Các chuyên gia khuyến cáo trẻ em nên ở trong nhà bởi tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức gây hại cho sức khỏe, dễ khiến trẻ mắc bệnh.
- "Không hôn trẻ sơ sinh" - tưởng là lý thuyết suông nhưng ai cũng phải giật mình khi nhìn điều tồi tệ xảy ra với em bé này
- Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không?
Ngày 17/9, ngày thứ 3 liên tiếp Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 17/9 tại nhiều điểm trong Hà Nội ở "mức kém", liên tục dao động từ 100 đến 200. Các ngày 14-16/9 chỉ số AQI đo ở hơn 20 địa điểm luôn trên 100. Điểm đo tại Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm AQI trên 150.
Theo các bác sĩ, trong tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay tại Hà Nội, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, là một trong những đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cơ thể đang trong giai đoạn tăng trưởng, phát triển và hoàn toàn thụ động trước những tác hại do môi trường gây ra.
Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường và chờ các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường từ các cơ quan có thẩm quyền, ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh hãy chú ý bảo vệ con em mình khỏi những tác động xấu của môi trường ô nhiễm bằng những cách sau.
Giữ trẻ ở trong nhà
Trừ những trường hợp bất khả kháng như trẻ đi học, đi khám bệnh, còn không cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài đường, đặc biệt là những nơi có mức ô nhiễm cao. Một số điểm có chỉ số AQI cao trên 150 ở Hà Nội như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm.
Những nhà gần đường và các công trình xây dựng, bố mẹ nên thường xuyên đóng cửa sổ và cửa chính để đảm bảo không khí sạch lưu thông trong nhà cho trẻ.
Để trẻ có thể ở trong nhà nhiều hơn, bố mẹ hãy nghĩ ra những trò chơi sáng tạo mà trẻ có thể chơi ngay trong nhà.
Tránh cho trẻ đi ra ngoài vào giờ cao điểm
Với những trẻ phải đi học hay gia đình có việc cần di chuyển ra ngoài, nên tránh cho trẻ đi vào những giờ cao điểm hoặc tránh đi đến những nơi hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Buổi sáng, phụ huynh có thể đưa trẻ đến trường sớm hơn thường lệ, còn buổi tối, tốt nhất không nên cho trẻ đi chơi bên ngoài.
Đeo khẩu trang và kính mỗi khi đi ra ngoài
Khi buộc phải ra ngoài, để giảm thiểu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm với sức khỏe trẻ nhỏ, một trong những cách dễ thực hiện nhất là cho trẻ đeo khẩu trang và đeo kính. Nhất là khi đi bộ, đi xe đạp, xe máy trên những đoạn đường có lưu lượng xe cộ lưu thông cao, luôn nhắc trẻ phải đeo khẩu trang để phòng ngừa bệnh.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nên mua cho trẻ loại khẩu trang có chức năng lọc khí.
Thanh lọc không khí trong nhà
Ngay cả khi đóng chặt cửa nhà thì cũng không đảm bảo trẻ tránh khỏi tác động của không khí ô nhiễm. Vì vậy, ở nhà bố mẹ nên thực hiện các biện pháp thanh lọc không khí trong nhà mình như:
- Thường xuyên quét dọn, hút bụi, lau chùi nhà cửa, giặt giũ chăn màn, rèm rửa, thảm để đào thải bụi bẩn và chất độc ra khỏi nhà.
- Loại bỏ hoặc cất bớt những đồ vật thường xuyên tích tụ bụi bẩn ở gần trẻ như thảm trải sàn hay thú bông.
- Lắp đặt đường ống thông gió, quạt thông gió, quạt hút mùi ở những khu vực hay tạo mùi trong nhà như bếp, phòng vệ sinh, để môi trường sống trong nhà được thông thoáng hơn.
- Trồng thêm các loại cây xanh để chúng hấp thụ không khí ô nhiễm và cung cấp không khí trong lành cho trẻ như cây lưỡi hổ, cây cọ cảnh, cây trầu bà, nha đam, vạn niên thanh...
- TS Hoàng Dương Tùng cũng khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe trẻ em, những gia đình có trẻ nhỏ nên sử dụng máy lọc không khí.
Bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch
Uống nhiều nước lọc và các loại nước ép trái cây là một phương pháp bảo vệ trẻ nhiễm bệnh do không khí ô nhiễm. Ngoài ra, bố mẹ nên cung cấp các thực phẩm giàu vitamin A và C, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng, cà rốt, sữa, các loại hạt...
Bác sĩ Nhi khoa Jonathan Halevy, hiện công tác tại phòng khám Family Medical Practice (Hà Nội) khuyến cáo bố mẹ thực hiện những việc sau để hạn chế trẻ tiếp xúc với khói bụi và ô nhiễm:
1. Đóng cửa số nếu bạn sống nơi có đường cao tốc hay cạnh các công trường xây dựng.
2. Vệ sinh bộ lọc máy điều hòa thường xuyên, ít nhất là hàng tháng. Bộ lọc máy điều hòa là nơi có khả năng tích tụ bụi, nấm mốc và lây lan chúng vào trong phòng.
3. Hút bụi làm sạch nhà hàng ngày với máy hút bụi có bộ lọc HAFE.
4. Loại bỏ những đồ vật có khả năng tích tụ bụi trong phòng con trẻ (thảm, màn cửa dày, đồ chơi có lông, gối).
5. Giặt và phơi chăn màn, nệm thường xuyên.
6. Nếu bạn sống gần đường cao tốc, công trình xây dựng hay khu phố bụi bặm, hãy cho trẻ sử dụng khẩu trang mỗi khi ra ngoài. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể ngăn trẻ tiếp xúc với những hạt bụi lớn và nó không có tác dụng với những hạt bụi nhỏ, khí thải hay hóa chất.