Người lớn rất thường hay nói với trẻ con những điều mà chính họ không muốn nghe từ cha mẹ của mình.
- Loại rau củ giúp trẻ tăng chiều cao tự nhiên dù cha mẹ lùn tới mấy lại thông minh vượt trội
- Để dạy con ngoan ngoãn, nề nếp, có 3 thứ mà bố mẹ nhất định phải cho con
Nhưng thật không may, có một vài câu nói tưởng như đơn giản lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong một thời gian dài.
Từ xưa tới nay dạy con luôn là một môn nghệ thuật mà người lớn chúng ta chính là những nghệ sĩ. Trong cuộc sống hàng ngày với chức trách làm cha mẹ đòi hỏi bạn phải có trách nhiệm ngay cả việc lựa chọn từ ngữ khi nói ra.
Dưới đây những câu nói cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần ở trẻ. Hãy thay đổi trước khi quá muộn để con của bạn là một đứa trẻ hạnh phúc!
1. "Con đừng khóc nữa"
Nghe thấy điều này, đứa trẻ có thể nghĩ: “Thể hiện cảm xúc ra ngoài là một điều thật tệ. Mình sẽ bị la mắng vì những giọt nước mắt”. Vì thế, con có thể lớn lên cùng với sự im lặng và tự ti. Những cảm xúc tiềm ẩn sớm hay muộn sẽ bộc phát thành những hành vi gây hấn phản đối.
Cụm từ chính xác bạn nên nói là: “Hãy nói cho bố mẹ biết điều gì khiến con buồn” hay “Tại sao con lại khóc?”. Nếu đứa trẻ bị ngã hoặc thâm tím chân tay, bạn hãy thử gợi mở câu chuyện bằng: “Con đang khóc bởi bị con bị thương hay con sợ hãi?”. Điều này giúp trẻ dễ dàng chia sẻ những cảm xúc trong lòng mình.
2. “Nếu con làm việc đó lần nữa, bố/mẹ sẽ không thương con đâu”
Kiểu đối thoại này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cực kì lo âu khi làm bất cứ việc gì bởi chúng luôn phải cố gắng để không phạm sai lầm, dù là nhỏ nhất. Trẻ sẽ cố đoán xem điều mà bố mẹ muốn ở mình chính xác là gì, gạt sang một bên nguyện vọng, mong ước của chính mình. Khi điều này xảy ra, đó không còn là một đứa trẻ nữa bởi vì một đứa trẻ phải luôn hồn nhiên, vô tư. Tâm lí căng thẳng khi luôn muốn làm vừa lòng người khác và áp lực tinh thần khi luôn phải đặt mình ở vị trí thứ hai có thể rất dễ tiếp diễn khi trẻ lớn lên.
3. "Con phải nghe lời người lớn"
Nghe cha mẹ nói như vậy, đứa trẻ có thể nghĩ: “Tất cả người lớn đều thông minh và tốt bụng. Mình phải làm như họ nói”. Cụm từ này rất nguy hiểm vì đứa trẻ bắt đầu tin tưởng vào tất cả mọi người lớn trong mắt chúng, kể cả người lạ mà không biết rằng trong những người lớn cũng có những người không tốt.
Cụm từ chính xác bạn nên nói với con là: “Con cần lắng nghe lời khuyên của bố mẹ”. Điều này giúp trẻ phát triển tư duy suy xét cần có đối với một người lạ.
4. "Nếu con không ngoan, mẹ sẽ gọi ma (quỷ) bắt con đi đấy"
Xét ở một chừng mực nhất định, việc dọa nạt bé cũng mang đến một kết quả tốt tuy nhiên nếu bạn lấy ma quỷ hay những hình ảnh rùng rợn để nói với bé, bé sẽ dễ gặp phải ác mộng khi đi ngủ. Thay vào đó, nhiều bé sẽ xuất hiện tật nói dối khi mắc lỗi nhằm thoát khỏi sự dọa nạt từ cha mẹ.
Gợi ý dành cho bạn: Những lúc bạn muốn chứng tỏ "quyền lực" của mình với bé, bạn có thể nghiêm mặt lại và lên cao giọng để nhắc nhở bé phải thực hiện một công việc nào đó. Khi biết đây là điều phải hoàn thành, bé sẽ tự giác làm theo đúng yêu cầu của bạn.
5. "Ai đã dạy con làm như thế"
Trẻ có thể nghĩ rằng: “Bố mẹ không biết mình nghĩ ra điều này” sau câu nói trên của bạn. Một đứa trẻ như thế sẽ cho rằng con có thể đổ lỗi cho người khác để khỏi bị trừng phạt.
Câu nói tích cực bạn nên dùng với con trong trường hợp này là: “Tại sao con lại làm điều đó?”. Từ đó, bạn có thể hiểu con mình đã tự làm hay do ai xúi bẩy con. Bạn nên cho con cơ hội để giải thích cho hành động của mình.
