Vì nghĩ rằng cơ thể con thiếu muối gây nên còi cọc, chậm lớn nên chị Chu đã cho thêm nhiều muối vào đồ ăn dặm của bé.
Nhiều bà mẹ do thói quen ăn uống của bản thân nên đã sử dụng muối sai cách khi nấu đồ ăn dặm cho con để lại hậu quả đáng tiếc. Điển hình như trường hợp của bà mẹ họ Chu (Trung Quốc) cho con ăn dặm khi con được 5 tháng tuổi.
Sau khi con ăn dặm được khoảng 2 tháng, chị Chu thấy con vẫn gầy còm, thấp bé và nhẹ cân hơn các bạn đồng trang lứa. Bé thậm chí còn chậm chạp hơn so với các bạn. Tham khảo nhiều ý kiến từ các mẹ khác, chị Chu biết được việc thiếu muối khiến cho cơ thể trẻ trở nên yếu ớt hơn. Chính vì thế, chị Chu quyết định cho thêm muối vào đồ ăn dặm của con để cải thiện tình hình.
Mỗi ngày, khi nấu cháo ăn dặm cho con, bà mẹ đều cho thêm một lượng muối nhất định vì chị nghĩ rằng, con đã 7 tháng mà muối lại rất tốt cho sức khoẻ con người nên chắc chắn sẽ tốt cho bé.
Sự việc chẳng nào ngờ sau hơn chục ngày ăn dặm theo cách đó, con chị Chu đột nhiên có những biểu hiện khác lạ, mất ý thức. Khi nhập viện cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán: Trong cơ thể con chị Chu có chứa quá nhiều lượng natri, gây mất nước, ngạt thở mà tử vong. Nghe chia sẻ về việc cho con ăn dặm có chứa muối của chị Chu, bác sĩ lắc đầu cho rằng đó là sai lầm. Trẻ dưới 1 tuổi không nên nêm muối vào đồ ăn.
Cân nhắc khi cho muối vào thức ăn của trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia, Natri và Clo (thành phần chủ yếu của muối) là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Điều này có nghĩa, dù là bé mới sinh hay đã lớn đều cần muối. Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà lượng muối khác nhau.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thực chất, nhu cầu natri của trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi không cao. Trong khi đó, trong thành phần sữa mẹ, sữa công thức bổ sung hay trong các loại thực phẩm tự nhiên như rau, củ, quả đã có sẵn lượng natri nhất định. Lượng natri này phù hợp với khả năng hấp thụ và tiêu hóa của trẻ ở giai đoạn ăn dặm. Do đó, không cần thiết phải cho thêm muối vào đồ ăn của trẻ.
Trước thực tế nhiều người cho rằng, việc nêm một chút gia vị sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn so với việc cho trẻ ăn nhạt, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, quả thực, việc ăn nhạt quá có thể khiến trẻ biếng ăn. Do đó, nếu cha mẹ cảm thấy thực sự cần thiết, có thể nêm một chút muối vào đồ ăn của trẻ với độ mặn chỉ bằng 1/3 hay 1/4 so với thức ăn của người lớn.
Trẻ dưới 1 tuổi, lượng muối thường dao động trong khoảng 1g/ngày. Đối với trẻ trên 1 tuổi, lượng muối có thể tăng lên 1,5g/ngày. Trẻ 4-8 tuổi là 1,9g/ngày và tăng lên 2,2g/ngày trong khoảng từ 9-13 tuổi. Với những trẻ từ 14-18 tuổi, lượng muối cần thiết mỗi ngày khoảng 2,3g là đủ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ dưới 1 tuổi, cơ thể có thể tự xử lý lượng natri thừa trong các thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, nếu cho thêm các loại gia vị, nhất là muối ăn vào thức ăn của trẻ, lâu dần sẽ khiến cơ thể trẻ bị “quá tải”, gây áp lực lên thận. Mặt khác, việc bố mẹ nêm nhiều muối trong giai đoạn cho trẻ ăn dặm sẽ tập cho bé thói quen ăn mặn. Điều này thực sự không tốt khi lớn lên trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp về sau.
Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc hạn chế hàm lượng muối trong các đồ ăn tự nấu cho trẻ tại nhà, bố mẹ cũng nên lưu ý đọc kỹ thành phần trong các loại thực phẩm ăn dặm chế biến sẵn, được sản xuất công nghệp vì trong một số loại thực phẩm thường có hàm lượng muối rất cao.
Chẳng hạn, trong sữa bò có hàm lượng muối cao hơn so với sữa mẹ và sữa công thức. Trong khi đó, hàm lượng vitamin và khoáng chất lại thấp hơn. Vì vậy, đối với trẻ dưới 1 tuổi, không nên uống sữa bò để tránh tình trạng dư thừa muối trong cơ thể. Ngoài ra, các loại hải sản có vỏ, đường, mật ong, thức ăn đóng hộp cũng là những loại thực phẩm cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn để đảm bảo không gây hại cho cơ thể.