Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt?

Chăm sóc con 17/08/2019 05:00

Cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc để điều trị sốt cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mà cần đưa trẻ tới khám bác sĩ.

Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đi khám?

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, sốt là một triệu chứng quan trọng do nó có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị mắc một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nào đó.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt? - Ảnh 1
Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Khi cha mẹ thấy nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh mặc dù chỉ cao hơn một chút so với nhiệt độ bình thường là 38 độ C khi đo tại trực tràng hay 37,5 độ C khi đo tại nách, thì không nên chần chừ mà đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ đi khám nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

- Khóc liên tục không ngừng

- Co giật

- Phần thóp trên đỉnh đầu bị sưng to

- Có biểu hiện đau đớn

- Có những vết tím trên da hoặc bị phát ban

- Da xanh tái hoặc ửng đỏ

- Khó thở

- Không chịu bú mẹ hay bú bình

- Khó khăn khi nuốt

- Nôn mửa, tiêu chảy

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ sơ sinh

Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ sơ sinh đang phải chống lại một bệnh nhiễm trùng nào đó. Vi khuẩn và virus thường phát triển mạnh tại nhiệt độ gần với nhiệt độ cơ thể bình thường. Khi chúng ta bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên khiến cho vi khuẩn và virus khó tồn tại. Hiện tượng sốt cũng kích hoạt hệ miễn dịch, kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động để chống nhiễm trùng.

Thông thường, sốt thường đi kèm với các căn bệnh thông thường như cảm cúm, đau họng hay viêm tai, nhưng đôi khi có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng hơn.

Cách đo nhiệt độ cơ thể đối với trẻ sơ sinh

Có hai cách để đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ sơ sinh: tại trực tràng và dưới nách. Mẹ không nên sử dụng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho trẻ nhỏ. Cách chính xác nhất là đo tại trực tràng. Tuy nhiên nhiều phụ huynh không thấy cách đo này tiện lợi cho lắm.

Dưới đây là một vài mẹo chỉ dẫn cách đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ tại nhà:

Đo nhiệt độ tại trực tràng sử dụng nhiệt kế điện tử

- Đặt trẻ nằm ngửa và nâng đầu gối trẻ sát về phía bụng. Sẽ dễ dàng hơn nếu có hai người cùng làm để giúp đo nhiệt độ của trẻ.

- Đảm bảo rằng nhiệt kế được lau sạch.

- Nhúng đầu nhiệt kế vào dầu bôi trơn tan trong nước.

- Đặt nhiệt kế vào phần trực tràng của trẻ sâu vào trong khoảng 2,5 cm.

- Đợi một thời gian để đọc kết quả. Thời gian kết thúc sẽ được thông báo sau một tiếng bíp. Đọc kết quả và ghi lại vào giấy.

- Rửa sạch nhiệt kế bằng nước và xà phòng.

- Khoảng nhiệt độ thông thường tại trực tràng dao động từ 36,6 độ C tới 38 độ C.

Đo nhiệt độ dưới nách

- Đặt phần bầu nhiệt kế (phần cảm nhận nhiệt) trực tiếp dưới nách của trẻ và đặt cánh tay trẻ dọc sát theo thân người. Đảm bảo rằng phần bầu cảm nhận nhiệt được nách bao phủ toàn bộ.

- Đợi một thời gian để đọc kết quả.

- Khoảng nhiệt độ thông thường dưới nách dao động từ 36,7 độ C tới 37,1 độ C.

Lưu ý: ‎Đo nhiệt độ tại miệng không được khuyến cáo cho tới khi trẻ được 4 tuổi. Đo nhiệt độ tại tai cũng không được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nó thường cho kết quả không chính xác. Đo nhiệt độ ở tai có thể áp dụng cho trẻ trên 2 tuổi. Nhiệt kế đo trán cũng không được khuyến cáo do cũng cho kết quả thiếu chính xác.

Cách điều trị sốt ở trẻ sơ sinh

Cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mà hãy đưa trẻ tới khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Thông thường các bác sĩ sẽ kê thuốc paracetamol với liều lượng xác định cụ thể.

Trong thời gian này, mẹ vẫn có thể cho trẻ bú sữa mẹ hay sữa bột bình thường. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước như khô miệng, tiểu ít, khóc khan, mắt trũng sâu, thóp trũng, da khô, mẹ có thể bổ sung cho trẻ dung dịch bù nước điện giải giữa những lần cho bú sữa. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết được những việc chính xác cần làm.

Mẹ cũng có thể lau người cho trẻ bằng nước ấm. Nước bốc hơi trên da có thể giúp làm hạ nhiệt độ cơ thể trẻ và lưu ý không nên thêm cồn hay rượu vào nước.

Bé trai 27 tháng tuổi nguy kịch, hỏng gan vì ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol

4 ngày sốt cao từng cơn kèm theo triệu chứng ho, khò khè, bé trai được cho uống thuốc hạ sốt với liều cao hơn độ tuổi và cân nặng. Sau đó, trẻ có dấu hiệu ngộ độc thuốc hạ sốt.

TIN MỚI NHẤT