Từng có thời gian cạn kiệt nguồn sữa vì lo lắng và thương con nhỏ ốm đau, nhưng tình yêu đầy lý trí và tràn đầy năng lượng tuyệt vời của người mẹ này đã trở thành động lực to lớn để chị tiếp tục hành trình nuôi bú song song.
- Bác sĩ sản khoa mách cách giải quyết 10 vấn đề thường gặp khi cho con bú
- Cho con bú đều đặn sau sinh, mẹ sững sờ nhận tin con 3 ngày tuổi tử vong vì đói
Là một công chức nhà nước, mẹ Thu Trang ở Hà Nội, mẹ của 2 bạn nhỏ đáng yêu Minh Đức (Mít - 48 tháng), Minh Khang (Chôm Chôm - 20 tháng) đã có một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ đầy đáng nhớ và tự hào. Đó không phải là một trải nghiệm đáng tự hào bởi con số thời gian cho bú dài 2 năm hay 4 năm, mà là ở những phút giây đầy ắp kỉ niệm, yêu thương và kết nối mà người mẹ đã dành trọn cho các con của mình. Bạn cũng sẽ cảm nhận được điều đó qua những chia sẻ chân thật và đầy tâm huyết của mẹ Thu Trang trong bài phỏng vấn dưới đây.
Lý do và niềm tin nào giúp bạn tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là nuôi bú song song?
Ngày bầu bạn lớn ở tháng thứ 7, mình được một người bạn gửi kiến thức về nuôi con sữa mẹ, mình đọc "ngấu nghiến" và học hỏi thêm kinh nghiệm của các mẹ chia sẻ. Khi ấy, mình hiểu rằng sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất, trao cho con sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống, chứa chủng vi sinh vật có lợi probiotics cho sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hệ miễn dịch của con ngay từ những ngày đầu tiên con được sinh ra. Đây là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó cho bé bắt đầu ăn dặm nhưng vẫn tiếp tục bú mẹ cho đến sau 2 tuổi.
Khi bạn lớn được 20 tháng, mình biết tin có thêm một thiên thần bé nhỏ nữa. Thai kỳ khỏe mạnh, tâm lý của mẹ thoải mái lại được chồng ủng hộ nên không ngăn mình dừng nuôi bú bạn lớn. Hiện tại, bạn Mít (48 tháng) và Chôm Chôm (20 tháng) đang được hưởng dòng sữa ngọt ngào từ ngày hai bạn sinh ra. Thời gian cho con bú mẹ cũng là thời gian gắn kết mẹ con, anh em, cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau mà không ai xen được, kể cả bố các bạn ấy.
Bạn có bị ảnh hưởng và gặp phải cái nhìn lạ lẫm của mọi người khi nuôi bú song song không? Bạn đã vượt qua những ngộ nhận và hiểu lầm đó như thế nào?
Nuôi con bằng sữa mẹ đã được ý thức khá cao trong cộng đồng xung quanh mình sống. Tuy nhiên, nuôi bú song song vẫn là khái niệm khá mới mẻ và đầy hoài nghi. Bản thân mình cảm nhận thực sự thiêng liêng khi được ôm hai con vào lòng, ngâm nga câu hát và trao bao yêu thương trong từng cử chỉ khi con bú mẹ.
Mình nuôi bú song song không phải để chứng mình cho mọi người thấy đây là việc làm an toàn cho mẹ, cho con. Vì vậy, mình không bị ảnh hưởng tâm lý bởi cái nhìn hay lời nói của người xung quanh mình. Mình cũng không hề gay gắt khi mọi người nói, mọi người nhìn bởi thái độ, phản ứng của mình đem lại năng lượng tiêu cực cho chính mình và cho con mình.
Thời điểm khó khăn nhất của việc nuôi con bằng sữa mẹ mà bạn đã trải qua là gì?
Khi con lớn của mình được gần 4 tháng, bạn ấy ốm lần đầu tiên - tiêu chảy và viêm mũi, họng. Ngày ấy, mình hoang mang tột độ, chỉ muốn ốm thay con, nhìn con mà không cầm được lòng, đêm cứ canh con ngủ, đếm con ho bao nhiêu tiếng. Thậm chí, mình còn đưa con đi khám 3 bác sỹ. Các bác sỹ khám và kê các loại kháng sinh khá nặng cho con. Khi ấy, sữa mình giảm trầm trọng, ngực mềm oặt, con ti mẹ hời hợt. Con khỏi ốm, mình kích sữa cho con bằng máy hút sữa. Cũng từ đây, chính là bước ngoặt thôi thúc sự trưởng thành của mình cả về tâm lý, kiến thức làm mẹ.
Mình dành thời gian mỗi ngày đọc, học các kiến thức nuôi con từ sách vở, các trang thông tin trong nước, nước ngoài uy tín, học hỏi từ những người mẹ để học nuôi con bằng trực giác của mình, nghĩa là: Quan sát và yêu thương con vô điều kiện và không kỳ vọng; Mang cảm xúc và ý thức vào trong mỗi việc mình làm; Hành động với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của chính mình, vào con yêu; Không ngừng học hỏi và phát triển để trở thành con người đẹp nhất.
Bạn có thể chia sẻ những cảm xúc, kỉ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình nuôi bú song song của mình không?
