Hấp thụ quá nhiều nước có thể khiến trẻ có nguy cơ bị ngộ độc nước - một tình trạng gây nguy hiểm đến tính mạng xảy ra khi lượng nước dư thừa tồn đọng trong cơ thể quá nhiều.
- 10 mẹo nhỏ giúp bố mẹ cho bé bú bình nhàn nhã hơn mà chẳng sách vở nào dạy
- 8 nguyên tắc sức khỏe mọi bà mẹ nên tuân thủ từ lúc mang thai để nuôi con luôn khỏe mạnh
Cơ thể con người cần được cung cấp nước thường xuyên và đầy đủ. Môt người trưởng thành trung bình cần uống bổ sung 1,5-2,5l nước mỗi ngày để bù đắp lại lượng nước bị mất đi qua mồ hôi, nước giải và hít thở. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không bao giờ nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước. Hấp thụ quá nhiều nước có thể khiến trẻ có nguy cơ bị ngộ độc nước - một tình trạng gây nguy hiểm đến tính mạng xảy ra khi lượng nước dư thừa tồn đọng trong cơ thể quá nhiều.
Đây là lý do tại sao không nên cho trẻ sơ sinh uống nước.
Sữa mẹ và sữa công thức là nguồn cung cấp nước cho trẻ
Thậm chí khi còn rất nhỏ, trẻ sơ sinh phản ứng lại cảm giác khát rất chính xác. Khi trẻ khát như vậy, loại chất lỏng trẻ cần uống là sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 6 tháng tuổi không cần uống thêm nước. Trẻ hấp thụ nước từ sữa mẹ và sữa công thức. Đó là tất cả những gì trẻ cần, thậm chí trong điều kiện thời tiết nóng bức. Trên thực tế, sữa mẹ chứa tới 88% nước và sữa công thức - hầu hết được pha chế theo tỷ lệ 1:2 (1 muỗng gạt sữa : 2 ounce nước), sẽ đóng vai trò là nguồn cung cấp nước đầy đủ và thường xuyên cho cơ thể trẻ.
Việc cha mẹ không bao giờ nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước không chỉ do trẻ đã được cung cấp đủ lượng nước từ sữa mẹ và sữa công thức, mà còn bởi uống nhiều nước có nguy cơ cao gây hại cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Uống nước gây hại cho sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh không cần uống nước, nhưng uống nước gây nguy hiểm cho trẻ như thế nào? Câu trả lời sau đây sẽ gây ngạc nhiên cho phần đông các bậc phụ huynh:
Ngộ độc nước: Tình trạng này xuất hiện do sự mất cân bằng hàm lượng sodium và chất điện giải trong cơ thể. Trước 6 tháng tuổi, thận của trẻ chưa phát triển hoàn thiện chức năng lọc nước từ máu. Khi lượng nước hấp thụ vào cơ thể trẻ vượt quá khả năng lọc ít ỏi của thận, nước dư thừa thấm ngược vào máu và hòa tan sodium. Sodium bị thiếu hụt có thể ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ, vì vậy các triệu chứng ban đầu của ngộ độc nước có thể bao gồm quấy khóc, ngủ li bì và các dấu hiệu thần kinh khác. Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị ngộ độc nước cũng có khả năng dẫn đến hiện tượng hạ thấp nhiệt độ cơ thể (thường dưới 36 độ C), mặt sưng phù và động kinh.
Tuy nhiên, nguy cơ không chỉ dừng ở việc cho trẻ uống nước. Trên thực tế, phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh ngộ độc nước mà không uống một ngụm nước nào. Một sai lầm thường thấy là người lớn vô tình pha sữa công thức cho trẻ quá loãng, hoặc các bậc phụ huynh cho trẻ ngụp lặn trong bể bơi, và trong thời gian đó, trẻ sơ sinh sẽ uống vào quá nhiều nước.
Thiếu dinh dưỡng: Nước có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Thậm chí một lượng nhỏ nước cũng làm đầy dạ dày nhỏ xíu của trẻ và ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ vốn có sẵn trong sữa mẹ và sữa công thức, dẫn đến nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng và gây ra các vấn đề như tăng cân chậm và lười ăn.
Ngoài ra, pha chế sữa công thức sai tỷ lệ cũng có thể khiến trẻ không nhận đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho cơ thể.
Trẻ sơ sinh có thể bị mất nước không?
Hầu hết các bậc phụ huynh cho trẻ uống thêm nước là do xuất phát từ tâm lý sợ trẻ bị mất nước. Vậy trẻ có thể bị mất nước không? Câu trả lời là không, miễn là trẻ vẫn ăn tốt và tăng cân đều đặn. Ngoại lệ duy nhất là khi trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe như bị sốt, cảm lạnh, cảm cúm, v.v… nhất là nếu trẻ bị nôn mửa và tiêu chảy. Cha mẹ có thể để ý đến các dấu hiệu mất nước như trẻ tè/ị ít hơn bình thường, trẻ mệt lả và lịm đi, trẻ khóc không ra nước mắt hay thóp trẻ bị lõm xuống.
Thậm chí trong trường hợp mất nước như vậy, cho trẻ uống bổ sung quá nhiều nước cũng không phải điều được các bác sĩ khuyến cáo.
Với trẻ trên 6 tháng tuổi, tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình, có thể bổ sung lượng nhỏ nước giữa mỗi lần ăn sữa.
Khi nào trẻ có thể uống nước?
Uống nước có thể gây hại cho trẻ sơ sinh, vậy đâu là thời điểm an toàn trẻ có thể uống nước? Câu trả lời là quy luật dễ nhớ sau đây: Uống nước là an toàn cho trẻ bất kỳ khi nào trẻ tập làm quen với đồ ăn rắn - thông thường khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, lượng nước trẻ nên uống phụ thuộc khá nhiều vào độ tuổi theo khuyến cáo của các bác sĩ:
Với trẻ 0-6 tháng tuổi: Không uống bổ sung nước.
Với trẻ 6-12 tháng tuổi: Tối đa 60-120ml nước mỗi ngày. Hầu hết trẻ ăn sữa mẹ không cần uống bổ sung nước. Trẻ ăn sữa công thức có thể cần nhiều nước hơn một chút, nhưng tuyệt đối không quá 120ml. Cha mẹ nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội và không nên dùng nước uống thay sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sữa mẹ hoặc sữa công thức cần đóng vai trò là đồ uống chính của trẻ đến khi trẻ được 12 tháng tuổi. Sau 12 tháng, nguồn bổ sung nước chủ yếu của trẻ nên là nước uống, sữa tươi hoặc sữa mẹ.
Với trẻ 1-3 tuổi: Nhiều chuyên gia khuyến cáo trẻ nên uống 800-1200ml, nhưng đó là quá nhiều nếu trẻ vẫn bú sữa mẹ. Trẻ ở độ tuổi này có thể uống nước tự do hơn, nhưng lượng nước cần thiết thường phụ thuộc vào việc trẻ còn bú mẹ hay không, và nếu có tần suất bú mẹ như thế nào.
Khi trẻ đến một độ tuổi nhất định, tập cho trẻ thói quen uống nước là điều nên làm. Độ tuổi hợp lý và an toàn là 6 tháng tuổi. Hãy bắt đầu chậm rãi và kiên nhẫn. Trẻ sẽ không uống nhiều thêm vài ngụm nước chỉ sau một vài nỗ lực của cha mẹ đâu - và điều đó hoàn toàn ổn, bởi trẻ không thực sự cần lượng nước đó. Nhưng cho trẻ uống nước ở thời điểm này sẽ giúp trẻ quen với vị của nước.
Cha mẹ cần tìm ra cách trẻ thích uống nước nhất, dù trẻ uống bằng bình, cốc, ống hút hay thậm chí nắp chai nước khoáng. Đừng giật mình nếu trẻ phụt nước lại, ít nhất trẻ đã quen với vị của nước uống từ khi còn sơ sinh rồi.