Trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi trắng có thể do váng sữa đóng hoặc bị nấm miệng. Mẹ cần vệ sinh miệng sạch sẽ để con bú ngoan hơn, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Lời khuyên của các giáo viên giúp cha mẹ nuôi dạy con thành công
- Mách mẹ cách chọn giày cho bé trong giai đoạn tập đi
Nguyên nhân lưỡi bé bị đóng trắng
Trẻ bị lưỡi trắng xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
- Bé không được vệ sinh miệng thường xuyên: Trẻ bú mẹ không được vệ sinh miệng khiến sữa còn đọng lại trên lưỡi. Để lâu ngày lưỡi bé sẽ đóng trắng. Nếu kéo dài bé có nguy cơ bị nấm miệng.
- Bé bị nấm miệng: Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi dễ bị nấm candida albicans phát triển trong miệng. Nguyên nhân gây ra tình trạng nấm miệng của bé có thể do môi trường khoang miệng bị mất cân bằng. Những mảng nấm này lúc đầu trông như những nang sữa đọng trong lưỡi, màu trắng đục. Tuy nhiên, khi mẹ dùng gạc rơ lưỡi đốm trắng sẽ không mất đi.
- Bé bị nhiễm nấm từ mẹ: Mẹ bị nhiễm nấm candida albicans khi mang thai có thể lây cho con. Do đó, nếu âm đạo mẹ bị nhiễm nấm, mẹ cần điều trị dứt điểm để tránh lây bệnh cho bé.
- Bé lây nấm từ vú mẹ: Nếu đầu vú mẹ bị nhiễm nấm trẻ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Vì vậy, trước khi cho con bú, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ núm vú, không để vú bị nứt cổ gà.
Cách trị tưa lưỡi trắng ở trẻ sơ sinh
Khi phát hiện lưỡi bé có những đốm trắng, mẹ cần kiểm tra xem con bị đóng váng sữa hay bị nấm miệng. Nếu lưỡi trẻ có một vài nốt trắng bằng đầu kim nằm ở vòm khẩu cái hoặc trên cung răng, đây là các nang bã. Chúng sẽ tự bong tróc dần.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Khi trẻ bị lưỡi trắng, mẹ nên rơ lưỡi cho bé bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch borate hay dung dịch denicol. Mẹ không cần rơ thuốc kháng nấm nếu không cần thiết. Trẻ dưới 1 tuổi tuyệt đối không được tưa lưỡi bằng mật ong”.
Để phòng tránh hiện tượng lưỡi trắng ở trẻ, mẹ cần vệ sinh khoang miệng hàng ngày cho bé sau khi bú theo các bước:
Bước 1: Cho bé uống 1 – 2 thìa nhỏ nước sôi để nguội (khoảng 5ml) sau khi bú mẹ hoặc bú bình.
Bước 2: Dùng khăn mềm thấm nước sạch lau nhẹ khu vực nướu và lưỡi trẻ sau khi bú, đặc biệt ở những vùng có nang sữa. Mẹ lưu ý không lau sâu vào vùng đáy lưỡi kẻo tác động đến sự co bóp các cơ hầu họng khiến trẻ bị nôn trớ.
Bước 3: Để làm sạch sâu phía trong lưỡi, mẹ nên thực hiện khi bé bụng đói. Trong lúc vệ sinh miệng, mẹ không được cho bé nằm ngửa, phải bế bé sao cho đầu thấp để tránh chất nôn chảy ngược vào khí quản gây nguy hiểm cho bé.
Chúc mẹ thành công với cách trị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh.