Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết nguồn đạm được chia thành 3 loại: Đạm động vật; Đạm thực vật và đạm từ sữa. Mẹ cần biết kết hợp các thực phẩm hàng ngày đảm bảo đủ 3 nguồn đạm để cung cấp đầy đủ 9 axit amin cần thiết cho bé.
- Để con lớn lên không bị bẹp đầu, đây là những việc bố mẹ nên làm ngay sau khi con lọt lòng
- 24 giờ đầu tiên sau sinh, mẹ nhớ phải làm 10 điều này ngay cho bé
Nguồn gốc các loại đạm
Chất đạm (protein) đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển của trẻ em. Chất đạm bao gồm 3 nhóm: Đạm động vật (thịt, cá, trứng, tôm, cua…); Đạm thực vật (các loại đậu, bắp, nấm...); Đạm từ sữa (đạm Whey và đạm Casein). Sự khác nhau giữa 3 loại đạm này là do thành phần axit amin cấu tạo nên chúng.
Axit amin được ví như những viên gạch xây dựng nền tảng cho hệ miễn dịch, hệ cơ và các chức năng sinh học quan trọng khác ở trẻ em và người lớn. Theo thống kê, có khoảng 20 loại axit amin, sự hoán đổi vị trí của các axit amin tạo nên những cấu trúc protein khác nhau.
Trong 20 loại axit amin này, có 9 loại axit amin thiết yếu cơ thể trẻ không tự tạo ra được mà phải lấy từ nguồn thực phẩm trong hoạt động ăn uống hàng ngày.
Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), nguồn đạm chất lượng phải đảm bảo việc cung cấp đủ 9 axit amin thiết yếu đồng thời có tỷ lệ hấp thu tốt để duy trì và phát triển các mô mới trong cơ thể đang tăng trưởng của bé. Theo đó:
- Nhóm đạm động vật: Chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu. Theo nghiên cứu, đạm động vật rất quan trọng cho trẻ trong giai đoạn phát triển. Ngoài ra, nguồn đạm này còn cung cấp thêm sắt, vitamin B12.
- Nhóm đạm thực vật: Nhóm đạm này thiếu 2 axit amin thiết yếu là Lysine và Methionine. Tuy nhiên, nguồn đạm này lại chứa một số vitamin và chất béo không no tốt cho sức khỏe bé. Đây là nguồn đạm hỗ trợ, cần kết hợp với nhau hoặc với đạm động vật hoặc đạm từ sữa để đảm bảo đủ 9 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể.
Nguyên tắc kết hợp các loại đạm trong bữa ăn cho trẻ em
Hiện nay, nhiều trẻ em có thói quen ăn lệch đạm, nghĩa là có xu hướng thích ăn 1 nhóm đạm nào đó mà không chịu thử hay ăn các món khác. Nếu mẹ cố tình ép trẻ ăn những loại đạm khác, tình trạng sẽ không được cải thiện.
Do đó, để thay đổi hành vi ăn uống này, cha mẹ cần biết cách cho con ăn tích cực theo nguyên tắc: Không ép trẻ ăn, vẫn tiếp tục giới thiệu lặp lại các món bé không thích trên tinh thần bé chọn thưởng thức. Đồng thời, cha mẹ nên hiểu được nhu cầu và cử chỉ cơ bản của trẻ khi đói, no hoặc khi bé tỏ vẻ không hứng thú với món ăn.
Việc thay đổi thói quen ăn lệch đạm cần nhiều thời gian. Bên cạnh phương pháp cho trẻ ăn tích cực, cha mẹ cần phân bố và kết hợp nguồn đạm dựa trên việc hướng lệch một cách cân bằng để cơ thể bé không bị hao hụt những axit amin thiết yếu.
Cách kết hợp các loại đạm trong bữa ăn cho bé
Nếu bé chỉ thích ăn cơm với nước tương hoặc chỉ thích ăn cơm với đậu hũ, mẹ cần làm gì để đảm bảo cung cấp đa dạng nguồn axit amin cho bé?
Mẹ có thể áp dụng phương pháp cho trẻ ăn tích cực nói trên và phân bổ bữa ăn như sau:
- Thêm 1 bữa ăn phụ cho bé với cá và thịt gà: Để cơ thể bé nhận được 9 axit amin thiết yếu, mẹ nên bổ sung thêm bữa ăn phụ giàu đạm động vật. Mẹ có thể chế biến đa dạng các món ăn: Cá chiên, thịt gà xé sợi… và khuyến khích trẻ bốc thức ăn bỏ vào miệng trong không khí thoải mái.
- Thêm bữa ăn phụ hoặc hỗ trợ bữa chính với nguồn đạm từ sữa: Mẹ nên chọn sữa có nguồn đạm chất lượng đảm bảo thích hợp với nhu cầu độ tuổi của con để tăng cân khỏe mạnh, tránh béo phì.
- Nếu bé không thích uống sữa, mẹ có thể linh động kết hợp sữa và trứng làm nên những chiếc bánh kem ít đường, bánh flan ít đường, sữa chua, kem... để kích thích quá trình ăn uống của bé. Những món ăn phụ này nên giới thiệu cho trẻ sau bữa ăn chính 30 phút.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)