Dù hiện tại bạn có mong muốn có thai hay không, tất cả chúng ta đều nên tìm hiểu các kiến thức cơ bản về sinh sản, đặc biệt là 8 sự thật bất ngờ mà rất ít người biết dưới đây.
- Đừng nuông chiều bản thân nữa, khoa học đã khẳng định phụ nữ béo thật sự sẽ khó thụ thai!
- Sau khi thụ thai bao lâu thì trứng làm tổ, mẹ bầu đã biết chưa?
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau về việc mang thai. Thế nhưng tất cả chúng ta đều nên tìm hiểu về các kiến thức sinh sản.
Chính vì thế, cùng với cố vấn kiến thức là bác sĩ Dominic Rowlet, Giám đốc y tế của Lets Get Checked, trang The Cosmopolitan đã chia sẻ 8 sự thật bất ngờ về vấn đề sinh sản mà ít người biết đến.
1. Khả năng sinh sản của bạn giảm dần khi bạn già đi
Khả năng sinh sản của bạn phụ thuộc phần lớn vào trữ lượng trứng trong tử cung của bạn, đặc biệt là sự sẵn có của những quả trứng khỏe.
Khi bạn ngày càng già đi, trữ lượng trứng cũng giảm dần, điều đó có nghĩa là tinh trùng có ít trứng để tiếp cận hơn. Đồng thời, chất lượng trứng của bạn cũng suy giảm đi so với khi còn trẻ. Kể từ tuổi 35, khả năng sinh sản ở phụ nữ sẽ bắt đầu suy giảm.
2. Thuốc tránh thai không thể khiến bạn vô sinh
Đây là một câu hỏi rất phổ biến. Phần lớn phụ nữ sẽ nhận thấy chu kì thông thường của họ sẽ tự nhiên trở lại chỉ một vài tháng sau khi họ ngừng thuốc. Có lẽ bởi vì sau khi dừng thuốc, những người sử dụng cảm thấy mình khó thụ thai nên nghĩ rằng vấn đề là do những vỉ thuốc tránh thai.
3. Cân nặng có thể ảnh hưởng khả năng có thai của bạn
Béo phì đã được chứng minh làm suy giảm khả năng sinh sản ở cả nam lẫn nữ - tương tự như hút thuốc. Lượng nicotin chứa trong thuốc lá làm tăng hoạt động bài tiết trong tế bào của ống dẫn trứng, khiến cho trứng thụ tinh không thể tách khỏi ống dẫn trứng để đến tử cung.
4. Nhiễm trùng lây qua đường tình dục nếu không được điều trị có thể dẫn đến vô sinh
Thực tế, 80% số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể diễn biến âm thầm trong nhiều năm, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sau. Ở phụ nữ, nhiễm Chlamydia và lậu có thể gây hậu quả nghiêm trọng như viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease - PID), chửa ngoài tử cung và vô sinh. Khoảng 10-15% phụ nữ mắc bệnh Chlamydia sẽ bị viêm vùng chậu.
5. Việc có thai không dễ như bạn tưởng
Thông thường, trong một tháng, một cặp đôi khỏe mạnh chỉ có khoảng 20% cơ hội thụ thai thành công. Vì thế, nếu mong muốn có thai, bạn nên chuẩn bị sẵn tinh thần rằng việc thụ thai thường không thành công trong một vài tháng đầu tiên.
6. Tập luyện quá nhiều có thể làm giảm khả năng mang thai
Nếu bạn đang cố gắng thụ thai, bạn cần tránh tập thể dục cường độ mạnh thường xuyên. Những bài tập cường độ mạnh kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến chu kì hàng tháng của phụ nữ, dẫn đến việc không rụng trứng hoặc những vấn đề sinh sản khác. Vì thế, thay vì các bài tập mạnh và liên tục, bạn hãy chuyển sang các bài tập nhẹ nhàng khác như đi bộ hay tập yoga, kết hợp cùng với chế độ ăn uống lành mạnh.
Nếu cơ thể bạn bị suy dinh dưỡng hoặc tập luyện quá mức, bạn sẽ không thể có kinh nguyệt. Vì thế, tốt nhất bạn hãy cố gắng duy trì lối sống khỏe mạnh, cố gắng giữ chỉ số BMI của cơ thể trong khoảng từ 19 đến 25 điểm.
7. Khả năng sinh sản có nhiều điểm tương đồng giữa những thành viên trong gia đình
Hiểu biết về "lịch sử" của gia đình có thể giúp bạn xác định được phần nào về khả năng sinh sản của mình, đặc biệt là sự tương đồng giữa bố - con trai và mẹ - con gái.
Chẳng hạn như, nếu mẹ bạn đã phải rất vất vả để thụ thai tự nhiên, hoặc nhiều lần sảy thai, bạn cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho những điều tương tự có thể xảy ra với bản thân mình.
8. Có rất nhiều cách xác định khả năng sinh sản của bạn
Để kiểm tra khả năng sinh sản của mình, bạn có thể làm xét nghiệm đo dự trữ trứng của buồng trứng. Xét nghiệm này sẽ đo nồng độ AMH (Anti Mullerian Hormone) trong máu. AMH được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. Do đó, nồng độ AMH cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng, hay còn gọi là dự trữ buồng trứng.