Bác sĩ Lương Thị Nghĩa Vân, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho rằng, nhiều bà mẹ tùy tiện cho trẻ dùng lẫn kem đánh răng của người lớn mà không biết rằng điều này có thể gây hại cho trẻ ngay từ những lần đầu.
- Trời chuyển lạnh, bác sĩ Collin khuyến cáo bố mẹ làm 1 việc ngay khi con hắt hơi, sổ mũi sẽ giúp trẻ "dập tắt" những đợt ốm bệnh từ đầu
- TP. HCM: Bé 3 tháng tuổi sốc phản vệ, ngừng tim ngừng thở sau khi tiêm kháng sinh
Mới đây, tại buổi hội thảo về xu hướng chăm sóc răng miệng chuyên biệt, bác sĩ Lương Thị Nghĩa Vân, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến chăm sóc răng miệng ở trẻ em và người lớn.
Lý do vì sao phải chọn loại kem đánh răng phù hợp
Theo bác sĩ Vân, y học chứng minh cho thấy, cần dự phòng chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ ngay từ trong bào thai (ví dụ như mẹ đảm bảo dinh dưỡng, đủ canxi giúp phát triển xương răng). Đến khi bé có chiếc răng đầu tiên, cha mẹ nên vệ sinh răng cho con bằng gạc, bàn chải silicon để trẻ quen dần với chải răng.
Ở mỗi độ tuổi, cấu tạo răng và men răng có sự khác biệt. Ví dụ trẻ dưới 1 tuổi cấu tạo răng và men răng khác với trẻ có răng sữa, khác với trẻ lớn và người lớn có răng vĩnh viễn. Vì thế, không thể dùng kem đánh răng của người lớn cho trẻ em, vì không phù hợp về thành phần như chất bào mòn (làm trắng răng), chất flour chống sâu răng...
Bác sĩ Vân cũng lưu ý khi hướng dẫn trẻ đánh răng phải hướng dẫn trẻ không nuốt kem đánh răng. Khi lấy kem đánh răng cho trẻ chỉ lấy một lượng nhỏ bằng hạt gạo để nếu không may trẻ nuốt vào sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe.
"Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ đánh răng như một trò chơi để trẻ thấy thú vị, hấp dẫn với "trò chơi" đánh răng mỗi ngày. Nhất là ở trẻ em, răng sữa rất dễ sâu, cần chú ý chăm sóc để ngăn ngừa nguy cơ sâu răng, gây lệch lạc răng sau này", bác sĩ cho biết thêm.
Ngoài ra, khi chăm sóc răng miệng ở trẻ em và cả người lớn, có thể sử dụng nước súc miệng, chỉ nha khoa, bàn chải kẽ sau đánh răng sẽ hỗ trợ làm sạch vùng miệng, khử mùi hôi, loại bỏ những mảng bám còn sót lại sau đánh răng.
Với trẻ em, nếu cho trẻ dùng nước súc miệng thì cha mẹ chú ý lựa chọn loại súc miệng dành riêng cho trẻ.
Dược sĩ Lê thị Minh Chính, giảng viên trường ĐH Đại Nam, cũng cho rằng các bậc cha mẹ phải chú ý trong lựa chọn kem đánh răng phù hợp cho trẻ. "Bởi thành phần trong kem đánh răng, từ chất bào mòn, tạo bọt, chất làm đông đặc, chất phòng ngừa sâu răng, chất tạo mùi... cho từng độ tuổi lại khác nhau. Kem đánh răng dùng hàng ngày 2-3 lần, không khác gì ăn cơm uống nước mỗi ngày, việc sử dụng kem đánh răng phải phù hợp theo độ tuổi để chăm sóc tốt nhất răng miệng và giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu trẻ không may nuốt phải kem đánh răng.
Một số lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi
6-18 tháng
Hạn chế tối đa việc bú bình liên tục trong ngày và bú bình trong lúc ngủ. Vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày. Khi răng của trẻ bắt đầu mọc vào tháng thứ 6, bạn nên lau sạch răng cho trẻ hàng ngày bằng bàn chải trẻ em hoặc khăn mềm, ướt. Vén môi và quan sát răng của trẻ. Nếu bạn nhìn thấy các đốm màu nâu hoặc màu trắng như phấn, hãy đưa trẻ đến nha sĩ để khám và điều trị. Ngay khi trẻ được một tuổi, cần đưa trẻ đi khám ở nha sĩ lần đầu tiên!
18-24 tháng
3 việc làm quan trọng để bảo vệ nụ cười của trẻ trong giai đoạn chập chững biết đi: giảm bớt số lần ăn bữa phụ của trẻ trong ngày; tránh cho trẻ uống nước có ga, kẹo ngọt và thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên hay bánh quy dính; tránh ăn vặt liên tục.
Mỗi lần trẻ ăn kẹo hay thức ăn giàu tinh bột, axít sẽ tấn công răng của trẻ. Axít tấn công càng nhiều thì sâu răng xuất hiện càng nhiều. Nếu bạn quyết định cho trẻ ăn kẹo hay thực phẩm giàu tinh bột, hãy cho trẻ ăn vào bữa chính; giảm số bữa nhẹ xuống 2-3 lần một ngày. Chải răng ít nhất hai lần một ngày.
Chải răng cho trẻ sau bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ. Sử dụng bàn chải mềm, phù hợp với trẻ nhỏ để làm sạch răng và lợi của bé. Nếu trẻ đã biết nhổ sau khi chải răng, hãy cho trẻ chải răng với một lượng kem đánh răng chứa fluoride dành tro trẻ em với lượng cỡ bằng hạt đậu. Trẻ có thể bắt đầu thực hành tự chải răng, nhưng bạn sẽ phải giám sát và giúp đỡ trẻ. Đa số trẻ em có thể chải răng thuần thục khi chúng từ 6 tuổi trở lên.
2-5 tuổi
Một bộ răng sữa khỏe mạnh sẽ góp phần đảm bảo chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, giao tiếp và tạo tiền đề tốt cho một bộ răng vĩnh viễn khỏe mạnh. Khám răng định kỳ là hết sức quan trọng để duy trì một sức khỏe răng miệng tốt.
Các bậc phụ huynh hãy giúp các con chải răng mỗi ngày ít nhất 2 lần, mỗi lần 3-5 phút sử dụng bàn chải thông thường hoặc bàn chải điện có lông mềm. Đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần, bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tuổi rưỡi - 3 tuổi, hoặc theo chỉ định của nha sĩ.
6-12 tuổi
Trẻ sẽ trải qua nhiều thay đổi trong giai đoạn này bởi hàm răng sữa sẽ dần được thay thế bởi hàm răng vĩnh viễn. Răng vĩnh viễn thường to hơn và màu sắc vàng hơn so với răng sữa. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn quan trọng bởi đôi lúc có hiện tượng chen chúc răng và kém thẩm mỹ. Nhưng các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng bởi xương hàm của trẻ vẫn đang phát triển.