loại được làm bằng cách dệt đan các sợi tơ vải thật khít và đan chéo nhiều lớp để cản tia trong ánh mặt trời. Để kiểm tra loại khẩu trang bạn dùng có thể chống nắng tốt hay không, bạn có thể dùng 1 nguồn chiếu sáng cực mạnh, đặt sát và chiếu bên dưới lớp khẩu trang của mình. Kiểm tra coi nguồn sáng có xuyên qua các lớp vải không. Nếu còn ánh sáng là không cản được tia, không hề có ánh sáng là cản các tia tốt.
Bôi kem chống nắng như thế nào mới đúng?
- Theo khuyến cáo của BS Thảo, trước khi ra đường 30 phút, bạn nên bôi kem chống nắng. Tuỳ chỉ số SPF có thể duy trì khả năng chống nắng được bao lâu thì phải bôi lại (thời gian chống nắng = SPFx10 phút). Lưu ý, trước khi bôi lại lớp mới thì bạn nên rửa mặt sạch nhé.
- Khi chọn kem chống nắng, bạn nên chọn loại chống nắng chống được đầy đủ các tia, bao gồm SPF (chống UVB), PA (chống UVA), HER Vi (chống ánh sáng nhìn thấy được), IR (chống hồng ngoại).
- Thông thường, lượng kem chống nắng bằng 1 đốt ngón tay là đủ để bôi được toàn bộ khuôn mặt.
- Cần nhớ bôi kem chống nắng vùng mắt: Vùng mắt là vùng da rất nhạy cảm và rất dễ bị bắt tia ánh sáng mặt trời. Khi bị ánh sáng mặt trời chiếu vào vùng da nhạy cảm và mỏng manh đó thì làn da rất dễ bị nhăn hoặc chảy xệ, dư da.
- Phụ nữ đang ở trong nhà, trong phòng kín nếu không thấy nắng thì có thể không cần bôi kem chống nắng.
- Trong trường hợp không cần thiết phải bôi kem chống nắng, bác sĩ da liễu khuyên không nên để da trần trụi trước môi trường bên ngoài. Thay vào đó, chị em nên chọn cho da mình 1 loại kem dưỡng phù hợp tính chất của da. Nếu da khô thiếu ẩm thì bôi kem dưỡng ẩm, nếu da nhờn cần dưỡng khô ráo hơn thì có thể chọn kem dưỡng có thành phần B3, Azelaic Acid, Glycolic Acid. Việc dùng kem dưỡng phù hợp sẽ giúp da giữ được độ ẩm, tránh tình trạng mất nước lớp thượng bì gây sạm da, da không bị mất nước sẽ căng bóng, giảm nhăn đáng kể nhất.