Trẻ sơ sinh bị mụn sữa là tình trạng không hiếm gặp, những mụn sữa lấm tấm màu trắng không nguy hiểm nhưng lại khiến bé khó chịu, ngứa ngáy. Vậy trẻ sơ sinh bị mụn sữa có tự hết không và mẹ nên làm gì để bé nhanh hết tình trạng này? Hãy cùng khám phá ngay câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé!
- Cách làm đậu hũ kho nước tương chuẩn thơm ngon, thanh đạm và siêu đơn giản tại nhà!
- Cách làm sữa chua hoa đậu biếc chuẩn đẹp - ngon - hút mắt như ngoài tiệm!
Nội dung bài viết
Trẻ sơ sinh bị mụn sữa có nguy hiểm gì không?
Có khoảng 20% đến 40% trẻ sơ sinh xuất hiện các nốt mụn sữa lấm tấm màu trắng. Loại mụn này thường xuất hiện khi bé được 1-2 tuần tuổi, cũng có khi là chỉ vài ngày sau sinh, triệu chứng dễ nhận thấy nhất là những đốm nhỏ li ti này có đầu màu trắng nhỏ như đầu hạt gạo.
Tùy từng bé mà mật độ mụn sữa mọc dày hoặc thưa. Thường thị bé bị mụn sữa trên mặt, chủ yếu ở má và trán hoặc cánh mũi, ngực, lưng, chân tay,… Tuy nhiên, cũng có trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa trên đầu, cổ, bẹn, mông hoặc các vị trí khác nhau. Cha mẹ cần phân biệt rõ mụn sữa với rôm sảy hoặc mụn trứng cá để có biện pháp chăm sóc da cho bé phù hợp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ sơ sinh bị mụn sữa. Có thể kể đến một số nguyên nhân như:
- Sự thay đổi về hormone của người mẹ ảnh hưởng đến bé trong những tháng cuối thai kỳ.
- Do mẹ dùng thuốc trong thời gian mang thai hoặc trẻ sơ sinh có vấn đề về sức khỏe nên phải dùng thuốc. Dược tính của thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ là mụn sữa.
- Do bé sử dụng sữa bột quá nhiều đạm albumin và cũng gây ra tình trạng mụn sữa trên da bé.
- Do bé bị nhạy cảm với thời tiết, khi thời tiết nóng lên khiến da bé bị kích ứng và làm nổi các mụn sữa nhỏ li ti.
- Do mẹ ăn các loại đồ ăn nóng, nhiệt mà hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn non yếu.
- Phì đại tuyến bã làm cho tuyến bã nhờn phát triển quá mức và khiến trên da bé nổi các nốt mụn sữa.
Theo các chuyên gia da liễu: dù nguyên nhân gây ra mụn sữa là gì thì mẹ cũng nên thận trọng khi thấy bé bị mụn sữa lâu và có hiện tượng sưng đỏ, lan rộng. Vì lúc này, có thể bé đã bị viêm da và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, da bé đã bị mụn sữa rồi thì sẽ dễ bị kích thích nhiều hơn khi tiếp xúc với sữa mẹ, nước bọt hay chất tẩy rửa còn sót trên quần áo. Nếu mẹ không chú ý trong cách chăm sóc bé thì có thể dẫn đến các tình trạng khá nguy hiểm là mụn mưng mủ, nhiễm trùng,...
Trẻ sơ sinh bị mụn sữa có tự hết không? Mẹ phải làm gì?
Khi trẻ sơ sinh bị mụn sữa, mẹ đừng quá lo lắng, đây không phải là tình trạng nguy hiểm và cũng không gây đau đớn cho bé. Nó chỉ khiến bé khó chịu một chút thôi. Theo thời gian, mụn sữa sẽ dần dần khô, se lại và bong vảy và biến mất trong khoảng từ 1 tuần tới 2 tháng tùy từng bé.
Sau đây là những việc mẹ cần làm khi bé bị mụn sữa:
- Với những bé bị mụn sữa lâu hơn 1 tháng, thì mẹ nên theo dõi xem ngoài những nốt mụn sữa thì bé còn có biểu hiện nào bất thường nữa hay không. Ví dụ, nếu bé bị nổi mụn đỏ và kèm theo da sưng, tím tái, mưng mủ thì cần đưa bé tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
- Mẹ nên giữ cho da bé luôn được mát mẻ, khô thoáng. Chú ý chọn quần áo cho trẻ sơ sinh là những vật liệu mềm mại, thấm hút mồ hôi, rộng rãi giúp bé dễ chịu, không cọ xát vào các vết mụn sữa làm cho bé khó chịu.
- Mẹ nên thường xuyên thay tã, lót, bỉm, quần, áo cho bé đảm bảo sự thông thoáng trên da. Tránh tình trạng da bé bị hăm, bị rôm sảy do mồ hôi khiến bí bách. Đặc biệt, khi mụn sữa mọc nhiều ở vùng bẹn, vùng nách, cổ thì có thẻ dùng một loại kem chuyên dụng cho trẻ sơ sinh với chất liệu an toàn để làm giảm cảm giác khó chịu của bé.
- Kiểm tra lại loại sữa tắm mà bạn đang dùng cho bé, vì có thể loại sữa tắm này không thích hợp, khiến bé bị kích ứng da. Đồng thời hãy dừng tắm bằng sữa tắm và chỉ tắm cho bé bằng nước ấm sạch thôi nhé.
- Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm cho bé bằng các loại sữa tắm dịu nhẹ chuyên biệt dành cho trẻ sơ sinh. Có thể sử dụng các loại nước lá tắm đun lên rồi tắm cho bé cũng rất tốt. Nếu mẹ chưa biết trẻ sơ sinh bị mụn sữa tắm lá gì thì có rất nhiều loại mà mẹ có thể dễ tìm, dễ kiếm, dễ mua như: lá khế, lá sài đất, lá chè xanh…
- Cha mẹ cũng nên giữ cho môi trường không khí trong nhà luôn sạch sẽ, không có bụi bẩn hay ẩm mốc. Những loại đồ dùng như quần áo, chăn đệm, khăn tã… đảm bảo luôn được phơi sấy khô và sạch sẽ trước khi cho bé mặc.
Những việc cha mẹ không nên làm khi trẻ sơ sinh bị mụn sữa
Bên cạnh những việc nên làm thì cũng có những việc cha mẹ không nên làm để chăm sóc bé sơ sinh bị mụn sữa. Mẹ hãy chú ý đừng làm những việc sau đây nhé:
- Không sử dụng các sản phẩm dưỡng da cho trẻ: Vì da trẻ lúc này rất nhạy cảm và rất dễ bị kích ứng, nhiễm trùng. Các loại kem mà cha mẹ tự ý dùng rất có thể sẽ là tác nhân gây nặng thêm tình trạng mụn sữa, kể cả phấn rôm, hoặc các loại kem nẻ, kem dưỡng đều không nên sử dụng.
- Không chà xát, nặn, bóp… những nốt mụn sữa trên làn da của trẻ. Việc làm này không làm hết các nốt mụn sữa mà chỉ làm tổn thương da của trẻ, khiến trẻ bị đau và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Không dùng các loại xà phòng, sữa tắm có tính sát khuẩn cao sẽ làm kích ứng da của trẻ
- Nếu bé uống sữa bột, sữa công thức bị mụn sữa thì rất có thể là do bé không thích hợp uống loại sữa này. Mẹ hãy dừng loại sữa này hoặc đổi một loại sữa khác để xem tình trạng mụn sữa của bé có thuyên giảm hay không.
- Không nên cho bé mặc đồ lông, dù vào thời tiết mùa đông cũng không nên ủ ấm quá kỹ hoặc cho bé mặc quá nhiều quần áo. Việc làm này sẽ làm cho da bé bị bí bách, không thoát được mồ hôi, dễ làm cho tình trạng mụn sữa nghiêm trọng hơn.
- Chú ý tới chế độ ăn uống của mẹ vì các loại thức ăn mẹ ăn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé. Mẹ nên tránh ăn các loại đồ ăn dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, đồ cay nóng,…
Việc trẻ sơ sinh bị mụn sữa không phải là tình trạng gì quá nghiêm trọng và nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Khi bé yêu nhà mình gặp phải tình trạng này, các mẹ không cần quá lo lắng mà chỉ cần chú ý nhiều hơn một chút trong quá trình chăm sóc da cho bé là được. Tuy nhiên, mẹ cũng cần chú ý xem có các dấu hiệu bất thường khác không, để nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhé! Chúc các bé yêu luôn khỏe mạnh!