Những thực phẩm trẻ vẫn ăn hàng ngày tưởng chừng vô hại nhưng thực ra lại có tác động rất lớn tới răng bé. Dưới đây là danh sách những loại thực phẩm có hại nhất cho răng bé.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng “mòn răng”, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do bé ăn nhiều đồ ngọt – những loại thức ăn có hàm lượng đường cao, tính bám dính mạnh và dễ lên men sinh axit. Lớp men răng và lớp ngà răng của răng sữa cũng tương đối mỏng, độ canxi hóa thấp nên dễ bị sâu và khi đã bị sâu thì mức độ bệnh tiến triển rất nhanh. Răng dần dần mủn và tiêu đi, không đau nhức, chỗ bị sún chỉ nông chứ không sâu như lỗ răng sâu, lâu dần chỉ còn những mỏm răng gần tụt xuống lợi làm chân răng nằm sát với lợi, rất cứng, đen bóng.
Để bảo vệ hàm răng cho bé, ngay từ hôm nay các bậc cha mẹ hãy loại bỏ ngay những thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống hàng ngày của bé nhé!
1. Nước uống có ga
Lượng đường có trong nước uống có ga có hại cho cả cơ thể lẫn răng. Ngay cả những loại nước uống không đường cũng chưa chắc đã an toàn cho răng bé. Nước uống có ga được làm ngọt nhân tạo có chứa các axít gây hại cho răng như phosphoric và citric. Ngay cả nước trà đóng chai cũng có chứa các axít hữu cơ có thể bào mòn men răng.
2. Nước uống vitamin
Nước uống vitamin nghe có vẻ lành mạnh nhưng cũng có thể gây hại cho răng bé vì chúng có chứa một lượng đường tương đương với một thanh kẹo. Các loại nước uống thể thao cũng chứa rất nhiều đường và axít. Thực phẩm bổ sung vitamin dạng viên nhai lại càng không tốt vì chúng có chứa một loại axít đậm đặc thường bám lại giữa các kẽ răng.
3. Các loại thuốc gây khô miệng
Một số loại thuốc có thể gây khô miệng vốn rất có hại cho răng và lợi. Trong trường hợp này, bạn nên dưỡng ẩm cho miệng của bé bằng cách cho bé súc miệng bằng nước pha florua hoặc nhấm nháp nước trái cây.
4. Các loại kẹo dính và lâu tan
Các loại kẹo caramel và kẹo dính chứa đầy đường rất có hại cho răng bé. Vấn đề ở đây không chỉ là đường mà còn là cách mà răng bé tiếp xúc với đường. Các loại kẹo này thường bám rất dai dẳng trên bề mặt và trong các kẽ răng. Trong khi đó, các loại kẹo cứng và kẹo mút cũng không tốt cho răng vì chúng rất lâu tan khiến bé phải ngậm hoặc mút chúng trong thời gian dài.
5. Trái cây sấy khô
Nếu nho và mận được xem là những thực phẩm rất tốt thì khi được sấy khô chúng lại trở thành kẻ thù của răng. Tuy là những món ăn vặt rất lành mạnh nhưng trái cây sấy khô lại tương tự như kẹo caramel. Vốn đã ngọt khi còn tươi, lượng đường trong trái cây lại càng đậm đặc hơn khi phần nước đã được sấy khô, và lúc này chúng rất dễ dính lại trên bề mặt và trong các kẽ răng.
6. Các loại thực phẩm có tính axit
Tiến sĩ Dabholkar cho rằng, các thực phẩm có tính axit rất có hại cho răng vì nó làm cho lớp men răng bị ăn mòn đi. Ông cho rằng sau khi ăn các loại thực phẩm như cam, chanh, cà chua và bưởi... bạn nên đánh răng, súc miệng thật kỹ lưỡng để giảm lượng axit tồn đọng lại trên răng, gây hủy hoại men răng khiến răng trở nên nhạy cảm.
7. Các loại thực phẩm giàu tinh bột
Chúng ta có xu hướng tiêu thụ rất nhiều đồ ăn vặt hoặc thực phẩm chứa tinh bột mà không biết ảnh hưởng của chúng đối với răng của mình. Một số món ăn chứa nhiều tinh bột như khoai tây chiên, bánh mì trắng, bánh pizza, mì ống và bánh mì kẹp thịt... có thể dễ dàng kẹt giữa các kẽ răng.
Mặc dù các thực phẩm này không có đường nhưng tinh bột trong chúng lại sớm chuyển đổi thành đường gần như ngay lập tức vì quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng nên nó cũng có hại cho răng.
Cách bảo vệ răng cho bé ngay từ nhỏ
Theo các bác sĩ nha khoa, kể cả khi trẻ chưa có chiếc răng nào hay khi trẻ có những chiếc răng đầu tiên, cha mẹ đã phải chú ý đến việc vệ sinh răng miệng cho trẻ. Việc vệ sinh bằng bàn chải đánh răng có thể khó khăn, do đó có thể thay bằng gạc sạch thấm nước nhẹ nhàng chà sạch mặt trong, ngoài của nướu và răng.
Nếu trẻ chưa thể bỏ việc uống sữa về đêm, hãy luôn để một bình nước lọc bên cạnh để cho bé tráng miệng lại. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo nên cho trẻ thôi bú đêm từ 8 – 10 tháng tuổi. Vì việc bú về đêm thường làm cho trẻ bị gián đoạn giấc ngủ, kém phát triển chiều cao và cũng là nguyên nhân của việc hư răng sữa.
Khi răng trẻ đã mọc tương đối đầy đủ (khoảng 2 – 3 tuổi) cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen tự dùng bàn chải đều đặn sau mỗi lần ăn uống với một tí xíu kem đánh răng (chỉ nhỏ bằng hạt đậu) loại dành cho bé. Những lần đầu có thể bé sẽ nuốt một ít, cũng không có vấn đề gì. Hãy kiên nhẫn hướng dẫn dần để bé biết cách chải răng.
Ngoài ra, với những trẻ đã lớn, cha mẹ nên hạn chế cho bé ăn nhiều bánh kẹo vào buổi tối. Không nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn nhanh có giấy gói thực phẩm. Hãy bảo vệ răng của trẻ ngay từ sớm các cha mẹ nhé!