Cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu cơ bản khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng để kịp thời chăm sóc và điều trị, tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Cậu bé bị nổi ban đỏ, nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng do uống sữa công thức giả
- Bác sĩ Nhi hướng dẫn cha mẹ cách trị vết muỗi đốt đơn giản cho trẻ em
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ do virus Enterovirus 71 và Coxackievirus gây nên. Chủng virus này có thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc vô tình chạm vào vùng bệnh.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi càng có nguy cơ mắc bệnh nặng, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày.
Bác sĩ Khanh thông tin, khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu sốt từ 1 – 2 ngày, những ngày sau cơ thể hạ sốt nhưng nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, miệng bị lở thì nên cho trẻ đi khám để chẩn đoán bệnh tay chân miệng.
Nếu trẻ sốt cao liên tục (trên 39 độ C) hơn 2 ngày, uống thuốc không hạ sốt, nôn ói, thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hoặc đập nhanh, lập tức cho trẻ nhập viện vì bệnh đã trở nặng.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Cha mẹ cần quan tâm đến tình trạng nổi mụn nước, chế độ dinh dưỡng, thuốc kháng sinh, giấc ngủ của trẻ. Cụ thể:
Kiểm tra mụn nước: Nếu mụn nước nổi lên quá nhiều, cha mẹ không nên lo lắng. Không nên bôi thuốc xanh methylen sát trùng vì không mang lại hiệu quả đồng thời bác sĩ sẽ khó kiểm tra tình trạng mụn nước.
Vệ sinh cơ thể: Cha mẹ tắm rửa, vệ sinh cơ thể bé bình thường, mụn nước sẽ tự động khô lại sau một thời gian. Nếu kiêng tắm, cơ thể bé sẽ ngứa ngáy, khó chịu, mất ngủ.
Thuốc men: Nếu trẻ không có hiện tượng loét miệng gây bội nhiễm, không cần dùng kháng sinh. Bên cạnh đó, cũng không nên cho trẻ uống vitamin vì khi đang đau miệng, trẻ cũng không chịu uống. Trẻ bị đau họng do vết loét gây khó ngủ, nên sử dụng thuốc gói Grangel (thuốc trị viêm loét dạ dày) để vào ngăn mát tủ lạnh rồi cho trẻ ngậm hay chấm vào vết loét.
Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, không ăn các thức ăn cay, nóng, thức ăn chua. Để tránh làm đau miệng trẻ, nên sử dụng loại thìa mềm, không cho ngậm ti giả. Thức ăn sau khi nấu nên để nguội mới cho trẻ ăn. Trẻ không chịu ăn nên dùng gói Grangel để rơ miệng.
Bước sang ngày thứ 4, bệnh tay chân miệng sẽ thuyên giảm, trẻ không còn dấu hiệu giật mình, không còn sốt cao.
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, kể cả cha mẹ cũng nên tạo thói quen này.
- Khi con bị bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần thông báo với cô giáo phụ trách lớp học để phòng ngừa tình trạng lây lan cho những trẻ khác.
- Cho trẻ nghỉ học và điều trị bệnh ít nhất 10 ngày.
- Sử dụng thuốc để sát trùng trong sân nhà, đồ chơi của trẻ.