Bé trai 3 tuổi bỗng mù lòa, co giật vì sai lầm của bà ngoại - lời cảnh tỉnh tới tất cả các bậc phụ huynh.
- Để mặc con đói sẽ tự đòi ăn - Bác sĩ dinh dưỡng chỉ ra 1 số hiểu lầm tai hại khi cha mẹ áp dụng cách này
- Chào đời có số cân nặng thế này chứng tỏ đây là đứa trẻ thông minh
Vụ việc xảy ra tại huyện Tuy Ninh, Từ Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) khiến cậu bé Ruirui 3 tuổi phải chịu cảnh mù lòa từng làm bao người dân nơi đây không khỏi xót xa. Ruirui ở với ông bà vì bố phải đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Còn mẹ của cậu bé đã qua đời lúc sinh con. 10h sáng ngày 19/8, cậu bé lên giường nằm ngủ sau khi được ông bà cho ăn sáng. Đến khoảng 12h trưa, ông của cậu bé lại gọi cháu dậy ăn trưa nhưng thấy cháu vẫn nằm ngủ say nên ông đã để cháu ngủ thêm một lát. Đến 4h chiều cùng ngày, ông mới phát hiện mặt cháu đã tái mét và cơ thể co giật.
Bà He (người bà của cậu bé) cho biết, tối hôm trước (18/8) khi thấy bà lấy lọ thuốc uống, cháu bẽ đã tò mò nên hỏi bà uống gì. Lúc đó bà đang uống thuốc tiêu chảy và dặn “cháu không ăn được” rồi đặt nó vào trong tủ lạnh. Trong lúc bà không để ý, cậu bé đã nghịch ngợm, bắc ghế lên và mở tủ lạnh ra để lấy lọ thuốc của bà. Ngày hôm sau, bà phát hiện lọ thuốc gần 100 viên của mình đã “không cánh mà bay” nên đã tra hỏi đứa cháu, có lẽ sợ hãi vì bị trách phạt nên Ruirui đã lắc đầu phủ nhận.
Chiều 19/8, Ruirui được ông bà đưa vào trạm xá thị trấn nhưng phải chuyển lên bệnh viện huyện ngay lập tức. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện Tuy Ninh cũng phải lắc đầu nên 4h sáng sớm 20/9, cậu bé được chuyển thẳng lên bệnh viện Nhi Từ Châu. Tại đây, các bác sĩ phải mất 18 tiếng đồng hồ để rửa ruột và cấp cứu cho cậu bé. Họ cho biết, loại thuốc mà bà cậu bé sử dụng không có vị đắng như thông thường nên có nhiều khả năng Ruirui đã nuốt hết 95 viên thuốc ấy vào bụng và bị ngộ độc.
Ngày 25/8, sợ không thể thanh toán được chi phí y tế, hai bà cháu cậu bé đã “trốn” viện và sau đó đưa bé đến bệnh viện thị trấn để truyền dịch. Đêm hôm đó cậu bé vẫn còn có thể gọi bà nhưng vào buổi trưa ngày hôm sau, tình trạng của Ruirui xấu đi. Gia đình ngay lập tức trở lại Bệnh viện Nhi Từ Châu và sau đó được chuyển đến khoa phục hồi chức năng.
9/10, được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm và các tổ chức tình nguyện từ Nam Kinh, Ruirui được đưa tới Bệnh viện Nam Kinh để điều trị. Vài ngày sau đó, bé mới tỉnh lại nhưng cậu bé đã không thể đứng vững, mắt cũng không thể nhìn rõ. Bác sĩ cho biết cậu bé đã bị tổn thương não vĩnh viễn và phải chịu cảnh mù lòa.
Nên để thuốc xa tầm tay trẻ em
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Đình Qui (Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2), những trường hợp trẻ bị ngộ độc do uống nhầm thuốc là lời cảnh báo để phụ huynh quan tâm đến việc bảo quản thuốc trong gia đình một cách cẩn trọng hơn. Để làm được điều này, phụ huynh cần ghi nhớ là phải luôn luôn “để thuốc xa tầm tay trẻ em”.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc bảo quản thuốc ở nơi an toàn, nhằm tránh nguy cơ trẻ uống nhầm gây ngộ độc thuốc là điều vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình. Bởi lẽ ngoài tác dụng chữa bệnh, một khi uống nhầm thì thuốc sẽ gây ra những tác hại không nhỏ cho sức khỏe của trẻ, thậm chí nếu không được cấp cứu kịp thời trong trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong.
Chẳng hạn như khi uống nhầm thuốc giảm đau, hoặc thuốc kháng sinh sẽ làm tổn hại đến hệ thống tạo máu của trẻ. Tương tự, hệ thần kinh của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu trẻ uống nhầm thuốc an thần... Trong trường hợp phát hiện trẻ uống nhầm thuốc kèm theo các dấu hiệu buồn nôn, nôn ói, đau bụng, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn tim mạch, tím tái, co giật, khó thở, lừ đừ, hôn mê… phụ huynh cần quan sát loại thuốc và số lượng trẻ đã sử dụng nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho các bác sĩ.
Tuy nhiên, trước khi đưa con đến bệnh viện, phụ huynh cần thực hiện sơ cứu căn bản bằng cách giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Nếu bé còn tỉnh táo, phụ huynh cần dùng ngón tay kích thích cổ họng giúp bé nôn trớ (tuyệt đối không gây nôn nếu trẻ đang co giật, hôn mê).