Trẻ sơ sinh bị ho có phải là bệnh lý không và đâu là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho. Hãy cùng lắng nghe Bác sĩ Nguyễn Thu Hà phân tích.
- Nhà có trẻ thuộc 3 con giáp này bố mẹ lúc nào cũng giàu sang, hạnh phúc lâu bền
- Phát hiện bệnh lao ở trẻ em
1. Khi nào thì trẻ sơ sinh bị ho?
Theo BSCK I Nguyễn Thu Hà ho là một phản xạ tự nhiên của đường hô hấp, dù đó là người lớn hay trẻ nhỏ như trẻ sơ sinh. Ho lâu nay vẫn được là một phản ứng bảo vệ và đương nhiên nó không gây hại. Trừ khi ho quá mức thì nó lại là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy về sau.
Ho sẽ xuất hiện khi đường thở bị sưng phù nề. Ví dụ khi viêm mũi trẻ cũng có thể ho, viêm họng trẻ cũng ho, viêm tuyến bạch huyết dọc đường thở bé cũng ho. Tất cả những nguyên nhân nào làm sưng nề đường hô hấp đều khiến trẻ bị ho.
Khi dịch đờm có mặt ở đường thở cũng làm cho trẻ ho. Dù đó là dịch đờm trong, xanh hay vàng thì đều gây ho. Dịch đờm bám vào đường hô hấp, làm kích thích đường thở, bám vào lớp lông chuyển làm dính lớp lông này. Hậu quả là trẻ sơ sinh sẽ ho rũ rượi.
Ví dụ như các bé bị viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn vùng hầu họng sẽ gây ra ho dạng này.
Ho còn xuất hiện khi đường thở bị chít hẹp. Vì một lý do nào đó, đường thở của trẻ sơ sinh bỗng dưng bị hẹp lại thì bé yêu sẽ ho không dứt. Đường thở bị hẹp lại do dịch đờm tiết ra nhiều quá, cũng có khi sưng nề lớn quá khiến cho bé không khỏi khó chịu. Cứ nằm xuống là ho rũ rượi, ho như cuốc, ho đến nôn ọe.
Một số ít nguyên nhân gây ra chít hẹp là do các khối u ngoài đường thở chèn vào. Nhưng nhóm bệnh lý này gặp một tỷ lệ rất thấp ở trẻ em. Thường là các khối u bẩm sinh hoặc do dị tật trong lồng ngực.
Nhiều trẻ sơ sinh bị ho do khối u chèn đường thở thường khóc thét vì khó chịu (Ảnh minh họa)
2. Yếu tố nguy cơ khiến bé sơ sinh bị ho
Ngay khi thấy trẻ sơ sinh có dấu hiệu ho, cha mẹ hãy theo dõi tiếng ho đó để từ đó xác định nguyên nhân, có phương án can thiệp hiệu quả.
Trẻ bị dị ứng với gió hoặc không khí lạnh
Hầu hết, trẻ ho nhiều mỗi khi có gió mùa hoặc không khí lạnh về. Lẽ thường, khi bị lạnh, đường thở sưng lên và kích thích các cơn ho xót ruột. Với những trẻ ho do nguyên nhân này thường không có biểu hiện rõ rệt, không sốt, không chảy nước dãi, chỉ ho khan. Cơn ho khan thường nhẹ và không mấy khi ho rũ rượi kéo dài.
Cảm cúm
Ho do cảm cúm thường sẽ do virus cúm gây ra. Virus cúm có phổ biến gây bệnh ở đường hô hấp nên cảm cúm rất hay có ho. Điểm dễ nhận dạng ở loại ho này là ho là có sốt, có chảy mũi dịch trong, có ho khan, không có khó thở.
Viêm mũi
Ho do viêm mũi là do dịch mũi của trẻ chảy xuống họng. Ho dạng này có đặc điểm ho khan, hay có chảy mũi, có thở khò khè ngay cổ họng, tiếng thở khụt khịt và bé hay nằm lăn bên này lăn bên kia để thở. Ở những trường hợp ho do viêm mũi, một số bé cáu quá khóc lên như để xả cơn khó chịu.
Viêm họng
Ho dạng viêm họng là loại ho hay kèm theo dịch đờm. Có một số trẻ ho khan tuy nhiên tỷ lệ không lớn. Khi ho do viêm họng, trẻ sẽ sốt kèm theo khó thở. Ho thủng thẳng 2-3 tiếng, ít khi ho cơn nhưng tần suất ho thì lặp lại liên tục cả ngày. Đi ngủ thì bé đỡ ho hơn.
Viêm tai giữa
Trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa cũng có thể dẫn đến ho, lý do là bởi dịch mủ chảy xuống họng gây ra ho. Điểm dễ nhận biết chính là việc dịch mủ chảy ra tai khiến trẻ khó chịu. Khi ho thì cơn đau tai có dấu hiệu thuyên giảm.Trong trường hợp này, nhiều trẻ chảy mủ viêm tai nhưng không sốt nên sốt không được coi là dấu hiệu đặc trưng.
Viêm phế quản
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phế quản có thể có sốt hoặc không có sốt. Nếu có sốt thì trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus hoặc nhiễm cả hai và lan xuống phế quản. Nếu không sốt thì đường thở của bé bị lạnh và tiết dịch.
