Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè là tình trạng thường gặp khi thời tiết trở lạnh, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị kịp thời. Vì vậy, mẹ cần theo dõi sát sao khi trẻ gặp phải tình trạng này.
- Mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở chân?
- Trẻ sơ sinh bị lang ben phải làm sao để khắc phục
Theo thống kê gần đây, mỗi năm có hàng triệu trẻ em tử vong do nghẹt mũi thở khò khè vì viêm đường hô hấp, trong đó 98% ở các quốc gia đang phát triển. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè thường hay quấy khóc, bỏ ăn và đòi bế liên tục, tiếng thở bất thường vì các phế quản đã bị viêm nhiễm, xuất hiện dịch gây phù nề, co thắt, tắc nghẽn và cản trở đường lưu thông của không khí khiến việc hô hấp trở nên khó khăn. Lúc này, mẹ cần tiến hành một số biện pháp can thiệp đơn giản để giúp trẻ dễ chịu hơn.
Trẻ bị nghẹt mũi thở khò khè mẹ nên làm gì?
Khi thấy con có những biểu hiện nghẹt mũi, thở khò khè, mẹ nên:
Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối
Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước mũi sinh lý sẽ giúp làm sạch các chất nhầy, sát khuẩn, khiến mũi thông thoáng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở. Bên cạnh đó giúp ngăn ngừa các vi khuẩn khoang mũi tấn công khiến bệnh nặng hơn. Nước muối sinh lý mẹ có thể mua ở những tiệm thuốc tây hoặc trong siêu thị, vệ sinh khoảng 3-5 lần/ngày, đặc biệt là trước khi cho bú và đi ngủ.
Cách nhỏ mũi: Mẹ hãy bế bé nằm ngửa rồi nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi, sau đó chở khoảng vài phút, dùng khăn lau sạch nước muối thừa chảy ra ngoài.
Hút mũi cho trẻ
Sau khi tiến hành nhỏ nước muối thì mẹ hãy hút mũi cho trẻ để lấy bớt dịch nhầy trong khoang mũi ra ngoài. Đây là cách chữa khò khè mũi ở trẻ sơ sinh nhanh chóng, giúp trẻ dễ lưu thông đường thở. Các mẹ cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ hút mũi chuyên dụng trước khi thực hiện.
Xông hơi
Hơi nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ, đồng thời cung cấp độ ẩm làm cho mũi của trẻ ấm hơn. Mẹ có thể cho trẻ xông hơi bằng máy chuyên dụng hoặc xả nước nóng vào chậu, bế bé sao cho ngửi được nước bốc lên là được.
Bổ sung độ ẩm không khí trong phòng
Vào mùa đông không khí thường khô khiến cho trẻ dễ bị nghẹt mũi. Vì thế, bạn nên bổ sung độ ẩm không khí bằng cách chạy máy giữ ẩm để lỗ mũi của trẻ không bị khô, bớt đau rát, ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp xảy ra.
Nâng cao đầu của trẻ khi ngủ
Việc nâng cao đầu khi ngủ phần nào cũng giúp trẻ dễ thở hơn. Vì vậy, mẹ nên đặt một chiếc khăn bên dưới đầu trẻ để có thể nâng cao hơn một chút, giúp thông mũi, không khí dễ lưu thông.
Tắm cho trẻ bằng nước ấm có nhỏ 1-2 giọt tinh dầu: Mẹ có thể dùng dầu bạc hà, dầu tỏi, dầu bưởi hoặc dầu tràm để cho vào nước tắm cho con. Việc hít thở hơi nước có tinh dầu sẽ giúp mũi bé dễ thông hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ bị dị ứng tinh dầu thì mẹ không nên thực hiện biện pháp này.
Nguyên nhân trẻ em bị nghẹt mũi thở khò khè
Trẻ bị nghẹt mũi thở khò khè có thể là do một số nguyên nhân sau đây gây ra:
Hen suyễn
Hen suyễn là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em, theo ước tính của WHO, trên thế giới có khoảng 235 triệu người bị bệnh hen suyễn. Khi trẻ em mắc phải bệnh này thường hay bị nghẹt mũi, thở khò khè, 80% trường hợp tử vong do hen suyễn xảy ra ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Hen suyễn là bệnh di truyền, đây là tình trạng viêm mãn tính đường thở khiến cho hệ hô hấp nhạy cảm với các chất kích thích như khói bụi, khói thuốc, phấn hoa...
Viêm tiểu phế quản
Đây cũng là một căn bệnh nguy hiểm đối với hệ hô hấp của trẻ. Viêm tiểu phế quản khiến cho các cuống phổi nhỏ hay các tiểu phế quản bị viêm nhiễm cấp tính, dễ bị xẹp lại, làm hẹp đường thở, gây tắc nghẽn quá trình lưu thông của không khí khiến trẻ khó thở, thở khò khè, thậm chí là thiếu oxy và suy hô hấp, dễ tử vong nếu như không được chữa trị kịp thời.
Viêm phổi
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, thở khò khè cũng có thể là do viêm phổi gây ra, làm nhiễm trùng đường hô hấp nặng, tổn thương mô phổi. Lúc này các phế nang có nhiều dịch nhầy và mủ khiến trẻ thở khò khè, suy hô hấp. Mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, trẻ bị cảm lạnh, có dị vật trong mũi… cũng gây nên tình trạng này.
Cách phòng ngừa trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Để phòng ngừa trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm, mẹ cần:
Vệ sinh cơ thể của trẻ hàng ngày: Vệ sinh cho trẻ hàng ngày giúp diệt khuẩn, ngăn ngừa lây nhiễm bệnh tật. Vì vậy, mẹ hãy tắm cho bé bằng xà bông diệt khuẩn, rửa mắt, mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý sau khi chơi ngoài trời hoặc tiếp xúc với người lạ.
Vệ sinh phòng ở của trẻ: Trẻ cần được sống trong môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, chính vì vậy phòng của bé cần thông thoáng, nhưng vẫn đảm bảo kín gió khi trời trở lạnh. Bên cạnh đó mẹ cần thay giặt ga gối, chiếu đệm của trẻ thường xuyên để bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Mẹ cần cho bé ăn uống đủ chất, bú sữa đúng giờ để nâng cao sức đề kháng, trẻ không bị cảm lạnh, vi khuẩn tấn công gây cảm cúm, sốt, nghẹt mũi, thở khò khè. Chính vì vậy, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời để trẻ hoàn thiện sức đề kháng, hệ tiêu hóa và trí thông minh, vì không một sản phẩm nào có thể thay thế sữa mẹ.
Phòng tránh các nguồn lây nhiễm: Trong các thời điểm giao mùa các đợt dịch thường bùng phát, mẹ không nên cho bé tiếp xúc ở những nơi đông người. Nếu phải đi ra ngoài, mẹ hãy đeo khẩu trang, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Bên cạnh đó, trẻ cần được đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.
>>> Xem thêm:
- Hướng dẫn cách chữa nghẹt mũi bằng bấm huyệt đơn giản, an toàn tại nhà
- Khi trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ phải xử lý thế nào?
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè
Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè, mẹ cần chú ý một số điều sau đây:
+ Tuyệt đối không được rửa mũi băng xi lanh, kích thích ho đờm cho trẻ, bởi đây là thủ thuật của các bác sĩ chuyên khoa, nếu thực hiện sai cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm mũi họng.
+ Các mẹ cũng không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
+ Không hút mũi cho trẻ bằng miệng vì biện pháp này tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây bệnh, gây nhiễm khuẩn cho đường hô hấp của trẻ.
+ Đối với trẻ bị ngạt mũi do cảm lạnh, không nên quấn trẻ quá kỹ khiến trẻ nóng khó chịu.
+ Với trường hợp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè kéo dài, dù đã áp dụng các biện pháp tại nhà như: nhỏ nước muối sinh lý, hút mũi, tăng độ ẩm phòng… mà vẫn không thuyên giảm, đồng thời kèm theo các triệu chứng như sốt, co giật, quấy khóc nhiều, chảy máu mũi thì mẹ cần đưa trẻ đến viện khám càng sớm càng tốt.
Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp các bậc phụ huynh biết được các nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh nhanh nhất. Để từ đây có cái nhìn tổng quan về tình trạng này, tránh chủ quan để bệnh kéo dài, gây ra những hệ lụy nguy hiểm.