Những thói quen tưởng chừng như vô hại khi vệ sinh mắt, mũi trẻ như dùng tăm bông, hút rửa mũi… vô tình khiến trẻ mắc những chứng bệnh trầm trọng hơn.
- Mách mẹ 5 loại thực phẩm giúp đẩy lùi cơn ho nhanh chóng ở trẻ
- Cha mẹ làm những việc này khi trẻ sốt có thể khiến con mất mạng
Khi sinh ra, các bộ phận của trẻ vẫn còn non nớt. Vì vậy, việc vệ sinh cần sự nhẹ nhàng, cẩn thận để không gây xây xát, tổn thương, nhưng phải đảm bảo sạch sẽ. Hiểu rõ điều đó, thế những nhiều bậc cha mẹ vẫn duy trì thói quen tưởng chừng như vô hại khi chăm sóc trẻ nhưng vô tình khiến trẻ mắc những chứng bệnh trầm trọng hơn. Dưới đây là những sai lầm phổ biến khi vệ sinh mắt, mũi trẻ cha mẹ cần nắm rõ để tránh.
Dùng tăm bông vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có lỗ mũi hẹp, thường hắt hơi để tống các chất nhầy trong khoang mũi ra ngoài. Vì vậy, cách tốt nhất là không cho vật gì vào bên trong lỗ mũi của bé kể cả tăm bông, có thể làm hỏng lớp lót khoang mũi, là lớp màng nhầy chứa nhiều mạch máu.
Bạn có thể làm sạch mũi cho bé khi tắm bằng cách ngâm một miếng bông vào nước ấm sạch hoặc nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng xung quanh lỗ mũi để làm sạch các chất nhầy.
Dùng chung khăn hay bông gòn cho cả 2 mắt
Khi vệ sinh mắt hay mũi cho trẻ, cha mẹ thường có thói quen sử dụng 1 chiếc khăn hay 1 miếng bông gòn vệ sinh cả 2 bên mắt và mũi lần lượt. Tuy nhiên, hành động này vô tình dẫn tới việc lây nhiễm bệnh từ mắt này sang mắt kia, làm tình trạng bệnh thêm nặng nề.
Chính vì vậy, nếu mắt bé đỏ (hoặc nhiễm khuẩn), bạn nên dùng bông gòn vệ sinh mắt cho bé và chỉ dùng một miếng cho một lần. Lau từ bên trong ra bên ngoài. Dùng miếng bông khác nếu bạn vệ sinh mắt lần hai dù cùng một bên mắt. Kiểm tra xem mắt bé đã sạch dử hay mủ chưa.
Đối với mũi cũng tương tự, cần lau mũi cho bé bằng những miếng bông nhỏ khử trùng, mỗi bên lỗ mũi dùng một miếng bông vệ sinh riêng.
Không rửa tay trước khi vệ sinh mắt, mũi cho trẻ
Nhiều bậc cha mẹ thường bỏ quên khâu vệ sinh chính đôi tay của mình trước khi chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là chăm sóc mắt và mũi trẻ. Thực tế, tay bạn đôi khi chính là cầu nối đưa vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể trẻ gây nên những chứng bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần rửa tay sạch với xà phòng sát khuẩn trước khi vệ sinh mắt cho con.
Hút hoặc rửa mũi quá nhiều lần
Khi thấy trẻ có dấu hiệu khò khè ở mũi, khó thở hoặc có đờm các bà mẹ thường hay áp dụng phương pháp hút mũi, rửa mũi liên tục. Đây lại là sai lầm mà mọi người thường mắc. Hút mũi quá nhiều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ, dẫn đến chứng viêm nhiễm trở nên nặng nề hơn.
Rửa mũi là việc đưa nước vào khoang mũi. Khi thực hiện cách này phải hết sức cẩn thận vì có thể làm trẻ sặc, nước tràn vào màn phổi, thực hiện nhiều lần có thể gây phù nề niêm mạc mũi.
Bên cạnh đó, mũi trẻ em hay mũi người lớn đều có cơ chế tự làm sạch. Trong mũi có một chất nhầy có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu rửa mũi quá nhiều lần sẽ làm mất lớp chất nhầy đó mũi sẽ bị khô, mũi bị nhiễm khuẩn, niêm mạc mũi bị tổn thương nên sẽ dễ bị viêm hơn.
Lạm dụng nước muối sinh lý
Nhiều mẹ có thói quen dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi cho bé sơ sinh một hoặc nhiều lần mỗi ngày như một biện pháp để "phòng tránh" bị các bệnh về mắt hoặc bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, đây là việc làm sai lầm do trong mắt hay mũi trẻ đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn. Nếu lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi sẽ khiến mắt hoặc mũi trẻ mất đi dịch tiết tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc, khiến các bộ phận này bị khô, dẫn tới dễ viêm nhiễm mãn tính.
Dùng sai loại nước muối sinh lý
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), có 2 loại nước muối sinh lý được chia theo chức năng là loại dùng để rửa vết thương và loại dùng để vệ sinh mắt, mũi. Hiện, nhiều bà mẹ vẫn dùng loại nước muối chai 500ml để nhỏ mắt và mũi cho bé. Đây là một sai lầm vì loại này chỉ để dùng ngoài da, không đảm bảo tính vô trùng khi đi vào cơ thể. Tuyệt đối không tự pha dung dịch nước muối để rửa mắt mũi vì không đảm bảo vô khuẩn.