Chữa thủy đậu không dứt điểm, toàn thân bé trai mọc mụn mủ, ứa máu

Chăm sóc con 16/06/2018 06:59

Điều trị thủy đậu không dứt điểm, khi bệnh nhi thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi T.H.M. (12 tuổi, ở Bắc Quang, Hà Giang) bị biến chứng nặng do mắc bệnh thủy đậu.

Qua khai thác tiền sử bệnh từ gia đình bệnh nhân được biết, trước thời điểm nhập viện bệnh nhi M. bị thủy đậu. Bệnh nhi đã được gia đình đưa vào điều trị tại bệnh viện tuyến huyện. Sau 1 tuần nằm viện, gia đình xin cho cháu M. về nhà để tiện chăm sóc khi thấy tình hình bệnh của cháu đã thuyên giảm. Trước đó bệnh nhi M. chưa được tiêm phòng vắc xin thủy đậu.

Tuy nhiên, sau khi về nhà, bệnh tình của cháu M. không có dấu hiệu đỡ, thậm chí cháu còn bị sốt cao li bì, có những lúc sốt trên 40 độ, ăn uống kém, kèm theo mụn nước và chảy nhiều mủ và máu.

Thấy tình hình bệnh của M. có dấu hiệu nặng hơn, ngày 9/6, gia đình đã đưa M. đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám và điều trị trong tình trạng đau bụng âm ỉ, ngực đau từng cơn, da toàn thân xuất hiện nhiều mụn mủ đa kích thước chảy dịch lẫn máu, đau và ngứa rất nhiều.

Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.

Chữa thủy đậu không dứt điểm, toàn thân bé trai mọc mụn mủ, ứa máu - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn toàn khoa và thống nhất điều trị cho bệnh nhi bằng phác đồ kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn huyết và thủy đậu bội nhiễm.

Sau 4 ngày điều trị tích cực hiện tại bệnh nhi đã hết sốt và sức khỏe tiến triển tốt.

Trao đổi với PV, BS. Phùng Thị Xuân – bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhi M. chia sẻ nguyên nhân khiến tình trạng bệnh của cháu M. diễn biến phức tạp. Đó là do bệnh nhi điều trị không được dứt điểm.

“Khi trẻ có dấu hiệu bệnh cần đến bệnh viện điều trị ngay và thực hiện theo đúng lời khuyên và phác đồ điều trị của bác sĩ”, BS. Phùng Thị Xuân nói.

Hiện nay, bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vắc xin, vì thế phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng đúng độ tuổi, đúng lịch như sau:

- Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 3 tháng. Riêng với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, lịch tiêm được khuyến cáo gồm:

+ Mũi 1: lúc 12 tháng tuổi

+ Mũi 2: lúc 4 – 6 tuổi.

- Với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1.5 tháng. Riêng với phụ nữ, nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

- Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Bé trai bị nhiễm khuẩn huyết do biến chứng thủy đậu

Bé 12 tuổi (Hà Giang) xuất hiện mụn mủ toàn thân do thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết bởi tụ cầu vàng.

TIN MỚI NHẤT