Tắm lá vối cho trẻ sơ sinh không còn là phương pháp xa lạ đối với các bà mẹ để chữa trị các bệnh ngoài da cho con. Tuy nhiên, phương pháp này có hiệu quả hay không? Liệu có an toàn cho sức khỏe của trẻ nhỏ? Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ trả lời câu hỏi có nên tắm nước lá vối cho trẻ sơ sinh hay không?
- Trẻ bị nổi mề đay tắm lá gì là tốt nhất?
- Bé rất thích ăn bánh kẹo trong ngày Tết, chuyên gia mách cha mẹ cách hạn chế đơn giản
Nội dung bài viết:
Đặc điểm của lá vối
Thành phần hóa học có trong lá vối
Tắm lá vối cho trẻ sơ sinh có được không?
Hướng dẫn cách tắm lá vối cho trẻ sơ sinh
Những lưu ý khi cho trẻ sơ sinh tắm nước lá vối
Đặc điểm của lá vối
Trước khi đi vào chủ đề tắm lá vối cho trẻ sơ sinh, các mẹ cần trang bị cho mình một số kiến thức để hiểu rõ hơn về loài cây này. Cây lá vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Cây lá vối hay còn gọi là cây vối, thuộc loại cây thân gỗ, có chiều cao từ 10 - 15m, vỏ thân cây có màu nâu xám, nứt dọc và phân cành. Cành non dẹt, sau thành hình trụ, có lớp vảy.
Lá vối mọc đối, phiến lá có hình bầu dục, hai mặt lá đều có màu xanh lục nhạt, có đốm nâu, dài 9 – 18cm, rộng 4 – 8cm. Đầu lá nhọn, gốc lá thuôn, mép lá không có răng cưa, không có lông, có gân lá 8 – 10 đôi. Cuống lá dài 3 – 4mm, có cánh ở phía đỉnh.
Hoa mọc thành cụm, cụm hoa có hình chùy thường mọc ở nách lá đã rụng. Hoa vối không có cuống, có màu trắng hoặc xanh lục nhạt. Quả vối nhỏ, có hình trứng hay hình bầu dục, nhăn nheo, có đường kính 7 – 12mm, khi chín có màu tím sẫm giống quả sim, có dịch bên trong.
Lá vối, nụ vối và cành non đều có mùi thơm dễ chịu. Vối có 2 loại là vối nếp và vối tẻ. Vối nếp có lá nhỏ, màu ngà vàng, còn vối tẻ có lá to, màu xanh đậm. Khi uống, nước vối nếp đậm đà và thơm hơn vối tẻ.
Cây vối có khá nhiều ở các nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Ấn Độ, phía Bắc Trung Quốc đến Bắc Australia. Ở Việt Nam, là loại cây ưa sáng nên vối mọc tự nhiên trên các bờ ao hồ, suối và các vùng đất thấp nhiều màu mỡ.
Ngoài ra, cây vối còn được trồng ở các tỉnh Đồng Bằng và Trung du Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, các tỉnh Tây Nguyên đến Đồng Nai, Vũng Tàu…
Chồi và lá non sẽ ra nhiều trong mùa xuân hè. Cây ra hoa vào khoảng tháng 5 – 7 và quả chín vào tháng 8 – 9.
Bộ phận sử dụng là lá và nụ vối. Lá và nụ vối sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch nhựa, để ráo rồi cho vào thùng. Sau đó, dùng rơm rạ phủ lên trên lá cho đến khi lá chuyển màu đen thì lấy ra rửa sạch rồi phơi khô dùng dần. Mục đích của việc ủ lá là để phá hủy chất diệp lục trong lá, nước vối sẽ ngon hơn.
Thành phần hóa học có trong lá vối
Lá vối, nụ vối có chứa tanin, vitamin và một số chất khoáng, còn có 4% tinh dầu có mùi thơm.
Trong nụ vối có các hoạt chất (chủ yếu là polyphenol), có khả năng ức chế hoạt tính của men alpha-glucosidase, làm chậm quá trình hấp thụ đường, do đó kiểm soát đường huyết trong cơ thể.
Beta-sitosterol có trong nụ vối có khả năng điều hòa chuyển hóa cholesterol, hỗ trợ giảm mỡ máu.
Chất kháng sinh có trong lá vối diệt được nhiều loại vi khuẩn như vi khuẩn như Streptococcus, Salmonella, Bacillus subtilis…
Trong đông y, lá vối có vị đắng hơi cay, tính mát, ít độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Nước lá vối đặc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, sát trùng.
Tắm lá vối cho trẻ sơ sinh có được không?
Lá vối không còn xa lạ gì với mọi người dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, vào mùa hè uống nước vối giúp giải nhiệt, da dẻ hồng hào, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
Với các mẹ bỉm sữa, sau sinh cơ thể đang trong giai đoạn hồi phục và cần bồi bổ, việc uống 1 cốc nước lá vối mỗi ngày giúp lợi sữa, thanh nhiệt, giải độc, chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, phòng chống bệnh tiểu đường… giúp chị em nhanh chóng có lại diện mạo, vóc dáng như thời con gái.
Trong Đông y, các bộ phận như vỏ, cành, hoa và lá vối được dùng trong các bài thuốc điều trị bệnh về tiêu hóa, bệnh gout, mỡ máu… quen thuộc và hiệu quả.
Đặc biệt, phải nhắc đến khả năng tiêu độc của lá vối, rất tốt trong trị các bệnh về da như nổi đỏ, mẩn ngứa… Tắm nước lá vối cho trẻ sơ sinh là mẹo dân gian cực hiệu nghiệm để trị chứng hăm da, hăm tả, chốc đầu, mẩn ngứa…
Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn còn lo lắng liệu tắm lá vối cho trẻ sơ sinh có thực sự an toàn không. Phần sau sẽ hướng dẫn các mẹ cách sử dụng lá vối tắm cho em bé cũng như những lưu ý khi tắm lá vối cho trẻ sơ sinh để đạt hiệu quả cao mà an toàn nhất.
Theo Y học cổ truyền, nụ và lá vối là thảo dược tính mát, vị hơi đắng chát, không có độc. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong lá vối có chứa nhiều kháng sinh tự nhiên có tác dụng diệt vi khuẩn, do đó giúp cải thiện rất nhanh tình trạng hăm da ở trẻ.
Còn theo Y học hiện đại, lá vối có chứa tanin, chất chát, tinh dầu có tính kháng khuẩn cao, giúp bảo vệ niêm mạc da khỏi tổn thương… Do đó, các mẹ hoàn toàn yên tâm khi tắm lá vối cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà tắm vô ý, tắm bừa bãi, cần phải có những nguyên tắc nhất định để việc này an toàn cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Hướng dẫn cách tắm lá vối cho trẻ sơ sinh
Đầu tiên, nên dùng lá vối tươi tốt hơn vì trong nó chứa nhiều chất kháng khuẩn hơn lá khô. Nếu các mẹ đang sống ở thành phố, không có điều kiện mua lá tươi thì vẫn có thể dùng lá khô, hiệu quả không giảm quá nhiều.
Bước 1: Rửa sạch 1 nắm lá vối, ngâm với nước muối loãng hoặc thuốc tím pha thật loãng để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn.
Bước 2: Cho lá vối vào nồi nước nấu sôi vài phút. Nếu ngâm bằng thuốc tím, nên rửa lại bằng nước sạch để tránh tình trạng khi tắm con nuốt phải nước lá.
Bước 3: Tắm cho con bằng sữa tắm trước. Pha loãng nước lá vối với nước sạch, sao cho độ ấm khoảng 400C, tiến hành tắm lá vối cho bé. Dùng khăn mềm nhúng nước lá vối lau nhẹ lên các vùng da bị hăm của con, tập trung khu vực nách, bẹn, háng… Chú ý tránh chà xát mạnh làm tổn thương da.
Bước 4: Tắm qua 1 lượt nước ấm sạch rồi lau khô người cho trẻ.
Những lưu ý khi cho trẻ sơ sinh tắm nước lá vối
Chọn mua lá vối sạch, nguồn gốc rõ ràng, tránh mua loại chứa thuốc kích thích, thuốc trừ sâu.
Cần rửa thật sạch, ngâm nước muối để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn, lông tơ, trứng côn trùng trên lá vối.
Không nấu quá lâu, quá đặc khiến lượng tinh dầu đọng lại gây dị ứng, viêm da cho bé.
Pha loãng nước tắm, không pha đặc, đặc quá không tốt lại phản tác dụng. Không pha thêm bất cứ thứ gì khác vào nước tắm như muối, chanh, sữa tắm khiến bé bị xót.
Không để nước tắm nguội, phải đủ ấm, để giúp lỗ chân lông nở ra, như vậy mới tăng hiệu quả trị liệu. Ngược lại nếu để quá nguội lạnh, sẽ làm tắc mồ hôi khiến tình trạng rôm sảy nặng hơn.
Tắm cho trẻ bằng sữa tắm trước để loại bỏ chất nhờn trên da, nước lá vối chỉ có tác dụng diệt khuẩn, làm mát. Luôn tắm nước ấm lại để loại bỏ lượng bột lá còn đọng lại trên da, tránh gây kích ứng, nhiễm trùng.
Không tắm quá lâu, vài phút là đủ, lâu quá khiến nước ngấm vào da không tốt.
Sử dụng kem dưỡng ẩm toàn thân, phấn rôm bôi vào vùng đùi, bẹn sau tắm. Giữ vệ sinh làn da cho bé sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát để bé không bị rôm sảy.
Chỉ được tắm cho trẻ sau khi rụng rốn.
Tuyệt đối không tắm cho trẻ đang bị viêm da nặng, sưng tấy, trầy xước, mưng mủ. Vì có thể khiến mất lớp màng bảo vệ da, có thể làm tăng nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập, khiến tình trạng nặng thêm.
Có thể thấy, tắm lá vối cho trẻ sơ sinh là một phương pháp để điều trị các bệnh ngoài da nhẹ ở trẻ. Tuy nhiên, các mẹ nên chú ý là khi tình trạng bệnh không quá nặng mới áp dụng phương pháp này. Nếu tình trạng viêm da nặng, cần đưa bé gặp bác sĩ để có cách điều trị hiệu quả nhất.