Bé 4 tháng tuổi đã có sự phát triển nhanh chóng. Vì vậy, cha mẹ phải tìm hiểu nhiều hơn về nhu cầu của con và đặc điểm phát triển của trẻ trong thời điểm này để có cách chăm sóc phù hợp.
- Ròng rã theo con bị viêm da cơ địa, gãi trầy da tróc vảy cũng không hết ngứa, mẹ Hà Nội đúc rút loạt kinh nghiệm xương máu dành cho hội chị em nuôi con nhỏ
- Con bị sốt đi viện mãi không khỏi, mẹ Sài Gòn bỗng hoảng hốt khi thấy con hắt xì ra dị vật đáng sợ này
Vào thời điểm 4 tháng tuổi, giác quan của bé không chỉ tinh nhạy hơn so với lúc mới sinh mà còn ở vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển ngôn ngữ. Nhiều trẻ còn có dấu hiệu cho việc mọc chiếc răng đầu tiên. Bé sẽ có sự phát triển rõ ràng so với những tháng về trước.
CÁC CHỈ SỐ CỦA BÉ 4 THÁNG TUỔI
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chuẩn chiều cao, cân nặng của trẻ 4 tháng tuổi như sau:
- Đối với bé trai:
+ Chiều dài: từ 59,7 - 68,0cm; trung bình: 63,9cm
+ Cân nặng: từ 5,6 - 8,7kg; trung bình: 7,0kg
- Đối với bé gái:
+ Chiều dài: từ 57,8 - 66,4cm; trung bình: 62,1cm
+ Cân nặng: từ 5,0 - 8,2kg; trung bình: 6,4kg
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ 4 THÁNG TUỔI
1. Vận động của trẻ 4 tháng tuổi
- Những ngón tay khéo léo: trẻ đã biết sử dụng đôi tay để cầm nắm các vật trong tầm với của mình.
- Đôi chân mạnh mẽ: bé có thể nhún và búng khá mạnh bằng đôi chân của mình.
- Làm chủ phần đầu và cổ:
+ Bé có thể ngồi nếu có sự trợ giúp.
+ Giữ thẳng đầu và ngực.
+ Đã có thể nằm sấp mà nâng đầu, cổ lên khá lâu
- Cuộn từ trước ra sau.
- Vừa nhìn và di chuyển khi phát hiện ra thứ gì mà bé muốn. Sau đó với lấy nó.
- Dùng mắt theo dõi các vật thể di chuyển từ bên này sang bên kia.
- Trẻ đưa tay lên miệng.
2. Nhận thức của bé 4 tháng tuổi
- Hiểu được nguyên nhân và kết quả.
- Bé nhận biết được sự tồn tại của sự vật.
- Cười tự nhiên hơn.
- Thích vui chơi và đã có thể có những phản ứng với cảm xúc tiêu cực. Ví dụ như sẽ khóc khi bị dừng cuộc chơi.
- Bắt chước các biểu hiện trên gương mặt như mỉm cười hoặc cau mày.
- Bé khóc theo các cách khác nhau (để biểu thị sự buồn chán, thất vọng, buồn ngủ, đói…).
3. Thị giác của bé 4 tháng tuổi
- Thị lực được cải thiện rõ ràng. Trẻ sẽ thích nhìn vào nhiều hoa văn, hình dạng và màu sắc.
- Trẻ 4 tháng tuổi đã nhìn được xa hơn so với các tháng trước. Trẻ sơ sinh nhìn rõ trong khoảng 18-20 cm, trẻ 2 tháng tuổi nhìn xa khoảng 1,8 – 2,5 mét nhưng bé 4 tháng tuổi có thể nhìn xa ra ngoài cửa sổ, nhận biết được những người và đồ vật từ xa.
4. Giao tiếp và ngôn ngữ của bé 4 tháng tuổi
- Trẻ bập bẹ cố gắng bắt chước ngôn ngữ của người lớn và thường xuyên phát ra âm thanh không rõ để thể hiện sự phấn khích.
- Khả năng bập bẹ của trẻ được thể hiện phụ họa kèm theo cảm xúc hoặc bắt chước những âm thanh bé nghe thấy.
