Tưởng con gái đau bụng do rối loạn tiêu hóa, mẹ bất ngờ khi biết sự thật

Chăm sóc con 19/09/2019 13:00

Các dấu hiệu của u nang buồng trứng ở trẻ nhỏ rất mơ hồ, đôi khi nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác nên khó chẩn đoán và điểu trị.

Mới đây, một bệnh nhi 7 tuổi trú tại Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hố chậu trái.

Sau khi được thăm khám và chẩn đoán u nang buồng trứng xoắn, bệnh nhi đã được phẫu thuật nội soi tháo xoắn và bóc khối u nang lớn kích thước 6x6cm, bảo tồn buồng trứng thành công.

BS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Phụ khoa cho biết, bệnh nhi nhỏ tuổi, chưa đến giai đoạn dậy thì, vào viện chỉ với triệu chứng đau bụng. Vì vậy, nếu không được tiến hành khám và chẩn đoán kĩ thì rất dễ bị bỏ qua hoặc nghi ngờ sang một bệnh lý khác.

Tưởng con gái đau bụng do rối loạn tiêu hóa, mẹ bất ngờ khi biết sự thật - Ảnh 1

U nang buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Điều này sẽ làm mất nhiều thời gian thăm khám và nếu không được xử trí kịp thời tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng như xoắn vòi trứng, nguy cơ hoại tử, xoắn cả tử cung và sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng sinh sản của trẻ sau này.

Theo BS Ngọc Lan, bệnh u nang buồng trứng thường xảy ra với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, cũng có thể gặp ở những bệnh nhi nhỏ tuổi.

Trước đó, năm 2018, một bé gái 3 tuổi (quê Hải Phòng) cũng được phát hiện bị u nang buồng trứng. Điều đáng nói, các dấu hiệu của bệnh cũng chỉ là đau bụng, nôn ói tưởng như thông thường.

Mẹ của cô bé cho hay, khi nghe bác sĩ thông báo bé bị u nang buồng trứng, cả gia đình đã hết sức kinh ngạc và bàng hoàng vì nghĩ đây là căn bệnh chỉ xảy ra với phụ nữ đã trưởng thành. Không ngờ, nó lại đến với con gái 3 tuổi của gia đình chị.

BS Vũ Mạnh Hoàn, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi Trung ương) – người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhi này cho biết, khối u của bệnh nhi thuộc dạng u quái buồng trứng (teratoma). Do khối u có kích thước lớn, tiểm ẩn nguy cơ gây xoắn, vỡ nên bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi, bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng cho bệnh nhi.

Theo BS Hoàn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhi bị u nang buồng trứng nhưng gia đình không biết, chỉ nghĩ trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa nên đi khám muộn dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề sức khỏe sinh sản sau này.

Dấu hiệu mắc u nang buồng trứng ở trẻ nhỏ

Theo các bác sĩ, một bé gái bình thường có 2 buồng trứng nằm 2 bên tử cung (dạ con). Trẻ bị u buồng trứng là khi có một khối phát triển bất thường ở buồng trứng.

U bao gồm 2 dạng: U đặc và u nang. Trong đó, u nang là các túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Ở các bé gái, một số trường hợp, u nang buồng trứng phát triển rất lớn, xuất huyết sau đó xoắn hoặc vỡ ra có thể gây nguy hiểm tính mạng của bé.

Nguyên nhân gây tình trạng này ở trẻ hiện vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng một số trường hợp khối nang buồng trứng có thể hình thành từ rất sớm, do trẻ bị ảnh hưởng từ hormone của người mẹ khi còn đang mang thai.

Đặc biệt, các dấu hiệu u nang buồng trứng ở trẻ nhỏ rất mơ hồ, đôi khi nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác nên khó chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một số dấu hiệu nghi ngờ như:

- Trẻ có thể đau âm ỉ vùng bụng dưới hoặc đau từng cơn

- Chướng bụng hoặc đầy hơi

- Bụng to bất thường

- Với những trẻ ở tuổi dậy thì, kinh nguyệt có thể không đều

- Một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng có thể xuất hiện một số triệu chứng tưởng chừng như không liên quan đến bệnh như tiểu rắt, tiểu khó ( nếu chèn ép bọng đái), táo bón (chèn ép trực tràng), phù 2 chi dưới (chèn ép hệ tĩnh mạch)…

Nhưng đa số các trường hợp chỉ phát hiện được khối u nang buồng trứng một cách tình cờ khi đi siêu âm ổ bụng.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc và cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi thấy trẻ có các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường nên đưa con tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.

Muốn bé nhanh cứng cáp, phát triển tốt, mẹ không nên bỏ qua bài tập nằm sấp ngay từ khi lọt lòng

Nằm sấp giúp tăng cường cơ cổ, lưng, vai và cơ cánh tay cho trẻ sơ sinh. Nó cải thiện kỹ năng phối hợp tay và mắt, giúp cơ bắp của trẻ phát triển.

TIN MỚI NHẤT