Với những bé sơ sinh bị ho do viêm phế quản thì tiếng ho ban ngày và ban đêm như nhau, ho theo cơn, thường có dịch đờm thậm chí hay gây ra nôn trớ. Nhiều trẻ ho rít lên giống như con mèo hen.
Viêm phổi
Bệnh này thường do vi khuẩn loại phế cầu khuẩn gây ra. Cũng có khi do vi khuẩn Hemophilus influenzae typ B hay còn gọi là Hib gây ra. Một số trẻ khác thì do vi cúm hoặc vi rút cúm gia cầm gây ra.
Nhìn chung đã viêm phổi thì bé sẽ thường xuyên có sốt, có khó thở, có ho dữ dội, ho theo cơn, ban ngày và ban đêm ho như nhau. Bé thường có lầy nhầy dịch ở mũi, miệng, họng. Khi nôn trớ thì dịch đờm ra từng tràng dài.
Dựa vào những biểu hiện đặc trưng kể trên, các mẹ có thể nhận biết được trẻ nhà mình ho do đâu. Tất nhiên, không thể chỉ dựa vào mỗi tiếng ho để chẩn đoán. Nếu bé bị ho loáng thoáng vài cái, ho khan các mẹ đừng quá lo lắng mà hãy giữ ấm, không ra đường và chống cảm cúm là bé sẽ hết.
Bác sĩ Hà nhấn mạnh, nếu các mẹ đã tìm đủ mọi giải pháp mà trẻ vẫn không cải thiện sau 2-3 ngày, hay tự nhiên bé xuất hiện ho đờm và khó thở, khi đó hãy đưa trẻ đến gặp bác sỹ kịp thời.
3. Bé sơ sinh bị ho chữa như thế nào?
“Khi trẻ sơ sinh đã có dấu hiệu ho, ít hay nhiều cần đưa đi bác sỹ kiểm tra vì có thể con đã bệnh nặng như viêm phổi” - BSCK I Nguyễn Thu Hà nói.
Ho là triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới nhiều hơn, ho trong viêm đường hô hấp trên có thể do tình trạng tăng tiết nhiều đờm dãi hoặc co thắt đường hô hấp trên vì vậy tùy theo cơ chế để sử dụng thuốc cho trẻ, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
Nếu ho có kèm theo nôn ra đờm, có thể là dấu hiệu bệnh nặng, không nên điều trị tại nhà, nên đưa trẻ đi khám và được kê toa của bác sỹ.
4. Trẻ sơ sinh bị ho có nguy cơ biến chứng gì không?
Nếu không để ý hoặc không điều trị kịp thời:
- Trẻ có thể viêm phổi rất nặng, đe dọa tính mạng
- Có thể nhiễm trùng huyết
- Viêm màng não do vi khuẩn hoặc mất nước do nôn quá nhiều…
5. Phòng ngừa bé sơ sinh bị ho
Cho trẻ bú sữa mẹ
Với trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn kém nên khả năng bị ho thường sẽ rất cao. Do đó, việc các mẹ cần cho con bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ là một điều hết sức quan trọng.
Hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người
Để phòng tránh trẻ sơ sinh ho, cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ đến những chỗ đồng người, chẳng hạn như công viên, trung tâm mua sắm... bởi ở đó có những mầm mống gây bệnh có thể truyền nhiễm cho bé.
Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ sơ sinh
Tiêm chủng là cách an toàn nhất để bảo vệ trẻ sơ sinh, đối tượng mà sức đề kháng kém dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Chủng ngừa giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh và giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi những biến chứng nguy hiểm.
Chăm sóc tốt cho trẻ vào những thời điểm giao mùa
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh tương đối thấp do đó khi thời tiết thay đổi các tác nhân gây bệnh sẽ càng phát triển mạnh làm cho bé dễ bị ho. Vì thế, ở những thời điểm giao mùa, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc bé cẩn thận hơn.
Vào mùa đông trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến tình trạng ho, hắt hơi, sổ mũi, nóng sốt… vì thế bố mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ nhưng tuyệt đối không ủ ấm quá mức.
Tạo môi trường sống sạch sẽ thoáng mát
Các chất bụi bẩn, độc hại chứa rất nhiều vi khuẩn có hại và chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường hô hấp. Chính vì thế, mẹ nên tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Đây là biện pháp đơn giản để phòng tránh sự lây lan của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh truyền nhiễm và triệu chứng ho ở trẻ sơ sinh.
BSCK I Nguyễn Thu Hà khuyến cáo, với các em nhỏ đang trong đội tuổi tập bò, tập đi thích tự mình khám phá mọi thứ xung quanh, mẹ càng cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ, vệ sinh răng lợi tốt cho bé cũng là một biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp.
Trong gia đình có người bị bệnh nên cách ly phòng riêng với trẻ sơ sinh và tránh các cử chỉ âu yếm bé như ôm hôn, bồng bế hay nằm chung. Trẻ cũng cần hạn chế tiếp xúc với người bị ho hoặc cảm cúm.
BSCK I Nguyễn Thu Hà – Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh