Chỉ khởi phát từ một đợt sốt, nhưng bé Vinh đã phải chống chọi với rất nhiều đau đớn của các căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ khác và cuối cùng là không thể qua khỏi.
- Mẹ bị ung thư gan, con bị suy thận, bác sĩ nói tất cả đều do thói quen của mẹ
- 15 câu hỏi cha mẹ phải dạy con để ứng phó trong những tình huống nguy hiểm đang cận kề
Cho đến thời điểm hiện tại, dù con trai đã qua đời được gần 49 ngày mà chị Trần Yến (26 tuổi, hiện đang sống ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) vẫn chưa thể tin được vào sự thật mình đã mất con. Bởi con trai Đào Phước Vinh (sinh ngày 10/1/2018) của chị khi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, kết quả xét nghiệm máu gót chân không có bệnh bẩm sinh gì, thế nhưng chỉ qua một đợt sốt, 5 ngày nhập viện, bé đã không còn tỉnh lại được nữa. Từ chẩn đoán ban đầu bị viêm loét cổ họng, bé được nhập viện rồi bị loạt bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu, viêm cơ tim tối cấp, hy vọng cứu sống bằng biện pháp tối tân nhất là kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng cũng không thực hiện được.
Bệnh khởi phát từ triệu chứng sốt tái đi tái lại
"Lúc đầu con mình chỉ sốt nhẹ 38 độ, bà nội vặt lá khế giã nát, bọc vào khăn xô, dấp nước nóng đắp cho con thì con hạ sốt nên mình không cho con đi khám nữa. Khoảng 3-4 ngày sau đó, con đang chơi bỗng dưng khóc rất to, rất lâu không thể nào dỗ được. Mình nghĩ có thể do mấy ngày con không ị được nên con bị chướng bụng, liền chạy đi mua thuốc về thụt hậu môn cho con. 5 phút sau khi thụt, con ị được rất nhiều. Sau đó con nín khóc luôn và ngủ rất ngoan", chị Tuyết kể lại những ngày đầu khởi phát bệnh của con.
Sau hôm đó, giọng bé Vinh bắt đầu khản đặc, nghe giọng con ê a không thành tiếng, mẹ xót xa lắm nhưng cũng không biết làm thế nào. 2 ngày sau, bé lại tiếp tục sốt 39 độ, chị Tuyết pha thuốc hạ sốt cho con thì chỉ 1 lúc sau, thuốc có tác dụng, bé hết sốt và chơi bình thường.
Đến khoảng 10 ngày sau lần bị sốt này, bé Vinh lại bị sốt và sốt liên tục, triền miên, uống thuốc hạ sốt chỉ hạ được vài tiếng rồi sốt lại. Sau 1 ngày bé bị sốt liên tục như vậy, chị Tuyết cho bé đi khám tại một phòng khám Nhi gần nhà. Trong khi được thăm khám, tình trạng của bé Vinh đã hạ sốt. Bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm loét cổ họng, kê đơn và dặn mẹ bé 2 ngày sau tái khám nếu không đỡ.
"Mình cứ nghĩ chắc do mấy hôm trước con khóc to quá, khản cả tiếng nên mới bị viêm loét cổ họng. Thế nhưng về nhà, cho con uống thuốc buổi chiều, đến tối hôm đó và sáng hôm sau cũng vẫn không thấy con đỡ, chỉ thấy con li bì hơn. Vợ chồng mình quyết định thuê xe đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 ở Sài Gòn. Sau khi khám, làm xét nghiệm máu, bác sỹ cho con nhập viện ngay vì có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Bác sỹ chỉ nói vậy chứ không nói rõ là bị nhiễm trùng gì", chị Tuyết đau đớn hồi tưởng lại.
Rơi vào tình trạng li bì, mất ý thức, trải qua cơn nguy kịch
Sau khi nhập viện, bé Vinh được cho uống thuốc theo đơn kê của bác sỹ, hạ sốt và tươi tỉnh hơn. Cả gia đình đã có chút hy vọng. Thế nhưng đêm đó, bé lại quấy khóc cả đêm và không chịu bú (trước đó khi ở nhà, bé vẫn bú rất tốt). Chị Tuyết phải vắt sữa ra cốc rồi đút từng thìa cho con. Đến gần sáng, bé ngủ được một lúc, khi tỉnh dậy lại tươi tỉnh và không sốt. Buổi chiều hôm đó, sau các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, bác sỹ kết luận bé Vinh bị viêm phổi nặng, cần được tiêm thuốc kháng sinh nặng, mỗi ngày 2 lần. Sau khi chích mũi đầu tiên, đến khoảng 4h chiều, bé Vinh đi ị được, nhưng lại ị liên tục khiến chị Tuyết rất lo sợ.
Không lâu sau, bé Vinh bắt đầu rơi vào tình trạng li bì, mất dần ý thức: "Khi mình đút sữa cho con, con không ý thức được là phải há miệng ra và nuốt nữa. Mình cứ đút thìa nào, con lại phun hết ra. Rồi khi mình sờ vào ngực con thì thấy tim con đập rất lạ, lúc thì nhanh và mạnh như muốn vỡ lồng ngực, lúc lại chậm và nhẹ như không đập. Bác sỹ kiểm tra, chẩn đoán con bị rối loạn tiêu hóa, cần cho vào phòng cấp cứu ngay để bác sỹ theo dõi", chị Tuyết run rẩy kể lại chuyển biến xấu của con.
Sau khi vào phòng cấp cứu, bé Vinh được truyền nước, kháng sinh và thuốc hạ sốt ngay lập tức. Đến khoảng 11h đêm, bé Vinh có tình trạng rất lạ khi mắt cứ mở mà miệng ngáp liên tục nên được bác sỹ chuyển sang giường khác, có máy móc hỗ trợ và gần chỗ bác sỹ trực hơn để tiện theo dõi.
"Chuyển được khoảng 15 phút thôi, khi mình và bác sỹ vẫn đang đứng cạnh con để nói chuyện về bệnh của con, thì đột nhiên mặt con trắng bệch, môi con cũng trắng theo. Rồi tất cả bác sỹ tập trung cấp cứu cho con mình. Mình như chết ngất đi, nhưng chỉ biết khóc. Sau khi cấp cứu xong, bác sỹ thông báo rằng hiện tại con đã qua cơn nguy kịch, nhưng gia đình hãy chuẩn bị tinh thần cháu có thể không qua khỏi đêm nay. Giây phút ấy, mình như người điên", chị Tuyết vẫn chưa quên thời khắc như có nhát dao cứa vào ngực mình.
Nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim tối cấp, chuyển viện để chạy Ecmo
"Buổi trưa hôm sau, bác sĩ gọi vợ chồng mình lên và giải thích rằng: "Cháu bị nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn, đã được các bác sỹ cho lọc máu cả đêm nhưng cơ thể cháu không tiếp nhận. Tình hình cháu không có tiến triển gì, chúng tôi nghi ngờ cháu bị viêm cơ tim tối cấp nên tim cháu không thể tự co bóp được nữa. Giờ chỉ có 1 hy vọng cuối cùng là chuyển cháu sang Bệnh viện Chợ Rẫy để chạy Ecmo cho cháu". Vợ chồng mình lại như chết điếng người", chị Tuyết kể lại.
Đó là khi chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng để cứu lấy con, nhưng vợ chồng chị Tuyết vẫn cố bám vào, dù xác suất rất thấp và chi phí vô cùng đắt đỏ.
Sau khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bé Vinh được chuyển ngay vào phòng hồi sức cấp cứu, người nhà không được vào trong. Hai vợ chồng chị Tuyết phải ký vào bản cam kết, rằng trong quá trình điều trị có thể máu không nuôi đủ các chi, nên sẽ phải cắt bỏ tay, chân của con, rồi nhiều biến cố có thể xảy ra. "Bác sỹ có nói rằng nếu con mình có chữa khỏi được thì cũng 80% không trở về là con người bình thường được nữa. Nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau rằng không sao đâu, chỉ cần con khỏi bệnh thì dù con có ra sao hay như thế nào, bố mẹ vẫn yêu thương và chăm sóc con".
"Sau ca phẫu thuật đặt hệ thống máy Ecmo xong, vợ chồng mình được vào thăm con. Giây phút nhìn thấy con, mình như người điên, cảm giác bị bóp nghẹt lồng ngực. Mới 5 tháng tuổi và hơn 7kg nhưng gắn trên người con là 1 đống máy móc nặng mấy trăm ký và một đống dây rợ chằng chịt. Sau đó, gia đình xuống khu vực dành cho thân nhân chờ, 1 ngày chỉ được vào thăm con 1 lần 30 phút nhưng riêng trường hợp nhà mình được ưu tiên cho thăm 2 lần 1 ngày. Mỗi lần vào thăm con lại là một lần mình quặn đau, muốn chết đi cho xong..."
Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày chạy Ecmo, bé Vinh đã không thể chống cự thêm được nữa và trút hơi thở cuối cùng. Dù cho tất cả các bác sỹ và y tá đã nỗ lực hết sức, cùng với kỹ thuật Ecmo tối tân nhất trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay. Chị Tuyết và gia đình, dù trăm ngàn lần không muốn, vẫn phải đón nhận sự thật là mình đã mất con.
Kể lại bi kịch đau đớn của mình, chị Tuyết chỉ muốn góp thêm một tiếng nói cảnh tỉnh đến các gia đình khác: "Mình không muốn có thêm những trường hợp thương tâm như con mình nữa, nên muốn nhắn gửi đến các mẹ khác, đừng lơ là chút nào với dấu hiệu bệnh của con. Hãy đưa con đi khám ở các bệnh viện lớn sớm nhất khi có thể, bởi ở giai đoạn bệnh khởi phát, nếu kịp thời, mình vẫn có thể sẽ cứu được con".