XÂY DỰNG LỊCH SINH HOẠT CHO BÉ 4 THÁNG TUỔI
6h15 sáng: Đánh thức trẻ dậy và cho bé bú
7h45 - 8h15 sáng: Cho trẻ ngủ một giấc ngủ ngắn
8h15 - 8h45 sáng: Cho bé ăn sữa sau khi thức dậy
9h45 - 10h sáng: Bé tiếp tục ngủ một giấc ngắn
10h45 - 11h15 sáng: Sau khi bé ngủ dậy thì cho bé bú sữa
11h45 - 12 giờ trưa: Cho bé ngủ
13h15 - 13h45 chiều: Cho trẻ ăn sữa
14h00 - 15h00 chiều: Bé ngủ
15h30 chiều: Tắm cho bé, giúp trẻ thoải mái
15h45 - 16h15 chiều: Cho bé bú
16h45 - 17h45 chiều: Trẻ ngủ giấc ngắn
17h45 chiều: Làm một số việc trước khi trẻ ngủ giấc tối như:
- Vệ sinh cá nhân cho bé
- Kể chuyện, đọc sách cho trẻ nghe
18h00 chiều: Mẹ cho bé ăn sữa
18h15 chiều: Cho bé ngủ tới sáng hôm sau
CHĂM SÓC CHO BÉ 4 THÁNG TUỔI ĐÚNG CÁCH
1.Tắm cho trẻ 4 tháng tuổi
Nên tắm cho bé từ 2-3 ngày/lần. Vì làn da của bé ở độ tuổi này còn nhạy cảm nên nếu tắm quá nhiều có thể làm cho trẻ bị khô da.
2. Ngăn ngừa côn trùng cắn
Đa phần các loại thuốc chống côn trùng đều an toàn khi sử dụng cho bé từ 2 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần thường xuyên lưu ý và bảo vệ trẻ một cách tự nhiên.
3. Chống nắng an toàn cho bé
Trẻ 6 tháng tuổi không thể sử dụng kem chống nắng. Trong trường hợp cha mẹ muốn cho con chơi ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời thì nên giữ trẻ ở trong bóng râm và che chắn đầy đủ.
4. Tập nói cho trẻ 4 tháng tuổi
Cha mẹ có thể áp dụng một số mẹo hữu ích sau đây để khuyến khích trẻ nói:
+ Đặt các câu hỏi cho trẻ và sau đó theo dõi câu trả lời. Điều này sẽ mô hình hóa cuộc trò chuyện có câu hỏi và câu trả lời.
+ Để giúp bé tăng cường khả năng học từ vựng, hãy cho trẻ có thời gian tự mình nói. Nếu bé cố gắng phát ra những tiếng như “mmm” hoặc “ahhh” thì hãy thực sự lắng nghe. Con sẽ rất vui nếu được chú ý như vậy.
+ Nếu không tìm được chủ đề để nói chuyện với trẻ, cha mẹ chỉ cần nói với bé những gì đang làm.
+ Nói cho trẻ về những những âm thanh xung quanh. Ví dụ như tiếng ồn, tiếng con chó đang sủa...Điều này sẽ giúp cho trẻ vừa lắng nghe và chú ý.
+ Đọc sách cho trẻ nghe để gia tăng vốn từ cho bé.
+ Lặp lại âm thanh của bé một cách chính chính xác để khuyến khích trẻ nói nhiều hơn nữa.
5. Chế độ dinh dưỡng và ăn uống cho bé 4 tháng tuổi
Trẻ 4 tháng tuổi vẫn được đáp ứng tất cả các nhu cầu dinh dưỡng từ sữa mẹ, sữa công thức hoặc kết hợp cả hai. Thông thường bé sẽ cần khoảng 118-177 ml sữa trong từ 3-5 tiếng. Để đảm bảo trẻ được ăn đầy đủ thì cha mẹ phải theo dõi lượt tã thay ra và tần suất đi ngoài của bé. Đôi lúc, trong quá trình ăn trẻ có thể thiếu tập trung vì bị phân tâm bởi môi trường xung quanh. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc bé bú sữa mẹ hoặc sữa bình. Nếu thấy con phân tâm thì mẹ có thể cho con ăn ở nơi yên tĩnh hơn.
6. Giấc ngủ của trẻ
Trẻ 4 tháng tuổi cần ngủ trung bình từ 12-16 giờ mỗi ngày. Tức là bé sẽ có hai giấc ngủ ngắn vào ban ngày và giấc ngủ kéo dài hơn vào ban đêm. Cha mẹ cần phải giữ trẻ tỉnh táo vào ban ngày và thư giãn vào ban đêm. Để làm được điều đó, phụ huynh phải nắm rõ thói quen đi ngủ của con. Một vài cách sau đây có thể sẽ giúp bé có được một giấc ngủ ngon hơn:
+ Tập thói quen ngủ đúng giờ nhưng không nên quá máy móc. Tốt nhất là khoảng một tiếng trước khi bé ngủ thì đặt trẻ vào giường, kéo rèm và bật đèn ngủ để tạo môi trường thoải mái nhất. Có thể tắm, lau người sơ qua cho trẻ bằng nước ấm, thay quần áo, bỉm giúp bé dễ chịu.
+ Hạn chế các yếu tố dễ làm trẻ thức giấc, ngủ không sâu như ánh sáng, tiếng ồn.
+ Không gây áp lực tâm lý cho trẻ.
+ Bật vài bản nhạc nhẹ nhàng hay mẹ hát ru cũng có ích cho giấc ngủ của bé.
+ Nên giữ nhiệt độ phòng ở mức 26 độ C. Nếu nóng quá, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ tăng lên. Còn quá lạnh thì có thể gây cho bé bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp.
7. Tiêm vắc xin và cách phòng tránh một số bệnh
- Trẻ sẽ phải tiêm một số loại vắc xin sau khi đến độ tuổi này: vắc xin phế cầu khuẩn, DTaP, Hib, bại liệt và Rotavirus.
- Sau đây là một số lời khuyên cần lưu ý khi cha mẹ chăm sóc sức khỏe cho trẻ 4 tháng tuổi:
+ Bệnh cảm lạnh: nhiều em bé có thể bị sổ mũi, tiết ra dịch có màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Điều này không hẳn là trẻ bị nhiễm trùng xoang thật sự mà có khả năng cơ thể chỉ đang làm chức năng bình thường của nó là làm sạch xoang và đường mũi. Tuy nhiên nếu bé bị cảm lạnh kéo dài hơn 10-14 ngày hoặc có xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao thì cha mẹ cần phải đưa con đi khám bác sĩ.
+ Nôn mửa: nếu trẻ bị nôn sau khi bú thì mẹ có thể thử rút ngắn thời gian cho con bú xuống còn từ 5-10 phút và chờ vài giờ xem liệu bé có bị nôn hay không. Trong trường hợp trẻ không thể bú mẹ hoặc nôn tất cả mọi thứ sau 24 giờ thì bé cần phải được đi khám.
+ Sốt: bất cứ khi nào bé 4 tháng tuổi sốt trên 38 độ C thì phải nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Hoặc trong những hợp trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng đến mức có dấu hiệu mất nước như không chảy nước mắt khi khóc, không ướt tã trong 4-6 giờ, lờ đờ.
+ Bệnh nấm miệng (hay tưa lưỡi): bệnh này là những màng giả mạc màu trắng xuất hiện ở niêm mạc miệng, đặc biệt là ở bề mặt trên của lưỡi. Ban đầu chỉ xuất hiện những chấm trắng rồi phát triển nhanh, ăn sâu vào lớp niêm mạc lưỡi, vòm họng. Chính điều này gây đau, khó chịu cho trẻ. Để phòng tránh bệnh này cho trẻ, cha mẹ phải thường xuyên vệ sinh răng miệng cho con, đặc biệt là sau khi bú.
KIỂM TRA SỨC KHỎE CHO TRẺ 4 THÁNG TUỔI
Mặc dù mỗi một em bé sẽ có sự phát triển không giống nhau. Nhưng nếu như trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây thì cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra:
- Mắt lác.
- Tăng cân chậm.
- Không thể ngẩng đầu lên.
- Không thể ngồi dậy khi có sự hỗ trợ.
- Bé không có phản ứng với khuôn mặt của mọi người hoặc không phản ứng khi có vật hoặc người di chuyển trước mặt
- Trẻ không cười.
NHỮNG LƯU Ý AN TOÀN CHO BÉ 4 THÁNG TUỔI
Vì trẻ đã bắt đầu tò mò với thế giới xung quanh nên cha mẹ cần phải đảm bảo an toàn cho bé, tránh những yếu tố nguy hiểm. Cụ thể như sau:
- Tránh cho trẻ bị ngã: nên đặt bé nằm trong nôi (hoặc cũi), sàn nhà và có rào chắn an toàn xung quanh.
- Tránh bị bỏng nước nóng: cha mẹ cần cất hết các bình nước sôi hoặc những thứ có nhiệt độ cao khỏi tầm mắt của trẻ. Điều này sẽ giúp phòng tránh việc bé có thể trườn, với các ly nước nóng hoặc bình thủy đun nước khiến chúng rơi vỡ, làm trẻ bị bỏng.
- Tránh bị nghẹn, hóc: vì trẻ rất dễ có thể đưa bất cứ vật nào nhặt được cho vào trong miệng nên phải dọn sạch một số đồ vật sau ra khỏi tầm tay bé: viên bi, đồ chơi nhỏ, pin tiểu...
Cha mẹ hãy tham khảo những thông tin trên đây để có thể chăm sóc cho bé 4 tháng tuổi một cách tốt nhất.