Trời chuyển lạnh cũng là lúc các mẹ lo lắng con dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp. Đừng bỏ qua những việc sau đây để giúp con luôn khỏe mạnh trong lúc chuyển mùa.
- Con nhiễm bệnh từ nụ hôn của người thân, mẹ Việt hoảng loạn khi miệng bé chảy máu không ngừng
- Bác sĩ Nhi chỉ rõ 3 bệnh giao mùa trẻ em hay gặp phải, cha mẹ cần chú ý
Sáng nay, 15.10, gió mùa đông bắc tràn về, thời tiết miền Bắc bắt đầu đón những đợt không khí lạnh đầu tiên, trời chuyển lạnh về đêm và sáng sớm. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, không khí lạnh sẽ tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.
Trời chuyển lạnh kèm theo mưa và gió mùa về sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người nhưng đối tượng chịu tác động lớn nhất là trẻ nhỏ. Cùng với các dịch bệnh đang bùng phát như bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, sốt xuất huyết, trong điều kiện thời tiết như hiện nay trẻ nhỏ thường phải đối mặt với các bệnh hô hấp như: viêm hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...
Các chuyên gia gợi ý để chăm sóc sức khỏe của trẻ trong thời điểm này, nguyên tắc là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Một số bí quyết sau sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, ít ốm lúc thời tiết giao mùa.
1. Mặc quần áo phù hợp từng thời điểm trong ngày
Thời tiết lúc giao mùa có thể chuyển đổi từ lạnh buổi sáng sang nóng buổi trưa rồi trở lạnh khi về chiều, hay từ nắng đến mưa chỉ trong một ngày. Trẻ mặc ấm quá thì sẽ ra mồ hôi nhiều hoặc mặc phong phanh trẻ dễ bị cảm lạnh, ho, sốt...
Nếu bé nhà bạn đang đi học thì trong balo của bé cần có quần áo cả 3 mùa: áo khoác khi ra đường, bộ thu đông dài tay khi trời trở gió và bộ ngắn tay nếu trời nắng nóng.
Giữ ấm khi ngủ: Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, tốt nhất nên cho trẻ mặc quần áo dài, thoáng khi đi ngủ, nếu có thể cần đắp thêm chăn, đảm bảo bàn chân, ngực, bụng, cổ trẻ luôn được giữ ấm.
Với trẻ sơ sinh, không nên ủ ấm quá mức vì điều kiện thời tiết hiện nay chưa đến mức rét đậm. Nếu ủ quá kĩ bằng chăn dầy, trẻ ra mồ hôi sẽ bị thấm ngược trở lại cơ thể dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh và viêm phổi.
Thường xuyên thay bỉm cho bé vì nếu để bỉm ướt quá lâu cũng khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
2. Không nên cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm, đêm khuya
Nếu không có việc cần thiết, bố mẹ không nên cho trẻ ra ngoài vào lúc trời chuyển nhiều gió, nhiệt độ giảm mạnh, có mưa như sáng sớm, đêm khuya. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đám đông hoặc người đang có biểu hiện bệnh.
Khi thời tiết chuyển lạnh, hệ hô hấp của trẻ dễ bị kích ứng khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài không chỉ giúp bé tránh bị nhiễm lạnh mà còn giúp cản bụi ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp.
3. Đảm bảo không gian cho trẻ thoáng, tránh gió lùa
Đảm bảo phòng của trẻ vui chơi thông thoáng nhưng không có gió lùa, đề phòng virus gây bệnh hô hấp phát tác.
Không nên đóng cửa phòng suốt cả ngày bởi sẽ khiến không khí nhà bạn bị khô, lưu thông kém. Vào lúc trời ấm áp nhất trong ngày, nên mở cửa sổ để không khí lưu thông.
4. Vệ sinh cơ thể thường xuyên
- Tắm hàng ngày: Nhiều phụ huynh sợ con bị lạnh mà khi trời bắt đầu chuyển lạnh thường hạn chế tắm cho trẻ. Tuy nhiên, đây không phải cách chăm sóc sức khỏe của trẻ lành mạnh, thậm chí đó còn là sai lầm. Trẻ vẫn cần được tắm hàng ngày.
Với trẻ sơ sinh, việc tắm hàng ngày giúp trẻ loại bỏ gây bám, thông thoáng lỗ chân lông, da không bị viêm nhiễm. Với trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học, cả ngày vận động trong phòng kín cũng có thể khiến trẻ vẫn đổ mồ hôi hoặc ngứa ngáy
Lưu ý khi tắm: Tắm cho trẻ trong phòng kín, thời gian tắm không nên quá 10 phút. Nguyên tắc tắm từ dưới lên trên, rửa chân đầu tiên, sau đó tắm dần lên phía trên và gội đầu sau cùng, gội thật nhanh sẽ giúp bé không bị cảm lạnh.
- Vệ sinh tay chân bằng xà phòng: Không phải cứ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì mới có khả năng mắc bệnh, vi khuẩn tồn tại ngay ở những vật trung gian như khăn, cốc, đồ chơi, điện thoại, tay nắm cửa... Vì vậy, cha mẹ cần tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là sau khi đi học, đi chơi về.
- Nhỏ nước muối sinh lý: Thời tiết chuyển lạnh dễ khiến mũi của trẻ bị khô, ngạt hoặc chảy mũi nước. Nước muối sinh lý chính là phương thuốc hữu hiệu. Mẹ chỉ cần ngâm lọ nước muối vào nước ấm và nhỏ vài giọt vào mũi con trước khi đi ngủ hay khi đi ra ngoài về sẽ giúp dễ thở hơn, làm sạch chất nhầy, ngăn ngừa dịch mũi chảy xuống cổ họng.
5. Vận động ngoài trời vào lúc thời tiết ấm áp
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc ở trong phòng kín lâu ngày dễ khiến trẻ mắc bệnh hơn. Vì thế, ngay cả khi trời chuyển lạnh, bố mẹ vẫn nên cho trẻ ra ngoài vận động vào lúc thời tiết ấm áp, ít gió để trẻ thích nghi với điều kiện thời tiết bên ngoài, tăng sức đề kháng. Thời điểm lý tưởng là vào khoảng 8-10 giờ sáng và 3-5 giờ chiều.
6. Tăng cường các món giàu vitamin và canxi
Để tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch cho trẻ, các mẹ cần xây dựng thực đơn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Một số món ăn nên được bổ sung cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa bao gồm: nước cam, hoa quả, sữa chua; thực phẩm chứa kẽm và selen – 2 vị chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất như thịt bò, hàu sữa, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ...