Theo các chuyên gia truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện nhiều vào tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời cho trẻ.
- Trẻ 2 tháng tuổi bị áp xe vùng góc hàm được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh được nguy hiểm đến tính mạng
- Bé 4 tháng tuổi bị sốc phản vệ sau khi uống 40ml sữa công thức khiến người mềm nhũn, tấy đỏ
Nguy kịch vì quên tiêm
Theo thống kê, số trường hợp viêm não Nhật Bản có để lại di chứng nặng nề chiếm đến hơn 50% tổng số người mắc bệnh này. Các di chứng có thể bao gồm liệt nửa người, bại liệt, bại não, mất ngôn ngữ, rối loạn tâm thần,... Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm não Nhật Bản cũng khá cao, đạt đến 20 - 30%.
Trường hợp của bé N. Q. Tr. (10 tuổi, ở Hải Dương) vào viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Người nhà cho biết, trẻ xuất hiện sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt. 2 ngày sau, trẻ xuất hiện đau đầu, buồn nôn nên được đưa đến bệnh viện tỉnh.
Tại đây, sau khi tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm và chọc dịch não tủy, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc viêm não Nhật Bản và chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương. Do bệnh diễn biến nhanh và nặng nên trẻ đã điều trị thở máy, dùng thuốc chống phù não.
Mẹ của bé Tr. cũng không nhớ con gái đã được tiêm viêm não Nhật Bản chưa. Khi nghe bác sĩ nói tình hình bệnh của con, bà mẹ này ân hận vì đã không để ý đến việc tiêm phòng cho trẻ.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ ca mắc đứng hàng đầu tại Việt Nam trong số các ca viêm não, tình trạng bệnh lý đều nặng nề. Hầu hết các trẻ mắc viêm não đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Dấu hiệu của bệnh
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác như:
Trẻ có dấu hiệu sốt cao, nếu chỉ sốt virus thì khi hạ sốt trẻ sẽ không mệt mỏi, li bì như sốt của viêm não Nhật Bản.
Sốt do viêm não Nhật Bản thì đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. TS Lâm nhấn mạnh sốt cao kèm nôn không phải do ăn uống thì cần nghĩ ngay khả năng viêm não.
Bệnh diễn tiến rất nhanh chỉ 1 đến 3 ngày sau bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy nếu không cấp cứu kịp thời thì có thể tử vong. Vì thế, nếu chậm chạp đưa đi cấp cứu thì trẻ có nguy cơ tử vong rất lớn hoặc để lại di chứng nặng nề.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm vào mùa hè đều tiếp nhận hàng chục ca mắc viêm não Nhật Bản và đa phần các ca nhập viện đều trong tình trạng nặng, thậm chí có những trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn.
Nguyên nhân là do phụ huynh thường quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con, đồng thời đưa đến viện khi đã trong giai đoạn tiến triển nặng.
Để phòng viêm não Nhật Bản, bác sĩ Lâm cho biết tiêm chủng là cách duy nhất. Hiện nay, việc tiêm chủng viêm não Nhật Bản có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh có thể chú ý cho con đi tiêm chủng.
Sau dịch Covid-19, nhiều phụ huynh quên tiêm chủng cho con, điều này rất nguy hiểm. BS Phạm Thị Ngoan, Phòng Tiêm chủng của Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết hiện nay vắc xin viêm não Nhật Bản cần được ưu tiên nhất vào mùa hè này. BS Ngoan cho biết lịch tiêm của viêm não Nhật Bản như sau:
Mũi 1: khi trẻ 1 tuổi
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: 1 năm sau khi tiêm mũi 2
BS Ngoan cho biết vắc xin viêm não Nhật Bản không bền vững mãi mãi. 3 mũi tiêm chủng này chỉ có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên.
Do đó các bậc phụ huynh sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3-4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.
Những trường hợp không tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là những người dị ứng với những thành phần của vắc xin, người mắc các bệnh thuộc về bệnh bẩm sinh, bệnh nhi đang triệu chứng sốt cao, không khỏe hoặc mắc bệnh nhiễm trùng,…
Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh ác tính nói chung và bệnh tim, gan, thận, tiểu đường, ung thư máu, suy dinh dưỡng, bệnh quá mẫn; phụ nữ có thai cũng là những nhóm đối tượng chống chỉ định với vắc xin này.