Khi đi biển, trẻ có thể thích thú với nắng vàng, sóng xanh, cát mịn nhưng đi kèm với đó là không ít nguy hiểm đến từ sứa, thủy triều và cháy nắng.
- Con chán ăn, ngộ độc vì mẹ chăm cho uống vitamin D
- Ngủ trưa nên để hai con nhỏ tự chơi với nhau, cặp vợ chồng tỉnh dậy đã phải ân hận suốt đời vì cảnh tượng ám ảnh trong máy giặt
Mùa hè cũng là mùa cha mẹ thường xuyên cho trẻ đi biển, vì vậy những nguyên tắc an toàn cho trẻ nhỏ khi đi biển dưới đây là vô cùng cần thiết.
Áo phao cho trẻ nhỏ
Theo Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ, an toàn trên bờ biển khác một chút so với an toàn trong bể bơi. Bởi "ngay cả ở vùng nước nông, chuyển động của sóng có thể gây ra sự mất thăng bằng và khiến bàn chân không còn vững". Đó là lý do tại sao các tổ chức luôn khuyến cáo trẻ nhỏ phải mặc áo phao cứu hộ khi ở trong và xung quanh vùng nước.
Những vùng nước mở, đặc biệt là biển, có thể tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Do đó, mặc áo phao cho trẻ nhỏ sẽ bổ sung một lớp bảo vệ, trong trường hợp sóng đột ngột đánh mạnh vào bờ.
Dạy trẻ quay mặt ra biển
Sóng có thể hạ gục trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ) nếu các con không cẩn thận. Trường hợp trẻ nhìn thấy sóng đang xô vào bờ, cơ hội để giữ thăng bằng và đứng vững sẽ cao hơn. Hãy dạy trẻ đứng quay lưng lại bãi cát, mặt hướng ra ngoài biển để những con sóng lớn không làm trẻ bất ngờ.
Đừng để trẻ chôn chặt chân trong cát
Cảm giác có thể thật thú vị khi vùi bàn chân bạn sâu trong lớp cát mát lạnh trên bờ biển. Nhưng những người nghiên cứu các tai nạn liên quan tới bãi biển cho biết, hoạt động vui đùa này sẽ đặt trẻ vào nguy cơ bị bong gân, thậm chí gặp phải những chấn thương nghiêm trọng hơn. Do cát ướt có thể khiến bàn chân trẻ bị mắc kẹt. Khi sóng lớn vào bờ, còn chân thì không thể di chuyển, trẻ có thể dễ dàng bị đánh gục.
Tiến sĩ Paul Cowan, chuyên gia cấp cứu y tế người Mỹ, cảnh báo: "Trẻ sẽ bị thương ở độ sâu khoảng 15cm và trẻ dưới 16 tuổi có nguy cơ bị thương cao nhất. Trong khi việc lội nước trên bờ cát có vẻ an toàn hơn so với bơi trong nước, trẻ càng tiến gần tới mép nước thì nguy cơ thực sự càng tăng cao".
Cowan gọi khu vực giữa vùng đất khô và nơi các con sóng liếm vào là "vùng lướt sóng". Trong khu vực này, một con sóng rút về biển có thể làm xói mòn cát bên dưới chân người. Nếu người đó đứng không vững, một con sóng khác có thể khiến họ ngã nhào. Mặc dù nước có thể chỉ xâm xấp đầu gối, họ vẫn sẽ bị thương khi ngã xuống nền cát cứng.
Đó là lý do tại sao cha mẹ lúc nào cũng phải để mắt giám sát hoạt động của con và theo dõi tình trạng của nước biển.
Chú ý tới các con sứa
Sứa có thể chích người đi biển và nhiều người đã trải nghiệm sự cố này. Tại Mỹ, khoảng 800 người bị sứa chích dọc bãi biển Florida chỉ trong vòng 3 ngày trong tháng 6. Rất nhiều bãi biển công cộng đã cảnh báo hiện tượng xuất hiện lượng sứa lớn. Những lá cờ màu tía mang ý nghĩa "sinh vật biển nguy hiểm". Do đó, nếu thấy cờ tía tung bay, bạn nên đưa con tới công viên thay vì cho ra bãi biển.
Nếu không nhìn thấy cờ tía nhưng rốt cuộc bạn/con bạn vẫn bị sứa chích, hãy nhanh chóng tìm kiếm trợ giúp y tế. Nhân viên cứu hộ bờ biển là chuyên gia về sơ cứu trong trường hợp này. Họ có thể khuyên bạn/con bạn nên điều trị tiếp hay không.
Cẩn thận với dòng chảy rút xa bờ
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, tất cả mọi người đi biển đều cần trang bị kiến thức về dòng chảy rút xa bờ (rip currents). Bởi những dòng nước theo luồng cực mạnh này khi ào từ bãi cát trở về biển có thể nhanh chóng cuốn nạn nhân ra khơi xa.
Dòng chảy rút xa bờ là nguyên nhân trong số hơn 80% ca cứu hộ biển. Vì vậy, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ khuyến nghị cha mẹ nên kiểm tra dự báo thời tiết ở địa phương trước khi lên kế hoạch đưa trẻ đi biển. Ra tới biển, hãy chọn vị trí càng gần nhân viên cứu hộ càng tốt. Và nếu bạn không chắc về điều kiện nước, sóng, hãy hỏi nhân viên cứu hộ trước khi để trẻ xuống bơi.
Đừng quên đảm bảo an toàn dưới ánh mặt trời cho trẻ
Cơ thể của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể thích nghi với nhiệt độ cao, ánh nắng gay gắt như người lớn. Do đó, trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới nhiệt cao hơn. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, "trẻ dưới 6 tháng tuổi nên ở ngoài phạm vi tác động của ánh nắng mặt trời, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, để tránh nguy cơ tai biến mạch máu não. Đặc biệt, tránh đưa trẻ ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 2 giờ chiều, khi ánh mặt trời gay gắt nhất".
Nếu bạn có con nhỏ, cố gắng lên kế hoạch cho các hoạt động trên biển cho trẻ vào khoảng thời gian ánh mặt trời đã dịu. Mang theo mũ, lều có thể đem lại lợi ích cho bé. Với trẻ sơ sinh, thường xuyên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc bú bình; với trẻ lớn hơn, uống nước nhiều lần cũng là lựa chọn hữu ích.
Kem chống nắng cũng là vật dụng không thể thiếu với trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn. Lưu ý thoa kem chống nắng 15-30 phút trước khi ra ngoài và cách 2 giờ, thoa kem lại 1 lần. Không có loại kem chống nắng nào hoàn toàn không thấm nước (ngay cả với những loại mà nhà sản xuất cam đoan như vậy). Do đó, nhớ thoa lại kem cho trẻ sau khi chúng chơi đùa trong nước biển.