Vào dịp lễ Tết trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh.
- Vui đón Tết, trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nếu không được tiêm vắc xin đầy đủ
- “Ba thằng An Đất phương Nam” gây thương nhớ với 250 vai phụ trước khi qua đời
Trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp
Th.BS Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện nhi Trung ương cho biết dịp lễ Tết năm nay thời tiết khá lạnh nên trẻ dễ gặp phải các bệnh lý về hô hấp. Khi thời tiết lạnh, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ thấp khiến cho các loại vi khuẩn, vi rút có điều kiện phát triển và gây bệnh. Đặc biệt, là các bệnh lây qua đường hô hấp.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng kém do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh. Theo BS Ngọc Duy, thời tiết này, trẻ thường mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen, viêm mũi, viêm mũi họng cấp...
Cha mẹ khi đưa trẻ đi chơi Tết cần phải đặc biệt lưu ý hạn chế đưa trẻ tới những nơi tập trung đông người. Vì khoảng thời tiết Đông Xuân các loại vi rút gây bệnh quai bị, thủy đậu, cúm mùa…
Theo bác sĩ Duy, những năm trước, bệnh nhi cấp cứu trong điều kiện thời tiết này chủ yếu là viêm phế quản phổi, hay gặp ở nhóm trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Các trường hợp vào cấp cứu đa số là suy hô hấp. Bệnh thường diễn biến với các triệu chứng ban đầu là ho, hắt hơi, chảy mũi và có thể kèm theo sốt như là cảm cúm thông thường. Khi trời lạnh, trẻ nhỏ tuổi, trẻ suy dinh dưỡng hoặc chăm sóc không tốt, bệnh dễ tiến triển thành viêm phổi rồi biến chứng suy thở nhanh chóng, có thể tử vong nếu không điều trị và cấp cứu kịp thời.
Để phòng ngừa, bố mẹ nên cho trẻ mặc đủ ấm, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng trong những ngày chuyển lạnh. Hạn chế cho trẻ ngoài đường liên tục trong nhiều giờ, không nên cho trẻ đi chơi quá khuya. Nhiệt độ ngoài trời nếu dưới 10 độ C thì không cho trẻ ra ngoài đường.
"Trẻ có triệu chứng ho, sốt, khó thở nên hạ sốt cho trẻ và đưa trẻ đi khám. Nếu trẻ có nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh hợp lý. Khi theo dõi trẻ có những triệu chứng bất thường như tình trạng khó thở tăng, tím tái cần phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện nhanh", bác sĩ Duy nói.
Sai lầm lớn nhất của bố mẹ trong những ngày Tết là thường chủ quan vì nghĩ con chỉ bị bệnh thông thường như viêm đường hô hấp trên, không thể gây ra biến chứng. Nhưng trên thực tế thì triệu chứng viêm đường hô hấp trên do vi rút gây ra có thể gây ra biến chứng: viêm phổi, viêm tiểu phế quản rất nặng, khiến việc điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Bác sĩ Duy cho biết thêm, một số gia đình có thói quen sử dụng lại đơn thuốc của bác sĩ đã kê cho con trong lần khám bệnh trước khi trẻ có những triệu chứng giống hoặc gần giống lần bệnh trước. Cần lưu ý, một đơn thuốc bác sĩ ghi sau khi khám chẩn đoán bệnh chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định nào đó chứ không phải cho tất cả các trường hợp tương tự.
Ăn nhiều bánh kẹo khiến trẻ dễ bị tiêu chảy
Ngoài các bệnh về đường hô hấp đã kể trên, Th.BS Lê Ngọc Duy cũng cho hay, trong những ngày lễ Tết, trẻ nhỏ còn dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy, trường hợp nặng có thể bị ngộ độc. Để phòng bệnh tiêu chảy cần chú ý vệ sinh, ăn chín uống sôi để đề phòng bệnh tiêu hóa. Không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm thì phải vứt bỏ.
Trẻ bị tiêu chảy cần phải bù nước, bù diện giải, trẻ uống thuốc tiêu chảy không thể cẩm kèm theo nôn và sốt cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cần phải tiêm phòng đầy đủ và nếu có biểu hiện của bệnh nên khám bác sĩ nhi khoa sớm để tránh bị biến chứng nặng lên không đáng có.