Khi bật lửa để gỡ rối chùm bóng bay, người đàn ông khiến chùm bóng bay phát nổ gây bỏng cho 4 người, trong đó có 1 người lớn và 3 trẻ em.
- 10 sai lầm nuôi dạy con khiến hầu hết cha mẹ phải hối hận
- Bé gái 3 tuần tuổi bỗng dưng ngưng thở trên xe ô tô vì 1 sai lầm triệu gia đình cùng mắc
Ngày 19/9, thông tin từ Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý cho 3 trường hợp nhập viện vì bỏng khí hydro do nổ bóng bay trong ngày 18/9.
Theo một nạn nhân, trong lúc cùng nhau tháo bóng bay, sẵn có bật lửa nên một người đã dùng bật lửa để cắt những sợi dây. Dây buộc bóng bằng dây dù nên bắt lửa rất nhanh và lan lên quả bóng khiến quả bóng bị nổ, gây thương tích cho 4 người, trong đó có 3 trẻ em là cầu thủ U14 CLB Sông Lam Nghệ An và 1 bảo vệ.
TS Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng cho biết, tuy các nạn nhân đều may mắn sống sót song hậu quả của vụ nổ vô cùng nặng nề. 2/3 nạn nhân bỏng độ II, III diện tích bỏng vùng đầu, mặt, cổ và hai cánh tay. Người còn lại cũng bị thương tích không nhẹ.
Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân về mức độ nguy hiểm của những chùm bóng bay bơm khí hydro, bởi lẽ, hiện nay, bóng bay bơm khí hydro đang được sử dụng khá phổ biến như dùng làm đồ chơi cho trẻ em và để trang trí các sự kiện, lễ hội.
Tuy nhiên, loại bóng này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại vì có thể phát nổ nếu gặp nguồn nhiệt lớn, gây bỏng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đó, đã có nhiều trường hợp gặp họa khi sử dụng loại bóng bơm khí này. Như trường hợp vụ nổ bóng bay trên ô tô xảy ra ở phố Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cuối năm 2017. Thời điểm ấy, khi một em bé đang nghịch quả bóng bay trong ô tô thì bất ngờ quả bóng phát nổ, làm vỡ tung kính xe. Rất may những người trên xe không bị bỏng nặng, chỉ bị cháy xém tóc.
Theo BS Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn), chỉ tính riêng tại Khoa Bỏng của bệnh viện mỗi năm đều tiếp nhận hàng chục ca nhập viện liên quan đến nổ bóng bay. Đa số nạn nhân chấn thương nhẹ nhưng cũng không ít trường hợp nguy kịch, nhất là trong những ngày lễ, Tết.
Theo TS Thái Văn Bình, bóng bay thường được bơm khí hydro hoặc acetylene là những chất khí nhạy với chất nổ. Khi bóng bay ở gần nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa…) sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng gây hiện tượng cháy nổ. Bóng càng to thì nguy cơ cháy nổ càng lớn.
Bóng bay có thể gây thương tích cho người đứng gần. Đặc biệt là những vùng hở trên cơ thể như mặt, tay là những vùng nguy hiểm dễ bị bỏng nhất. Đây cũng là những điểm gây mất thẩm mỹ và có khả năng để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân.
Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng hay bị bỏng do bóng bay nhiều nhất, vì vậy, các gia đình không nên mua những quả bóng quá lớn để trang trí nhà vào dịp lễ, Tết. Để tránh nguy hại, khi bơm bóng mọi người không được bơm quá căng. Bên cạnh đó, khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần đặc biệt lưu ý tránh để trẻ cầm bóng gần nguồn nhiệt lớn để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
TS Bình khuyến cáo, trong trường hợp bị bỏng do bóng bay, người thân hoặc những người xung quanh cần nhanh chóng loại bỏ những chất gây bỏng trên da nạn nhân. Sau đó, lập tức tìm cách phân vùng bỏng theo mức độ, ngâm vùng nước bỏng vào nước mát ngay.
Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần dùng gạc y tế, quấn lỏng quanh vùng bỏng của nạn nhân để bảo vệ cho da không bị nhiễm trùng và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện.