Bệnh sởi ở trẻ em – nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Chăm sóc con 24/07/2019 15:42

Bệnh sởi ở trẻ em là một căn bệnh khá nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây những biến chứng nặng nề. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, hãy chủ động phòng tránh để bảo vệ con yêu hiệu quả.

Bệnh sởi ở trẻ em thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện, dịch tiết mũi họng của người bệnh theo không khí thoát ra. Bệnh sởi dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Do hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu nên sau khi mắc bệnh, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh kèm theo hoặc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, để chủ động phòng ngừa cũng như điều trị hiệu quả thì bệnh sởi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các điều trị như thế nào? Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ để có thể bảo vệ và chăm sóc con yêu một cách tốt nhất.

  1. Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi ở trẻ em là căn bệnh truyền nhiễm
Bệnh sởi ở trẻ em là căn bệnh truyền nhiễm

Thời gian gần đây, số trẻ mắc sởi có xu hướng tăng tại các cơ sơ y tế và bệnh viện nhi trên cả nước. Điều này khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Căn bệnh này dễ lây lan thành ổ dịch. Bởi vì sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Đặc biệt là trẻ nhũ nhi mắc sởi rất nguy hiểm vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong.

  1. Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em

Khi bị nhiễm bệnh sởi, sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 7 – 15 ngày, trẻ thường có những triệu chứng thường gặp sau đây:

Vào giai đoạn khởi phát: Khoảng 3-4 ngày đầu trẻ sẽ sốt nhẹ hoặc vừa, rồi sốt cao. Sau đó có thể viêm kết mạc mắt đỏ có gỉ kèm nhèm và sưng nề mi mắt, viêm xuất tiết mũi, họng. Ngoài ra, có thể có hạch ngoại biên to.

Thời kỳ toàn phát (giai đoạn mọc ban): Giai đoạn này kéo dài 4-6 ngày. Trẻ sốt cao 39 – 40°C không hạ, kèm theo mê sảng, co giật và phát ban rầm rộ. Các nốt ban mọc trong 3 ngày, mọc ở sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống đến cổ, ngực, lưng, tay, ngày 3 lan đến chân. Những nốt ban này là ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành. Các nốt ban mọc rải rác hoặc lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3-6 mm. Đây cũng là thời gian mà trẻ luôn cảm thấy ngứa ngáy và muốn gãi, hay quấy khóc nhiều nhất.

Bệnh có biểu hiện là trẻ sốt và phát ban
Bệnh có biểu hiện là trẻ sốt và phát ban

Thời kỳ lui bệnh (giai đoạn ban bay): Các nốt ban bay theo thứ tự như nó đã mọc. Sau khi bay có để lại vết thâm trên da. Khi ban bay hết cũng là lúc trẻ hết sốt. Trừ trường hợp trẻ bị biến chứng thì vẫn còn sốt sau khi ban bay.

  1. Biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em

Khi mắc bệnh sởi, virus xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sốt cao liên tục trong khoảng thời gian dài. Lúc này khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ đã bị giảm sút rất nhiều, nếu không đưa trẻ đi viện sớm để chữa trị kịp thời thì rất có thể bé yêu nhà bạn sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tai giữa thường gặp ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.
  • Viêm loét giác mạc. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm của sởi, có thể cướp đi ánh sáng của trẻ.
  • Viêm não cấp tính, trẻ nhỏ sau khi phát ban (1-15 ngày) xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, nôn, cứng gáy, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.
  • Tiêu chảy thường gặp ở trẻ nhũ nhi. Trẻ dễ bị kiệt sức, mất nước và dẫn đến tử vong.
  • Viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn tụ cầu Influenzae tuýp B, Hemophilus.
  • Thể lao tiềm ẩn tái bùng phát do cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch.

Theo các chuyên gia, bệnh sởi là bệnh có tiến triển rất nhanh, nặng và dễ gây biến chứng nguy hiểm. Những trẻ có cơ địa suy dinh dưỡng hoặc bị những bệnh nền như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính hay những bệnh suy giảm hệ miễn dịch thì dễ mắc bệnh sởi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2017, cả thế giới có 110.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do bệnh sởi. Trong đó, 95% trẻ tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Chính vì vậy, các bậc làm cha mẹ hãy theo sát con yêu trong từng tiến trình phát triển để sớm phát hiện ra bệnh, điều trị kịp thời, để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bé yêu.

  1. Nguyên nhân của bệnh sởi ở trẻ em

Mẹ cần bảo vệ con yêu để tránh bị lây nhiễm bệnh sởi
Mẹ cần bảo vệ con yêu để tránh bị lây nhiễm bệnh sởi

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh sởi là do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây ra. Tốc độ lây bệnh rất nhanh, người bình thường hít phải những giọt không khí chứa virus sởi sau khi người bệnh thải ra môi trường xung quanh 2 tiếng đồng hồ là đã có thể bị nhiễm bệnh. Khi nhiễm bệnh, sau vài ngày sẽ xuất hiện triệu chứng của bệnh.

Những trẻ chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi, nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài trẻ nhỏ, những người thường xuyên đi du lịch quốc tế, nhất là du lịch đến các quốc gia đang phát triển nơi mà bệnh sởi xảy ra phổ biến, khi không chú ý biện pháp phòng ngừa thì khả năng bị nhiễm bệnh sẽ rất cao.

  1. Cách trị bệnh sởi ở trẻ em

Hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị cơ bản vẫn là khắc phục triệu chứng bệnh, kết hợp với cải thiện chế độ dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh tình của trẻ. Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng đã đề cập ở trên thì cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời, tránh những hậu quả nặng nề đáng tiếc xảy ra.

Nếu mà điều trị bệnh sởi tại nhà, thì cha mẹ cần chú ý một số điều như: trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác lây bệnh, đồng thời giúp trẻ vệ sinh thân thể hàng ngày, giữ gìn nơi ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.

Chế độ dinh dưỡng tác động rất lớn đến quá trình hồi phục của trẻ. Vì thế, để trẻ nhanh khỏi bệnh mẹ cần lựa chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ, tránh loét giác mạc, mù mắt, dễ tiêu, nấu chín kĩ. Khi ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, để trẻ dễ tiêu hóa.

  1. Cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em

Tiêm phòng là cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất
Tiêm phòng là cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất

Cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả nhất chính là thực hiện chủ động việc tiêm ngừa bệnh sởi bằng vắcxin. Mũi 1 sẽ thường tiêm vào giai đoạn từ 9-11 tháng tuổi, mũi 2 vào giai đoạn 18 tháng tuổi. Việc tiêm phòng đúng thời điểm sẽ nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ. Trong trường hợp trẻ không may tiếp xúc với nguồn bệnh, có thể sử dụng globulin miễn dịch nhằm phòng chống hay kìm hãm sự phát triển của bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc cách ly trẻ bệnh tránh lây lan cho cộng đồng, sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời, thực hiện cách ly nguồn bệnh.

Ngoài ra, các bậc phu huynh cũng hãy rửa tay sạch sẽ đúng cách trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh để ngăn ngừa sự lây nhiễm chéo từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Đồng thời cần chú ý đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, vệ sinh đường mũi, mắt thường xuyên, vì đây là con đường ngắn nhất giúp virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về căn bệnh sởi ở trẻ em để có thể nhận biết sớm triệu chứng cũng cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban thông thường

Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban thông thường

TIN MỚI NHẤT