6. “Thấy con nhà người ta chưa”
Bằng cách nói này, bạn có thể khiến con nghĩ rằng: “Mình tệ hơn người khác. Chẳng có ý nghĩa gì khi thử làm một điều gì đó. Đó là việc vô ích”. So sánh con với những người khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng của con, khiến con nghĩ rằng chúng không bao giờ đạt được điều gì. Trẻ sẽ cảm thấy thù ghét người mà cha mẹ mang ra so sánh với mình, cho dù đó là anh/chị/em ruột thịt hay bạn bè cùng lớp. Khi trưởng thành, những người ấy tiếp tục so sánh bản thân mình với người khác và việc này chưa bao giờ đem lại ý nghĩa nào tích cực cho cuộc sống của họ.
...
Cụm từ bạn nên nói với con là: “Mẹ yêu con. Con cũng có thể làm được điều đó”. Bạn nên chỉ ra khả năng của con và cho thấy bạn tin tưởng con. Hãy nhớ rằng, con của bạn hoàn toàn có khả năng của chính mình.
7. "Nếu con không ngoan, bố/mẹ sẽ gửi con đi chỗ khác"
Câu nói này có thể khiến trẻ nghĩ rằng, trẻ chỉ có giá trị với cha mẹ chừng nào đáp ứng được mong mỏi từ đấng sinh thành. Như thể bố mẹ đang nói: “Đừng là chính mình, con chỉ nên cư xử theo cách mà bố mẹ chấp nhận thôi”. Những đứa trẻ mang theo trải nghiệm này khi trưởng thành không biết điều chúng thực sự cần trong đời là gì và thay vào đó, lúc nào cũng cố gắng để làm đẹp lòng người khác.
8. "Con giống y hệt bố con"
Nếu câu nói này thốt lên trong cơn giận dữ, nó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cha mẹ trẻ không thực sự hạnh phúc bên nhau. Và một trong hai người đang quay ra để trút giận lên đầu con cái. Thông thường, nhiều phụ huynh quá ngần ngại để có thể phàn nàn thẳng với vợ/chồng mình nên họ cố tình nói bóng gió qua đứa con. Một cách tự nhiên, những điều trẻ được nghe thấy không có gì tốt đẹp và chúng hằn sâu trong tâm trí trẻ.
Khi một người mẹ nói với con mình: “Con quá bướng bỉnh, giống hệt bố con!”, điều này có nghĩa là cô ấy đang phải chịu đựng tính khí ngang ngạnh của chồng. Còn bé sẽ nghĩ: “Mình không muốn giống bố. Bố rất bướng. Bố là người xấu”.
9. "Con còn quá nhỏ, đợi sau khi lớn lên con sẽ hiểu"
Câu nói của bố mẹ có thể khiến trẻ có suy nghĩ: “Mình muốn biết. Mình sẽ hỏi người khác”. Nếu khi con đưa ra một câu hỏi nhưng chẳng nhận được thông tin, con sẽ tìm lời đáp từ những nguồn khác và điều này có thể tiềm ẩn những mối nguy hại.
Cha mẹ nên nói với con rằng: “Bố mẹ chưa sẵn sàng để trả lời câu hỏi của con ngay bây giờ. Bố mẹ cần thêm thời gian để tìm hiểu”. Bạn không nên phớt lờ con hay trốn tránh trả lời câu hỏi của con. Bằng cách này, bạn sẽ vẫn giữ được một vị trí tốt và lòng tin với con.
10. "Ước gì mẹ chưa bao giờ sinh ra con"
Bé sẽ tin rằng, bạn không muốn làm mẹ của bé thực sự. Thậm chí, nhiều bé sẽ không bao giờ quên được câu nói này của bạn. Hậu quả là bé sẽ thiếu tự tin vào bản thân mình và luôn hoài nghi "Mẹ không yêu mình".
Gợi ý dành cho bạn: Nếu bạn có thói quen phàn nàn những câu tương tự khi tức giận bé, tốt nhất, bạn nên nhanh chóng ra ngoài, đợi đến khi bình tĩnh trở lại, bạn có thể trao đổi với bé về những điều bạn chưa hài lòng sau.
Vấn đề ở đây là trẻ con luôn học hỏi từ những sai lầm của các phụ huynh. Bởi vì những sai lầm đó cho con cái chúng ta thấy vấn đề không phải là trở thành một con người hoàn hảo mà quan trọng là biết phản ánh, học hỏi và cố gắng ở những lần tiếp theo. Vì vậy, lần sau, khi định nói với con cái mình những câu như trên thì bạn hãy dừng lại, ngẫm nghĩ và cố gắng nói chuyện với chúng bằng một cách có thể khuyến khích sự sôi nổi, xúc động và tự tin ở nơi chúng.