Mình còn nhớ như in những ngày đầu từ bệnh viện trở về. Nhiều lần, hai bạn la khóc inh ỏi vì cùng muốn ti mẹ. Mẹ thì mệt, chưa hồi phục sức sau sinh. Lúc đó, mình đuối kinh khủng và chỉ muốn cắt phựt không cho bạn lớn bú nữa. Mình không điều chỉnh được lời nói của mình mà xả một tràng. Mẹ cứ nói mà con cứ khóc.
Nhưng mình đã nhanh chóng lấy được cân bằng, thả lỏng cơ thể, để tìm ra cách phù hợp nhất. Mình thủ thỉ với bạn lớn về việc chỉ ti mẹ thoải mái trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, thi thoảng ti một lúc, có lúc ti chỉ 5 giây chớp nhoáng khi nhớ ti và mẹ đồng ý để mẹ được nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn ấy đồng ý và đến tận bây giờ, bạn ấy vẫn ti với thời gian, tần xuất như vậy.
Nhiều người vẫn nói: "Bú mẹ lâu dài khiến con bám mẹ và phụ thuộc vào mẹ", mình suy nghĩ thế nào về điều này?
Như đã nói ở trên, thời gian cho con bú mẹ là khoảng thời gian mẹ con bên nhau, trao yêu thương ngọt ngào và niềm tin tưởng. Khi mẹ dành đủ thời gian chất lượng cùng con bằng cả sự chú tâm, con cảm nhận tình yêu thương của mẹ thì con sẽ không thấy thiếu mẹ - một trong những nguyên nhân bám mẹ và mè nheo. Khi mẹ dành đủ thời gian bên con, con sẽ trở thành một mình bé tự tin, vững bước vào đời.
Bạn có kinh nghiệm gì trong việc duy trì nguồn sữa và sắp xếp thời gian, sinh hoạt phù hợp với việc nuôi con bằng sữa mẹ của mình để chia sẻ và truyền cảm hứng cho các mẹ khác không?
Mình duy trì hút sữa đều đặn cho bạn lớn tới khi bầu bạn nhỏ (từ khi bạn lớn 4 tháng đến 21 tháng), đều đặn 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút. Vậy là mình đã dành 2 tiếng mỗi ngày, 14 tiếng mỗi tuần, 56 tiếng mỗi tháng và 896 tiếng trong vòng 16 tháng để hút sữa thay vì ôm con ty mẹ. Dù nhà mình cách cơ quan có 5 phút đi xe máy.
Rút kinh nghiệm bạn đầu khi dành quá nhiều thời gian hút sữa không cần thiết, đối với bạn bé, mình không hút sữa nữa mà dành 2 tiếng mỗi ngày, 14 tiếng mỗi tuần, 56 tiếng mỗi tháng để ôm con vào lòng và cho bạn ấy ti dòng sữa mẹ ấm nóng.
Để duy trì nguồn sữa mẹ, với mình quan trọng là niềm tin của mẹ: Tin mình có thể hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là cho con dòng sữa ngọt ngào bởi "tin rằng bạn có thể làm một điều gì đó đồng nghĩa với việc bạn đã đi được nửa đường đến đó" (một câu nói của Theodore Roosevelt) và tin em bé của mẹ ti đủ no so với nhu cầu của con để không kỳ vọng, không ép uổng.
Khi mẹ tin tưởng vào khả năng của mẹ, tin vào nhu cầu của con kết hợp với tinh thần mẹ thoải mái, mẹ uống đủ nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, ngủ đủ thì mẹ không chỉ trao đủ sữa và dinh dưỡng cho con mà còn trao yêu thương, trao niềm tin, trao năng lượng tích cực cho con…
Mình muốn nhắn nhủ thêm rằng các bạn nên thực hành học hỏi kinh nghiệm của người khác sao cho phù hợp với mình nhất bởi chỉ có mình hiểu mình, hiểu con nhất mà thôi.
Quan điểm, tư tưởng mà bạn theo đuổi khi nuôi dạy con là gì? Nuôi con bằng sữa mẹ đã giúp bạn như thế nào trong việc thực hiện điều đó?
Mỗi em bé đều có tốc độ phát triển riêng của mình, mẹ cần tôn trọng, quan sát và hỗ trợ sự phát triển của con với niềm tin yêu vào con mà chính việc cho con ti trực tiếp là tin vào mình, vào nhu cầu của con.
Quá trình đồng hành cùng con là hành trình tận hưởng và trưởng thành cùng con. Trong hành trình ấy, bố mẹ là người thầy đầu tiên và suốt đời của con nhưng cũng đồng thời là học trò của người thầy tận tụy, con cái chúng ta. Để là người thầy tốt, thì câu trả lời có ở câu nói của đại văn hào người Nga Lev Tolstoy: "Giáo dục con trẻ bản chất là giáo dục bản thân mình, giáo dục bản thân mình là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất tới con trẻ".
Để là người học trò tốt thì câu trả lời là "toàn tâm lắng nghe, toàn ý thấu hiểu" "lời" thầy dạy thì khi ấy chúng ta sẽ hành động bằng tình yêu thương chứ không phải vì sợ - sợ con thiếu chất, sợ con chậm biết nói, biết đi… so với con nhà hàng xóm.
Mình muốn muốn lan tỏa tinh thần nuôi con đong đầy yêu thương, nuôi con cứ tự nhiên như hơi thở, nuôi con từ tốn, nuôi con sáng tạo…mà mình đã, đang và sẽ chia sẻ với các mẹ hàng ngày.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ đầy tâm huyết!