Khi trẻ sốt cao dẫn tới co giật, nhiều người nhanh chóng cạy miệng trẻ, cố nhét ngón tay hoặc thìa cứng chèn hai bên răng để trẻ đỡ cắn lưỡi. Liệu điều này có đúng?
Khuyến cáo mới khi chăm trẻ sốt
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, ngày 13/1, PGS.TS Nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong điều kiện thời tiết giao mùa Đông - Xuân, bệnh thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ em là viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em. Virus gây viêm đường hô hấp phát triển mạnh trong mùa lạnh, dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ vì hệ thống đề kháng của trẻ chưa hoàn chỉnh. Virus có thể khiến trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Cha mẹ thường chủ quan khi trẻ mới có các dấu hiệu như: Chảy mũi trong, sốt nhẹ, ho nên thường tự điều trị. Tuy nhiên, diễn tiến viêm phổi rất nhanh, có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ, nhưng khi con bị khó thở, thở rít đưa đến viện thì đã bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Do đó, khi con bị sốt, ho, cha mẹ không nên tự ý cho con dùng kháng sinh mà nên đưa đi khám để điều trị đúng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sốt là một phản ứng của cơ thể, nếu sốt không ảnh hưởng đến sinh hoạt, không làm em bé quá mệt, bứt rứt, khó chịu, khóc lóc, chán ăn thì không chữa sốt cách đó mà để tự nhiên sẽ khỏi. “Với những em bé sốt nhẹ không ảnh hưởng sinh hoạt chung thì phần lớn những bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Đề cập đến một sai lầm không chỉ phụ huynh mà nhân viên y tế đôi khi cũng mắc phải là cho dùng xen kẽ các loại thuốc hạ sốt, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phổ biến nhất là paracetamol và ibuprofen. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, đây là sai lầm. “Tuyệt đối không được dùng xen kẽ để hạ sốt nhanh cho trẻ vì nó có khả năng gây ngộ độc cao do dễ nhầm lẫn liều lượng (liều lượng của paracetamol cao gấp rưỡi ibuprofen), thời điểm dùng (với paracetamol, cách 4 - 6 tiếng trẻ uống một lần, còn với ibuprofen là 6 - 8 tiếng)”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Với biện pháp hạ sốt bằng cách nhét thuốc qua hậu môn trẻ, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cần lưu ý paracetamol hấp thu qua niêm mạc trực tràng tốt, nhưng không hấp thu thường xuyên, lúc được lúc không, có khi lần này hạ sốt tốt nhưng lần sau lại không. Hơn nữa, nhét vào hậu môn trẻ, nếu trong trực tràng có phân thì không có tác dụng gì. Đặc biệt, liều lượng nhét thuốc hạ sốt qua đường hậu môn là liều cố định, không bao giờ được bẻ thuốc hay nhét 2 viên một lúc, niêm mạc của trẻ chỉ đủ lượng tiếp xúc một viên mới thấm được. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý, chỉ khi nào nhiệt độ của trẻ trên 38,50C mới được coi là cao và cách đo nhiệt độ duy nhất là ở nách, không đo ở miệng, trán hay hậu môn, cũng không có chỉ số cộng trừ 0,50C như ngày trước.
Khi trẻ sốt cao dẫn tới co giật, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trước kia nói rằng phải nhanh chóng cho cái gì đó vào chèn hai bên răng để trẻ đỡ cắn lưỡi. “Tuy nhiên, hiện nay khuyến cáo mới là không cố cho ngón tay hay bất kỳ vật gì khi trẻ đang giật, bởi trẻ có thể cắn nát ngón tay, hơn nữa cũng không có ý nghĩa gì trong cấp cứu. Khi trẻ đang co giật thì không nên làm gì, để yên một lúc đợi cằm trẻ mềm ra, lúc đó cho khăn mềm nhỏ vào miệng trẻ để đề phòng cơn co giật tiếp theo”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo. Ngay lúc trẻ co giật, cha mẹ cần bế nghiêng người trẻ để các đờm dãi chảy ra ngoài, tránh trường hợp trẻ bị sặc. Cùng đó, không được day, vuốt trẻ, luôn giữ đầu trẻ thẳng, không được gập để trẻ thở tốt.
Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân rất lớn, tiêu dùng thực phẩm tăng, cộng thêm yếu tố thời tiết chuyển mùa ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, lây lan. Cũng vì thế, các dịch bệnh do tiếp xúc, ăn uống hay bệnh do thời tiết chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp. Các bệnh, dịch bệnh dễ bùng phát nhất trong thời điểm này là cúm, cúm gia cầm, sởi, rubella, thủy đậu, quai bị... Những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi rất dễ nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, những bệnh, dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, Zika cũng vẫn đang diễn biến “nóng”. Ở Việt Nam, đến nay đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm virus Zika tại 11 tỉnh, thành phố. Qua lấy mẫu xét nghiệm của 205 bà mẹ mang thai, cũng đã phát hiện có 28 ca dương tính với virus này. Tại TPHCM, với gần 190 ca, chỉ còn một huyện duy nhất chưa ghi nhận ca nào mắc virus Zika. Còn dịch sốt xuất huyết trong năm 2016 có số mắc tăng, cả nước ghi nhận hơn 110.800 ca (tăng 1,9% so với năm 2015), với 36 ca tử vong.
BS Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, thời tiết như hiện nay khiến virus cúm bùng phát mạnh, trong khi hệ miễn dịch của mỗi người đều yếu đi. Do đó, người dân rất dễ mắc cúm. Có rất nhiều chủng cúm khác nhau như: Cúm B, cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và nhiều các bệnh cúm gia cầm khác như: Cúm A/H5N1, cúm A/H7N9… Cảm cúm thường gây khó chịu cho người bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chóng mặt, đau đầu, đau người.
Hầu hết mọi người đều nghĩ cúm không nguy hiểm nên tự điều trị. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng như viêm cơ tim, viêm phổi, gây suy hô hấp nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nếu bệnh nhân tự điều trị cảm cúm bằng các thuốc không cần kê đơn thông thường mà không giảm sốt, khó thở thì cần đi viện để được khám và điều trị kịp thời.
Để phòng chống các bệnh, dịch bệnh dễ xảy ra và có nguy cơ bùng phát cao trong thời điểm này như dịch cúm mùa, cúm gia cầm, các bệnh lây truyền qua an toàn thực phẩm, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Mỗi người dân cần giữ gìn đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh…