Sai lầm là một phần của cuộc sống và đây là những cách giúp cho con bạn chấp nhận những rủi ro và thất bại một cách an toàn.
- Chiêu tự vệ "xuất sắc" ông bố bà mẹ nào cũng nên dạy cho con mình
- Nghịch tử giết hại cha mẹ cùng bà nội: Bài học về phương pháp giáo dục con mà người Việt cần học tập
Không có bậc cha mẹ nào muốn thấy con mình gặp phải thất bại hay sai lầm trong cuộc sống. Do đó, các bậc cha mẹ đều có xu hướng yêu thương, bao bọc và tìm mọi cách cho trẻ tránh xa những rắc rối. Tuy nhiên, việc phạm một sai lầm nào đó, dường như là một phần của cuộc sống và đôi khi nó đem lại cho bản thân trẻ hay thậm chí là người lớn những bài học quý giá, đó cũng có thể là một khía cạnh khác để giải quyết vấn đề.
Các chuyên gia đã lên danh sách một số sai lầm cơ bản mà trẻ có thể mắc phải nhưng lại đem đến một vài lợi ích cho sự phát triển của trẻ.
1. Làm sai bài tập về nhà
Ở hầu hết các quốc gia, việc học tập luôn luôn được coi trọng, do đó vấn đề điểm số của trẻ luôn được quan tâm. Bài tập về nhà là một phần trong công tác đánh giá của giáo viên rằng con bạn có thực sự hiểu bài và tiếp thu tốt hay không, do đó nếu như bạn giúp trẻ hoàn thành đúng tất cả các bài tập về nhà, điều này thực sự gây khó khăn cho việc đánh giá của giáo viên và cả khả năng xử lý của trẻ. Ngược lại, nếu như phụ huynh để trẻ tự hoàn thành bài tập của mình và trả lời sai, trẻ có thể sẽ nhận ra được vấn đề và tự tìm ra cách giải quyết bởi chính bản thân mình.
2. Quên mang sách giáo khoa hoặc bài tập về nhà đến trường
Đa số các bậc cha mẹ đều mệt mỏi vì phải nhắc nhở con cái sắp xếp sách vở trước khi đến trường. Đã đến lúc bạn nên dừng lại và để mọi thứ cho trẻ tự giải quyết. Có thể trẻ sẽ quên những thứ quan trọng như sách giáo khoa, vở bài tập... khi đến trường, nhưng đó là một phương pháp hiệu quả để dạy cho trẻ cách chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Việc bị giáo viên phạt hay nhắc nhở sẽ giúp cho trẻ có trách nhiệm hơn, và những đức tính tốt trẻ tự học hỏi được như vậy sẽ giúp ích cho trẻ về lâu dài.
3. Không đạt được kết quả mong ước khi thực hiện một thứ mới
Thúc đẩy trẻ thử những điều mới, thói quen và tích lũy những kinh nghiệm mới là một trong những việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nếu như trẻ không thích những điều như thế, bạn có thể giúp trẻ tiếp cận chúng một cách hài hước và giải thích rõ ràng.
Ví dụ, nếu như con bạn muốn thử trải nghiệm một trò chơi mới như tàu lượn siêu tốc, nhưng sau đó lại cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, bạn có thể trấn an trẻ rằng đó là một biểu hiện hoàn toàn bình thường mà đa số những người tham gia trò chơi đều cảm thấy như vậy và đây thực sự là một lựa chọn tuyệt vời khi muốn thử một cái gì đó mới mẻ.
4. Làm việc nhà không tốt
Khi trẻ đủ lớn, bạn có thể nhờ trẻ giúp một số việc vặt trong nhà như rửa chén hay nấu cơm. Ban đầu, có thể trẻ sẽ làm không được tốt và bạn phải mất thời gian để dọn dẹp lại mọi thứ, nhưng thay vì trách mắng trẻ, hãy chỉ cho trẻ cách hoàn thành công việc một cách chính xác và sau đó là để trẻ tự làm. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được tại sao phải thực hiện công việc từng bước một, và giúp trẻ phát triển khả năng tư duy rộng mở.
5. Tự đưa ra các quyết định không đúng
Trong một số trường hợp, bạn nên khuyến khích trẻ tự đưa ra quyết định của mình, nếu như quyết định đó sai, trẻ vẫn học được cách chịu trách nhiệm về hành động của mình thay vì đổ lỗi cho người khác. Bạn cũng nên khuyến khích trẻ tự quyết định hướng đi hay hành động của mình trong tương lai, trẻ sẽ cảm thấy được sự quan trọng trong quyết định của mình và ý thức với những lựa chọn tốt hơn.
Làm thế nào để con bạn chấp nhận rủi ro và sai lầm mà không gây nguy hiểm
Chắc chắn việc phạm sai lầm có thể giúp ích trong việc xây dựng tính cách của trẻ, tuy nhiên các bậc cha mẹ luôn muốn con mình phát triển một cách tốt nhất. Các chuyên gia đã chia sẻ lời khuyên mà bạn có thể áp dụng để giúp con chấp nhận rủi ro và sai lầm một cách an toàn:
- Hãy chắc chắn cho con bạn hiểu rằng không ai hoàn hảo cả nên bạn cũng không mong đợi rằng con sẽ trở nên quá hoàn hảo.
- Cho trẻ sự tự do để thực hiện những điều mới mẻ trong môi trường an toàn (Ví dụ bạn có thể lắp đặt một thứ gì đó như cầu trượt cho trẻ thử trong sân nhà).
- Đừng cố gắng giúp trẻ giải quyết vấn đề ngay lập tức mà hãy để trẻ nghĩ ra giải pháp của riêng mình.
- Xác định những rủi ro hoặc sai lầm nguy hiểm có thể xảy ra để cảnh báo trẻ.
- Nếu như mắc phải sai lầm, hãy khuyến khích trẻ kiểm tra lại những việc mình làm phát hiện ra lỗi sai và tự sửa chữa.