Có rất nhiều thói quen cha mẹ tưởng chừng như đang bảo vệ con khỏi cái lạnh nhưng lại là nguyên nhân chính khiến bé dễ ốm vào những ngày rét kỷ lục này.
- 5 cách hạ sốt nhanh cho trẻ mà không cần dùng thuốc
- Mách mẹ cách massage hạ sốt cho trẻ sơ sinh nhanh nhất, hiệu quả không ngờ
Trong những ngày rét kỉ lục, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 9-10 độ C là kiểu thời tiết mà bậc phụ huynh đau đầu trong việc làm sao giữ ấm cơ thể trẻ để bé không mắc bệnh.
Chính vì tâm lý quá lo lắng như thế dễ dẫn đến một số hiểu biết sai lầm của mẹ Việt về việc bảo vệ con ngày đông. Từ đó bé mắc bệnh càng dễ hơn.
1. Mặc quá nhiều quần áo
Mặc quá nhiều lớp quần áo có thể khiến bé cảm thấy ngột ngạt hoặc nóng quá mức, dẫn đến ra mồ hôi; và nếu quần áo không đủ giữ nhiệt thì bé sẽ bị thoát nhiệt nhanh ra ngoài, gây sốt hoặc cảm lạnh, viêm phổi do ra mồ hôi.
Hơn nữa, việc mặc quần áo dày, nặng cũng khiến bé khó chịu, vận động không thoải mái. Mẹ nên để ý nếu bé nóng, ra mồ hôi thì nên cởi bớt áo ra. Những trang phục nhẹ, có thể thấm hút mồ hôi, nhưng vẫn giữ nhiệt tốt (áo nỉ mỏng, len lông cừu,...) nên được cân nhắc hơn là áo len, áo khoác bông quá nặng nề.
2. Để bé tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột
Khi bé đang ở trong phòng kín, ô tô có máy sưởi, điều hòa có nhiệt độ cao; bước ra bên ngoài trời lạnh rất dễ bị sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ nếu không được mặc đủ ấm. Khi bé chuẩn bị tiếp xúc với sự thay đổi môi trường đột ngột như vậy, bố mẹ đừng quên mang thêm áo và giày cho con.
Việc lạm dụng máy sưởi sẽ khiến không khí trong phòng khô và bí, dễ làm các bé khô da, mũi và họng, cũng rất ảnh hưởng tới hô hấp. Các mẹ nên chuẩn bị kem dưỡng ẩm, chỉ nên để nhiệt độ phòng khoảng 28 độ C và sử dụng máy sưởi chỉ khi thật sự cần.
3. Tắm, rửa cho bé bằng nước quá nóng
Vì trời lạnh nên bố mẹ ngại cho trẻ tắm, hoặc nếu tắm cũng dùng nước rất nóng. Da bé nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều, nếu bố mẹ thấy nước đủ ấm tức là nước đó đã nóng với bé rồi. Nhiệt độ nước thích hợp cho bé tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C. Các mẹ nên dùng cổ tay hoặc khuỷu tay thử độ ấm trước. Hoặc đơn giản, hãy sắm ngay một chiếc nhiệt kế để pha được nước tắm thích hợp nhất.
Khi cho bé tắm cũng cần lưu ý để phòng kín gió, chuẩn bị thêm quạt sưởi, máy sưởi nếu cần thiết. Chỉ nên cho bé tắm trong 5-7 phút để tránh cảm lạnh.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa chân cho con bằng nước quá nóng cũng không tốt. Vòm bàn chân trẻ sơ sinh có tác dụng làm cho chân chuyển động mềm mại khi bé bước và chạy, bảo vệ mạch máu và dây thần kinh ở gan bàn chân. Dùng nước nóng để rửa hoặc ngâm chân cho bé sẽ khiến dây chằng ở bàn chân bị giãn ra, từ đó chân bé sẽ trở nên “bẹt”, lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường.
4. Giữ bé trong nhà không đưa ra ngoài vì sợ lạnh
Dù là trẻ nhỏ hay người lớn cũng đều cần ra ngoài vận động, hít thở khí trời, sưởi nắng để khỏe mạnh hơn.
Khi đưa bé ra ngoài, mẹ nên cho bé mặc quần áo vừa đủ ấm, thấm hút tốt, đội nón mỏng, đi tất và chú ý thường xuyên lau mồ hôi cho bé để tránh bị nhiễm lạnh.
Thời gian để đưa bé dạo chơi thích hợp nhất vào mùa đông là từ 9-10 giờ sáng và khoảng 15-17 giờ chiều. Những ngày trời rét đậm hoặc có mưa phùn thì không nên cho bé ra ngoài. Đồng thời, mẹ vẫn cần thực hiện việc tắm nắng cho bé vào mùa đông ở những khung thời gian trên trong khoảng 15-20 phút.
5. Cho bé ngồi trước xe máy
Rất nhiều bố mẹ Việt có thói quen cho con ngồi trước xe máy để ôm giúp bé ấm hơn hoặc đó là sở thích của con. Tuy nhiên, theo tư vấn từ PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (trên báo Dân Việt), điều này rất nguy hiểm vì dù trang bị kín trẻ vẫn có khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản hay viêm phổi do gió lạnh.
Ngoài ra, việc trẻ ngồi trước còn hít phải khói, bụi gây các cơn hen phế quản, viêm mũi, đặc biệt ở những trẻ cơ địa dị ứng và có sức đề kháng kém. Bởi vậy, khi ra ngoài trời, cha mẹ nên để bé ngồi sau xe đeo đai an toàn.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng chỉ ra các nguyên tắc phòng bệnh cho trẻ trong những ngày rét kỉ lục trên báo Dân Việt:
Giữ ấm cho trẻ
BS Dũng chia sẻ quy tắc “4 ấm” là giữ ấm bụng, chân, tay và lưng. Đặc biệt chú ý đến những bộ phận này vì đó là những vùng nhạy cảm, khi bé nhiễm lạnh sẽ dễ bị cảm, ốm.
Không đưa trẻ ra gió
Đối với trẻ sơ sinh, tránh đưa bé ra gió nhiều hay ngoài trời đang rét đậm, không nên giữ ấm quá mức cần thiết, sẽ gây trẻ bị nóng và rịn mồ hôi. Nếu có ra mồ hôi, nên lau khô, và điều chỉnh lại việc mặc áo cho trẻ, lý do mồ hôi sẽ bị ngấm ngược lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và có thể gây viêm phổi.
Đối với trẻ lớn hơn, ngoài việc mặc áo ấm, cần lưu ý khi trẻ hoạt động nhiều, có ra mồ hôi nhiều thì lau khô người trước khi tắm nước ấm.
Tắm trong phòng kín gió
Khi tắm cho bé, trong ngày lạnh cần bật máy sưởi hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan tỏa khắp phòng rồi hãy tắm cho bé. Cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. Đối với trẻ đang ốm, cũng nên áp dụng cách này khi trời rét, vì không tắm cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn.
Đeo khẩu trang, mũ len
Khẩu trang cũng rất cần nếu bé đi ngoài trời lạnh, nên chọn loại mềm mại bằng cotton, che kín tai và mũi cho bé nhưng vẫn dễ thở. Mũ len nên chọn loại trùm kín đầu, bao gồm cả phần tai để gió không lọt qua. Ngoài ra, nên cho bé đi giày để giữ ấm cho đôi chân.
Ăn uống đủ chất
Việc ăn uống đủ chất rất cần thiết cho trẻ, vì giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh về đường hô hấp trong mùa đông. Ăn uống nên là thức ăn hay nước uống ấm, dễ ăn, dễ tiêu. Khi ăn thức ăn nóng quá, trẻ có thể ra mồ hôi, cần lau khô cho trẻ. Không nên cho trẻ uống nước lạnh hay nước đá, dễ gây viêm họng.